– CÁCH 膈

➊ Như chữ “cách 鬲” tức là hoành cách mô. Sách ‘Nhân kính kinh ghi: “Cách mô là từ dưới Tâm Phế vòng quanh với cột sống, hông sườn và bụng, như tấm màng kín, che lấy trọc khí, không cho nó xông lên thanh đạo”. Trong 12 kinh mạch ngoài túc thái dương Bàng quang kinh ra, 11 kinh còn lại hoặc lên hoặc xuống đều đi qua vùng cách mô. Thiên ‘Mạch kinh’ (Linh khu) đã ghi: “Thủ thái âm mạch khởi từ tâm trung đi ra… xuống đến cách, liên lạc với Tiểu trường” ➋ Như chữ “cách 隔” là cách (ách) tắc không thông. Thiên  ‘Căn kết’ (Linh khu) ghi: “Bệnh cách động, nên chọn Túc thái âm kinh”.

– CÁCH 隔

➊ Là trở tắc không thông ➋ Tên chứng bệnh. Chứng cách, ăn uống không xuống, đại tiện không thông, còn gọi là Ế cách. ➌ Thông với chữ “cách 鬲”. Như Hung cách (lồng ngực). Sách Đơn khê tâm pháp viết: “Nếu như huyết tràn ở trọc đạo lưu giữ tích tụ giữa hung cách, đầy thì thổ huyết”. Sách ‘Lôi công bào chích dược tính phú viết: “Dùng nhiều có thể lưu luyến ở hung cách thành đờm”. Sách ‘Bản thảo cương mục viết: “Khí ở vùng cách, buồn buồn không thông sướng”.

– CÁCH 格

➊ Là ngăn cách không thông, ý nói dương khí bị tắc nghẽn, nên điều trị theo phép tả. ➋ Hiện tượng ăn uống không vào, đại tiện không thông. ➌ Do dương khí thịnh quá làm cho âm khí bị trở ngại, bên trong doanh không vận tới bên ngoài để giao tiếp với dương khí. ➍ Cách mạc, hoành cách mô, ranh giới của Tâm Phế và Trường Vị. Tác dụng của cách mô có thể lọc được trọc khí do Trường Vị tiêu hóa đồ ăn uống sinh ra, khiến cho trọc khí ấy không bốc lên Tâm Phế. Thường cách vận động thăng giáng theo hô hấp; trong 12 kinh mạch, có nhiều kinh mạch đi xuyên qua cách mạc.

– CÁCH 胳

➊ Phần trên của cánh tay. Còn gọi là Cách bác, Cách tý. ➋ Còn được gọi là “Dịch 腋” là dưới nách. ➌ Có nghĩa như cốt cách骨骼.

– CÁCH BÍNH CỨU 隔饼灸

Bính: bánh, tức là lấy dược liệu làm thành bánh. Cứu cách bính là phương pháp cứu gián tiếp. Thường dùng các vị thuốc có vị cay, tính ấm hoặc các thuốc có mùi thơm nồng chế thành các miếng bánh mỏng đặt lên trên huyệt định cứu, trên miếng bánh lại đặt mồi ngải, châm lửa cho mồi ngải cháy, hơi nóng theo huyệt đi vào trong cơ thể. Nguyên liệu làm bánh thuốc này thường là Phụ tử, Hồ tiêu, và Đậu xị, do đó còn gọi là Phụ bính cứu, Tiêu bính cứu, Xị bính cứu.

– CÁCH DIÊM CỨU 隔盐灸

Phương pháp cứu gián tiếp nhưng ở đây thay vì dùng bánh thì người ta dùng muối ăn. Phương pháp này thường được áp dụng ở rốn, tức là dùng muối ăn đổ đầy vào lỗ rốn sau đó đặt mồi ngải lên trên muối, đốt mồi ngải cho cháy hơi nóng sẽ theo đó mà rút vào rốn. Thường dùng để hồi dương cố thoát. Ôn bổ hạ nguyên, hoặc các chứng đau bụng, thổ tả.

– CÁCH DƯƠNG QUAN ÂM 格阳关阴

➊ Cách dương là hiện tượng mạch Nhân nghinh đập mạnh gấp bốn lần so với bình thường, gọi là Cách dương. Nguyên nhân do khí huyết tràn đầy ở ba kinh dương gây ngăn cách với ba kinh âm; Quan âm là hiện tượng mạch Khí khẩu đập mạnh hơn bình thường gấp bốn lần thì gọi là quan âm. Nguyên nhân do khí huyết tràn đầy ở ba kinh âm gây ngăn cách với ba kinh dương. Nếu cả Nhân nghinh và Khí khẩu đều đập mạnh hơn gấp bốn lần so với bình thường thì gọi là chứng Quan cách. Đây là chứng bệnh nguy hiểm. [Lục tiết tạng tượng luận (Tố vấn) ]. ➋ Chỉ chứng bệnh phần trên và phần dưới cơ thể không thông nhau. Xem Quan cách.

– CÁCH DƯƠNG 格阳

➊ Do dương khí cực thịnh không giao với âm khí làm cho âm dương bị ngăn cách, mất sự điều hòa. Biểu hiện là khi bắt mạch thấy mạch Nhân nghinh lớn gấp bốn lần trở lên so với mạch Khí khẩu thì gọi là hiện tượng cách dương. ➋ Chỉ chứng ói mửa do hàn tà ủng trệ ở giữa ngực, Vị dương bị ngăn cách. Biểu hiện là tay chân lạnh, không muốn ăn uống, ăn vào thì mửa ra.

– CÁCH ĐÀM 隔痰

Thuộc đàm chứng. Sách ‘Thánh tế tổng lục, q.6 ghi: “Cách đàm là do khí không thăng giáng, tân dịch bị ủng trệ thủy khí tụ ở trên cách mạc, lâu ngày kết lại làm cho khí đạo không thông sinh ra chứng đầy tức khó thở nằm không được, ngồi dậy thì chóng mặt xây xẩm, buồn nôn”. Điều trị: giáng khí tiêu đàm. Còn gọi là Đàm kết thực.

– CÁCH Ế 膈噎

Tức chứng Ế cách.

– CÁCH HẠ 隔下

Hoành cách mô, nơi phân chia ra ngực, bụng. Cách hạ là chỉ vị trí phía dưới hoành cách mô, tức là vùng bụng trên. Sách ‘Y lâm cải thác’ ghi: “Bên trong chia ra 2 khoang là thượng và hạ cách mô, thượng cách mô bao gồm Tâm, Phế, yết hầu, tả hữu khí môn, phần còn lại thuộc hạ cách môn… từ đó lập ra bài ‘Cách hạ trục ứ thang’ dùng chữa chứng huyết ứ ở bụng”.

– CÁCH KHƯƠNG CỨU 隔姜灸

Phương pháp cứu gián tiếp nhưng ở đây thay vì dùng bánh thuốc hay muối ăn thì người ta dùng Gừng tươi xắt thành từng lát dày khoảng 3mm, lấy kim đâm vài lỗ nhỏ, đặt miếng gừng lên huyệt định cứu, sau đó đặt mồi ngải lên trên miếng gừng, đốt mồi ngải cho cháy, hơi nóng sẽ theo đó mà rút vào huyệt. Thường dùng để chữa các chứng hư hàn.

– CÁCH MẠCH 革脉

Một trong 28 loại mạch. Mạch đến chắc, to cứng mà dài, để nhẹ tay hoặc hơi ấn vào thì không thấy, nhưng khi ấn mạnh mới thấy rắn chắc, khó chuyển mà không rời vị trí, như đè lên mặt trống, gọi là mạch cách. Thường gặp ở các bệnh âm hàn tích tụ như các loại trưng hà, bĩ khối, sán khí. Hoặc do tinh vong huyết thất mà gây ra.

– CÁCH TIÊU 鬲消

Tức cách tiêu 膈消. Tên gọi khác của chứng thượng tiêu trong tiêu khát.

– CÁCH TOÁN CỨU 隔蒜灸

Phương pháp cứu gián tiếp nhưng ở đây thay vì dùng bánh thuốc hay muối ăn hoặc gừng tươi thì người ta dùng Tỏi xắt thành từng lát dày khoảng 3mm, lấy kim đâm vài lỗ nhỏ, đặt miếng Tỏi lên huyệt định cứu, sau đó đặt mồi ngải lên trên, đốt mồi ngải cho cháy, hơi nóng sẽ theo đó mà rút vào huyệt. Dùng để chữa các chứng mụn nhọt, trùng thú cắn, ong chích, tràng nhạc, lao phổi.

– CÁCH TRÍ DƯ LUẬN 格致余论

Do Chu Chấn Hanh đời Nguyên soạn năm 1347, sách có 1 quyển, 41 thiên. Ông cho rằng “Dương thường hữu dư, âm thường bất túc” và nêu ra phép bổ âm, đặt ra phương ‘Đại bổ âm hoàn’ và ‘Quỳnh ngọc cao’, hiện vẫn đang được áp dụng trên lâm sàng.

– CÁCH YẾT 鬲咽

Tức EÁ cách.

– CAI 颏

Chỉ phía trước chính giữa cái cằm, nơi có chỗ lõm.

– CAM 甘

Dược liệu có vị ngọt. Thường có tác dụng bổ dưỡng và hòa hoãn. Như Hoàng kỳ bổ khí, Cam thảo hoãn cấp.

– CAM 疳

Tức chứng Cam tích.

– CAM CAM 甘疳

Một loại bệnh tích trệ hóa nhiệt gây ra. Nguyên nhân do Tỳ hư, lại bị các thức ăn ngọt béo làm tổn thương. Triệu chứng: hình thể gầy ốm, mệt mỏi, lông tóc thưa, xơ xác, ngực bụng trướng đầy, gân xanh lộ rõ, tai mũi lở, mắt khô khó nháy, hoặc có mây màng. Thích ăn các dị vật, tiêu chảy hoặc kiết lỵ ra mủ máu.

– CAM HÀN SINH TÂN 甘寒生津

Phương pháp dùng các vị thuốc có vị ngọt, tính hàn, chữa các bệnh do nhiệt làm tổn hao tân dịch. Thường dùng chữa lý nhiệt thịnh, tân dịch bị tổn thương. Triệu chứng: phát sốt, trong miệng khô khát, hoặc thổ ra nhớt dãi.

– CAM HÀN TƯ NHUẬN 甘寒滋润

Phương pháp dùng các dược liệu có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng âm sinh tân để chữa các bệnh ở nội tạng phát sinh do tân dịch bất túc, hoặc nhiệt bệnh hóa táo làm tổn thương âm. Thích hợp chữa các chứng Phế Thận âm suy, hư hỏa bốc lên, có triệu chứng họng khô đau, ho có đờm, trong đờm có vướng máu, lòng bàn tay, chân nóng, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

– CAM KHÁT 疳渴

Chứng cam tích mà kèm có hiện tượng khát muốn uống nước, Nguyên nhân thường do Vị nhiệt hoặc tân dịch vơi kém gây ra.

– CAM LAN THỦY 甘澜水

Đổ nước vào thùng, dùng que khuấy liên tục, cho đến khi nước nổi bọt lăn tăn như nước sôi là Cam lan thủy.

– CAM LAO 疳劳

Tên chứng bệnh. Xuất xứ: Lô tín kinh. Thuộc chứng Phế cam. Sách ‘Dục anh bí quyếtcủa Vạn Toàn đời Minh viết: “Trẻ con dưới 16 tuổi, phát bệnh gọi là Cam, trên 16 tuổi, phát bệnh gọi là Lao”. Cam, Lao đều do Tỳ Phế hư tổn sinh ra bệnh. Triệu chứng: sắc mặt trắng bệch, sốt cơn, nóng trong xương, về chiều hai gò má đỏ, tinh thần mệt mỏi, có lúc ho khan hoặc đau họng, mồ hôi trộm…

– CAM LỴ 疳痢

Trẻ em bị chứng cam tích lại kèm bị kiết lỵ.

– CAM NHÃN 疳眼

Tức chứng Tiểu nhi cam nhãn.

– CAM NHẬP TỲ 甘入脾

Vị ngọt đi vào Tỳ.

Xem chi tiết ở mục Ngũ vị sở nhập.

– CAM NHIỆT 疳热

Trẻ mắc bệnh cam tích mà kèm có sốt.

– CAM ÔN TRỪ NHIỆT 甘温除热

Dùng các vị thuốc có vị ngọt, tính ấm để chữa phát sốt do khí hư. Biểu hiện sốt có mồ hôi, khát thích uống nóng, hụt hơi, biếng nói, lưỡi nhợt, tinh thần mỏi mệt, mạch hư đại. Dùng bài ‘Bổ trung ích khí thang’. Nếu ở phụ nữ sau khi sanh hoặc do mệt nhọc quá độ gây sốt, thấy vùng da nóng, mặt đỏ, phiền khát muốn uống, lưỡi đỏ nhạt, mạch hồng đại mà hư, dùng ‘Đương quy bổ huyết thang’.

– CAM SANG 疳疮

➊ Ngoại khoa đại thành, quyển 2. Tức chứng hạ cam. ➋ Sách Phổ tế cương mục, quyển 7 ghi: “Do sau khi hành kinh động phòng, dẫn đến kinh nguyệt dây dưa, lưu lại ở âm đạo mà phát sinh ra nhọt (cam sang) gây ngứa ngáy”.

– CAM TẢ 疳写

Chứng đau bụng đi tiêu chảy ở trẻ em bị Cam tích

– CAM TÂN VÔ GIÁNG 甘辛无降

Dược liệu có vị ngọt, vị cay thường có tính hướng ra ngoài biểu, phát tán, không có tác dụng hạ giáng.

– CAM TẬT THƯỢNG MỤC 疳疾上目

Tức chứng Tiểu nhi cam nhãn. Xem chi tiết ở mục này.

– CAM TẬT 疳疾

Tức chứng Cam tích.

– CAM THỦ TÂN HOÀN 甘守津还

Xuất xứ: Ôn nhiệt luận. Dùng các thuốc có vị cam hàn, có tác dụng dưỡng âm, tư nhuận để chữa ôn bệnh nhiệt tà làm tổn thương Vị tân. Thích hợp chữa ôn nhiệt bệnh tà truyền nhập vào phần khí, Vị tân bị tổn thương gây ra, biểu hiện bằng các triệu chứng sốt, rêu trắng dầy mà khô. Hiện tượng rêu lưỡi trắng dày là do Vị âm bị tổn thương, điều trị: Tư dưỡng Vị âm rồi mới hóa trọc.

– CAM THƯ 甘疽

Tên bệnh. Thiên ‘Ung thư’ (Linh khu) ghi: “Phát ở ngực (ở phụ nữ thì ở đỉnh cao hai bầu vú) tương đương với vùng huyệt Trung phủ thì gọi là cam thư” Nguyên nhân do lo buồn khí uất hoặc do cảm khí độc gây nên. Lúc mới mọc thì nhỏ như hạt gạo, màu xanh, sau to dần biến sang màu tím, cứng rắn, đau nhức, người sợ lạnh, sốt cao. Nếu vỡ mủ, mủ ra đặc là chứng thuận. Nếu hơn ½ tháng mà không làm mủ, nóng lạnh, mạch phù sác là chứng nghịch.

– CAM TÍCH 疳积

Tên bệnh. Thường gặp ở trẻ em. Sách ‘Tiểu nhi dược chứng trực quyết ghi: “Vô tích bất thành cam”, có nghĩa là nếu không có tích trệ thì không phát sinh bệnh cam. Triệu chứng điển hình là mặt vàng bủng, teo cơ, bụng to, lông tóc xơ xác, dễ hờn giận, hay bú ngón tay, tiêu lỏng, phân thối khắm. Nguyên nhân là do trẻ con thường rất háu ăn, thích ăn uống đồ sống lạnh, ngọt béo, ăn uống không có chừng mực làm cho Tỳ Vị không kịp tiêu hóa gây ra bệnh. Hoặc do nuôi dưỡng không đúng cách, hoặc do ký sinh trùng gây ra.

– CẢM MẠO 感冒

Do phong tà bệnh độc xâm nhập vào cơ thể mà gây ra bệnh. Trên lâm sàng thấy phát sốt, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sợ gió, mạch phù. Cảm mạo thường có phân ra phong hàn, hoặc phong nhiệt.

– CẢM MẠO ĐẦU THỐNG 感冒头痛

Chứng đau đầu. Do cảm phải phong tà gây ra. Triệu chứng:  đau đầu, nghẹt mũi, tắt tiếng, tự ra mồ hôi, sợ gió, mạch phù hoãn.

– CẢM MẠO HIẾP THOÁNG 感冒胁痛

Xem Phong hàn hiếp thống.

– CẢM MẠO HUYỄN VỰNG 感冒眩晕

Tức là chứng Trúng thử huyễn vựng.

– CẢM THỬ 感署

Thương thử. Còn gọi là cảm nắng. Bệnh thường gặp vào mùa hè, biểu hiện phát sốt, nhiều mồ hôi, Tâm phiền, khát nước, thở ồ ồ, chân tay mỏi, tiểu tiện ít, đỏ.

– CAN 肝

Một trong ngũ tạng. Có chức năng tàng trữ, điều tiết và phân bố huyết dịch toàn thân. Giúp duy trì chức năng vận động của gân xương, điều tiết chức năng hấp thu và tiêu hóa của Tỳ Vị. Ngoài ra còn có quan hệ mật thiết với các hoạt động của tinh thần.

– CAN ÂM 肝阴

Âm huyết và âm dịch trong tạng Can. Cùng với Can dương duy trì sự cân bằng, giúp cho chức năng của gan hoạt động được tốt. Nếu Can khí thái quá, Can dương vượng thì dễ làm tổn thương Can âm. Hoặc khi Can âm bất túc cũng làm cho Can dương không còn chỗ nương dựa mà thượng nghịch.

– CAN ÂM BẤT TÚC 肝阴不足

Còn gọi là Can âm hư. Phần nhiều do huyết không nuôi dưỡng Can gây ra bệnh. Biểu hiện bằng các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, mắt mờ, khô, quáng gà, kinh bế, kinh ít. Do Can âm không đủ để gìn giữ Can dương nên Can dương xông bốc lên phát sinh ra các chứng đau đầu, tăng huyết áp, tai ù, tai điếc, mặt nóng bừng, tay chân tê dại, run rẩy, phiền táo, mất ngủ…

– CAN ÂM HƯ 肝阴虚

Do Can huyết không nuôi được Can hoặc do Thận âm hư gây ra bệnh. Triệu chứng: chóng mặt, xây xẩm, đau đầu, mắt mờ, quáng gà, người vật vả, mất ngủ, kinh nguyệt không đều.

– CAN ẨU 干呕

Nôn khan. Nguyên nhân là do Vị hư khí nghịch hoặc Vị hàn, Vị nhiệt đều có thể gây nên.

– CAN BỆNH 肝病

Các loại bệnh chứng phát sinh ở tạng Can. Nguyên nhân phần nhiều do thất tình làm tổn thương Can, Can mất chức năng sơ tiết, gây bế tắc, hoặc âm huyết bất túc, Can dương thiên cang, Can phong nội động, làm cho  thấp nhiệt uất lại ở Can, hoặc hàn trệ ở Can mạch khiến cho Can bị bệnh. Triệu chứng: đau tức vùng hông sườn, đau đầu, chóng mặt, xây xẩm, ù tai, mắt đỏ, hay nổi cáu, dễ kinh sợ hoặc nôn ra máu, chảy máu mũi, hoặc tê tay chân, co giật, sán khí, vùng bụng dưới trướng đau, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

– CAN CAM 肝疳

Một trong ngũ cam, do bú mớm không điều hòa, Can kinh tích nhiệt mà gây ra. Triệu chứng: người gầy ốm, bụng trướng, sắc mặt vàng úa, nhiều mồ hôi, tiêu chảy có kèm máu, lắc đầu, mắt nhắm híp không mở được.

– CAN CHỦ CÂN 肝主筋

Mối liên quan mật thiết giữa Can và dây chằng, cơ gân, cơ nhục và khớp xương. Trên lâm sàng xuất hiện các triệu chứng như khớp xương co duỗi khó khăn, hoặc run giật, co cứng, thường cho là có liên quan với chức năng của Can tạng. Thiên ‘Cửu châm luận’ (Linh khu) ghi: “Can chủ cân”. Tất cả cân, mô, của toàn thân đều nhờ tinh khí của Can nuôi dưỡng mới hoạt động được. Thiên ‘Lục tiết tạng tượng luận’ (Tố vấn) viết: “Can… công dụng của nó là làm sung thực cho gân”. Nếu Can không nuôi dưỡng cho gân thì động tác chậm chạp, hoạt động thiếu linh hoạt. Thiên ‘Thượng cổ thiên chân luận’ (Tố vấn) ghi: “Đàn ông… 56 tuổi thì Can khí suy, cân (gân) không hoạt động được”.

– CAN CHỦ HUYẾT HẢI 肝主血海

Do Can có chức năng tàng trữ và điều tiết huyết dịch cho nên nói huyết hải tức là chỉ chức năng này của Can.

– CAN CHỦ MƯU LỰ  肝主谋愢

Một trong những chức năng sinh lý của Can. Chỉ tạng Can, và mối liên quan đến một số chức năng của thần kinh cao cấp tham gia vào hoạt động của tư duy.

– CAN CHỦ SƠ TIẾT 肝主疏节

Một trong những chức năng sinh lý của Can. Sơ tiết là ý nói thăng phát, thấu tiết. Bao gồm: ➊ Các hoạt động tư duy của tinh thần. ➋ Bài tiết dịch mật, điều chỉnh lượng dịch mật bài tiết để giúp cho việc tiêu hóa.

– CAN CHỦ THĂNG PHÁT 肝主升发

Một trong những chức năng sinh lý của Can. Giúp điều tiết huyết, đưa máu lên đỉnh đầu vào liên lạc với não, khi chức năng này bình thường thì giống như cây cỏ vào mùa xuân dồi dào sinh lực, tràn trề nhựa sống. Đó là hiện tượng thăng phát. Nhưng nếu thăng phát quá sẽ xuất hiện chứng đau đầu, chóng mặt.

– CAN CHỦ VẬN ĐỘNG 肝主运动

Can chủ cân, nguồn gốc sự dinh dưỡng của gân là nhờ Can, gân bám vào các đốt xương, vì gân có tác dụng co giãn, khiến cho cơ bắp và gân toàn thân vận động được dễ dàng, cho nên mới nói Can chủ vận động. Thiên ‘Thượng cổ thiên chân luận’ (Tố vấn) ghi: “Nam giới khoảng 56 tuổi, Can khí suy, không nuôi dưỡng gân, nên gân không vận động được”. Điều này nói lên mối quan hệ của tạng Can và gân, giữa gân và sự vận động rất chặt chẽ.

– CAN CƯỚC KHÍ 干脚气

Bệnh cước khí không gây phù. Nguyên nhân do vốn có âm hư nội nhiệt, thấp nhiệt, phong độc hóa nhiệt, làm tổn thương doanh huyết, gân mạch không được nuôi dưỡng mà sinh ra. Trên lâm sàng biểu hiện  chi dưới yếu sức, tê dại, đau nhức, co quắp, chân không sưng mà càng ngày teo héo dần, ăn uống giảm thiểu, tiểu nóng đỏ, lưỡi đỏ, mạch huyền sác…

– CAN DƯƠNG 肝阳

Dương khí của Can, chủ về thăng phát, sơ tiết. Là một trong những thuộc tính của Can. Can có phân ra Can âm, Can dương, Can khí, Can huyết. Nếu do Can âm hư không khống chế được Can dương khiến cho Can dương mạnh lên (thượng cang). Có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mặt mắt đỏ, dễ giận, tai ù, mất ngủ…

– CAN DƯƠNG ĐẦU THỐNG 肝阳头痛

Chứng đau đầu do Can dương thượng cang. Triệu chứng: đau đầu, xây xẩm chóng mặt, người vật vả dễ nổi giận, ngủ không ngon giấc, mạch huyền.

– CAN DƯƠNG HÓA HỎA 肝阳化火

Do Can dương thượng cang phát triển lên một bước, dương cang thì nhiệt, nhiệt cực sinh hỏa, từ đó xuất hiện các bệnh lý thuộc dương tính hoặc nhiệt tính.

– CAN DƯƠNG HUYỄN VỰNG 肝阳眩晕

Do tinh thần bị kích động, nhọc mệt quá sức, Can âm hao tổn không kềm chế được Can dương làm cho Can dương bốc lên trên sinh ra bệnh. Triệu chứng: chóng mặt, xây xẩm, đau đầu, ngủ không yên giấc, hay mộng mị, dễ xúc động, mạch huyền.

– CAN DƯƠNG THIÊN VƯỢNG 肝阳偏旺

Còn gọi là Can dương thượng cang.

– CAN DƯƠNG THƯỢNG CANG 肝阳上亢

Bệnh lý do Can Thận âm hư không gìn giữ được dương làm cho Can dương bốc lên. Triệu chứng: chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, mặt đỏ, miệng đắng, lưỡi đỏ, mạch huyền tế hoặc huyền sác. Còn gọi là Can dương thiên vượng.

– CAN ĐỞM THẤP NHIỆT 肝胆湿热

Các bệnh lý phát sinh do thấp nhiệt tà uất kết ở Can Đởm mà gây ra. Chứng trạng chủ yếu là phát sốt, sợ lạnh, miệng đắng, đau tức hông sườn, lợm giọng, nôn ói, trướng bụng, chán ăn, da dẻ và niêm mạc mắt vàng, tiểu vàng đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác. Thường gặp Trong các bệnh hoàng đản cấp, viêm túi mật, giun chui ống mật và sỏi mật.

– CAN HÃM 肝陷

Các chứng mụn nhọt bước sang giai đoạn nung mủ, mà không kết được mủ, độc không thoát ra ngoài được gây nên bệnh. Chứng xuất hiện: nhọt đã mưng mủ, khi vỡ mủ ra không hết. Gốc cội tán trệ, đỉnh nhọt khô lở loét, mủ ít, lỏng, màu sắc nhọt tối sậm, thế sưng bằng phẳng, đau nhức căng tức hoặc hơi đau, phát sốt hoặc hơi sợ lạnh, đổ mồ hôi, mệt mỏi, lâu ngày dẫn đến thần chí mơ hồ, mạch hư sác, nặng thì tay chân móp lạnh, mạch vi muốn tuyệt.

– CAN HÀN 肝寒

➊ Can dương bất túc, chức năng của Can suy thoái, thường xuất hiện các chứng trạng thuộc hàn như: Tình chí u uất, sợ sệt, người uể oải, không muốn lao động, tay chân không ấm, mạch trầm tế mà trì. ➋ Hàn tà trệ ở Can kinh.

– CAN HỎA 肝火

Do Can khí cang thịnh (quá mạnh) mà có hiện tượng nhiệt. Nguyên nhân là do tình chí bị kích động thái quá, hoặc Can dương hóa hỏa hoặc Can kinh có uất nhiệt gây ra. Triệu chứng: váng đầu, mắt đỏ, đắng miệng, người hay cáu gắt, chót lưỡi đỏ, mạch huyền sác, nặng thì hôn quyết, phát cuồng.

– CAN HỎA BẤT ĐẮC NGỌA 肝火不得卧

Chứng mất ngủ do Can hỏa bốc. Nguyên nhân do tinh thần bị kích thích, Can khí uất kết, khí uất hóa hỏa hoặc do Can âm vốn hư, Can dương thiên thịnh, bốc lên quấy nhiễu ở Tâm mà phát sinh bệnh. Triệu chứng: đêm nằm ngủ không yên, Tâm phiền, hay nổi giận, miệng khát muốn uống nước, ngực sườn đầy tức hoặc đau vùng bụng dưới, đau lan xuống dưới hạ bộ, mạch huyền sác…

– CAN HỎA HUYỄN VỰNG 肝火眩军

Chứng huyễn vựng, do Thận thủy kém, hỏa của Can Đởm bốc lên phát sinh bệnh. Triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, xây xẩm, mặt đỏ, mắt đỏ, miệng đắng, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác.

– CAN HỎA NHĨ LUNG 肝火耳聋

Một dạng tai điếc do Can hỏa bốc lên gây ra. Thường kèm theo các chứng tai ù, dễ nổi cáu, mặt đỏ, miệng đắng, đau tức vùng hông sườn, mạch huyền.

 

– CAN HỎA NHĨ MINH  肝火耳鸣

Ù tai do Can dương thượng cang gây ra. Thường kèm các chứng đau đầu, mắt đỏ, miệng đắng, họng khô, người vật vã, hay nổi giận, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

– CAN HỎA THƯỢNG VIÊM 肝火上炎

➊ Hỏa ở kinh Can. Chứng trạng chủ yếu là đau đầu, chóng mặt, tai ù, tai điếc, mắt sưng đỏ gây đau, phiền táo dễ nổi giận, ngủ không yên, nôn ọe, nôn ra máu hoặc chảy máu mũi, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. ➋ Đặc điểm bệnh lý của chứng Can khí cang thịnh là có tính nhiệt, hướng thượng.

– CAN HOẮC LOẠN 干霍乱

Do ăn uống không điều độ, hoặc sau khi cảm thụ uế khí, chất uế trọc gây bế tắc ở Trường Vị mà phát bệnh. Triệu chứng: đột nhiên đau thắt vùng bụng, muốn ói mà không ói được, muốn đi cầu mà không đi được, người bứt rứt không yên, mặt xanh, tay chân lạnh, mồ hôi ra, mạch phục. Xem mục Hoắc loạn.

– CAN HỢP ĐỞM 肝合胆

Quan hệ bệnh lý giữa Can và Đởm. Giữa Can và Đởm có mối liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau, đó là sự tương hợp giữa biểu lý, tạng phủ, giữa sinh lý và bệnh lý.

– CAN HUYẾT 肝血

Huyết dịch tàng chứa trong tạng Can. Can huyết và Can âm không thể tách ra. Nhưng nhìn ở góc độ lâm sàng, khi đề cập đến một số chứng bệnh của Can huyết hư, thường có liên quan đến huyết hư (thiếu máu), và thất huyết (mất máu), mà không nhất thiết phải có các triệu chứng của âm hư dương cang.

– CAN HUYẾT BẤT TÚC 肝血不足

Tức là Can huyết hư.

– CAN HUYẾT HƯ 肝血虚

Còn gọi là Can huyết bất túc. Can chủ tàng huyết, huyết thuộc âm, do đó khi huyết hư hoặc Can âm hư đều xuất hiện triệu chứng này. Trên lâm sàng thấy chứng huyết hư hoặc Can âm hư, đồng thời có các chứng hư phiền mất ngủ, mộng mị nhiều, kinh sợ, rối loạn kinh nguyệt…

– CAN HUYẾT LAO 干血劳

Một loại trong bệnh hư lao, thường gặp ở phụ nữ. Triệu chứng chủ yếu là mặt mũi đen xạm, da dẻ khô và tróc vảy, nóng trong xương, mồ hôi trộm, không thiết ăn uống, gầy mòn, miệng khô, gò má đỏ, hay sợ sệt, đầu choáng đau, kinh nguyệt ít, khó ra kinh hoặc bế kinh.

– CAN HƯ 肝虚

Chứng Can khí bất túc. Có các chứng trạng thị lực và thính lực đều giảm, hay sợ hãi…

– CAN KINH KHÁI THẤU 肝经咳嗽

Tức Can khái.

– CAN KINH THẤP NHIỆT ĐỚI HẠ 肝经湿热带下

Phụ nữ có huyết trắng nhiều, rỉ rả ra không dứt, mầu vàng dính, tanh hôi, kèm theo ngực sườn đầy trướng, miệng đắng, họng khô, chóng mặt, hoa mắt. Phần nhiều do Can kinh có uất nhiệt kết hợp với thấp tà trệ ở trung tiêu, lưu chú xuống hạ tiêu, làm tổn thương mạch Nhâm và mạch Đới từ đó phát sinh bệnh.

– CAN KINH THỰC HỎA 肝经实火

Thực chứng của Can hỏa.

– CAN KỲ HOA TẠI TRẢO 肝其华在爪

Tinh khí của Can phản ánh ra ở móng tay móng chân. Vì thế nhìn móng tay, móng chân ta có thể phán đoán được trạng thái sinh, bệnh lý của tạng Can.

– CAN KHAI KHIẾU VU MỤC 肝开窍于目

Mối quan hệ giữa Can và mắt. Thiên ‘Kim quỹ chân ngôn luận’ (Tố vấn) ghi: “Khai khiếu ra mắt, chứa tinh ở Can”. Thiên ‘Mạch độ’ (Linh khu) ghi: “Can khí thông lên mắt”. Ý nói tinh khí của Can thông lên mắt, thị lực tốt hay xấu có quan hệ trực tiếp đến Can. Tất cả đều nói đến mối quan hệ của Can với mắt. Nếu Can huyết không đủ, mắt không được nuôi dưỡng, hai mắt sẽ khô, giảm thị lực hoặc quáng gà. Can hỏa bốc lên, mắt thường đỏ và nhiều ghèn. Hầu hết các bệnh nhãn khoa khi điều trị cũng chữa vào Can, vì thế mới có thuyết Can khai khiếu ra mắt.

– CAN KHÁI 干咳

Triệu chứng đặc trưng là ho khan không có đàm. Nguyên nhân do Hỏa uất, do Táo tà làm tổn thương hoặc Phế âm bất túc, gây ra bệnh.

– CAN KHÁI 肝咳

Chứng ho mà đau hai bên hông sườn, nặng thì không thể xoay chuyển được.

– CAN KHÍ 肝气

Chức năng của Can, bao gồm hệ thống thần kinh, tiêu hóa, nội tiết.

– CAN KHÍ BẤT HÒA 肝气不和

Can chủ sơ tiết, khi chức năng này biểu hiện thái quá hoặc bất cập đều gọi là Can khí bất hòa. Chứng trạng chủ yếu là nóng nảy, dễ giận, ngực sườn trướng đầy, hoặc đau bụng dưới, bầu vú căng trướng, kinh nguyệt không đều, nếu ảnh hưởng đến Tỳ Vị thì xuất hiện các chứng tiêu hóa kém, buồn nôn, tiêu chảy.

– CAN KHÍ BẤT TÚC 肝气不足

Còn gọi là Can khí hư.

– CAN KHÍ HIẾP THỐNG 肝气胁痛

Do tình chí uất ức không khoan khoái, Can khí không được sơ tiết gây ra chứng đau tức vùng hông sườn, đau không cố định, lúc đau lúc không, nếu ợ hơi được thì đau giảm, nếu tinh thần bị kích động thì đau tăng, mạch huyền.

– CAN KHÍ HƯ 肝气虚

Bệnh lý do tinh khí của tạng Can hư tổn, thường đi kèm với các triệu chứng của Can huyết bất túc. Triệu chứng thường gặp: sắc mặt trắng, môi nhợt nhạt, tai ù, nghe không rõ, dễ sợ hãi…

– CAN KHÍ NGHỊCH 肝气逆

Do Can khí uất kết hoặc do giận dữ mà làm cho khí thượng nghịch hoặc hoành nghịch. Nếu khí thượng nghịch thì váng đầu, ngực sườn đầy tức, mặt đỏ, tai điếc, nặng thì nôn ra máu. Nếu khí hoành nghịch thấy bụng đầy đau, ợ hơi, nuốt chua, rối loạn kinh nguyệt.

– CAN KHÍ PHẠM VỊ 肝气犯胃

Lý luận của ngũ hành gọi là Can mộc thừa Tỳ thổ. Do Can khí hoành nghịch, sơ tiết thái quá, ảnh hưởng Tỳ Vị, dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa. Triệu chứng chủ yếu là váng đầu, dễ cáu gắt, tức ngực, đau hông sườn lan tới vùng bụng, chán ăn, nôn ra nước chua, tiêu chảy, mạch huyền.

– CAN KHÍ UẤT 肝气郁

Còn gọi là Can uất.

– CAN KHÍ UẤT KẾT 肝气郁结

Tức Can uất.

– CAN KHÍ UẤT KẾT BẤT DỰNG 肝气郁结不孕

Do Can khí uất kết mà không thụ thai được. Nguyên nhân phần nhiều do Can uất, khí huyết bất hòa, Xung, Nhâm, Bào mạch không được trợ giúp nên không nhiếp tinh thành thai nghén được. Phần nhiều kèm có tình chí uất ức, ngực sườn tức trướng, bầu vú trướng đau, kinh nguyệt không đều.

– CAN LAO 肝劳

Mắt mờ yếu, mỏi mắt, nhìn vật không rõ.

– CAN LIỄM SANG 肝敛疮

Còn gọi là Chàm má, Lác sữa, Nại tiên.

– CAN NUY 肝痿

Tức chứng Cân nuy.

– CAN NGHỊCH ĐẦU THỐNG 肝逆头痛

Còn gọi là Can quyết đầu thống.

– CAN NHIỆT 肝热

➊ Từ chung để chỉ nhiệt tà ở Can. Như Can hỏa, Can dương thượng cang, Can khí nhiệt, Can thực nhiệt. ➋ Bệnh biến do Can có thấp nhiệt, Nhiệt tà hoặc Khí uất hóa nhiệt gây nên. Chứng trạng chủ yếu là phiền muộn, đắng miệng, khô miệng, tay chân nóng, tiểu vàng đỏ, nặng thì cuồng táo, không ngủ được.

– CAN NHIỆT Ố TRỞ 肝热恶阻

Phụ nữ có thai bị nôn ọe do Can hỏa phạm Vị. Có các triệu chứng miệng đắng, ăn ít, váng đầu, Tâm phiền, dễ nổi giận…

– CAN NHIỆT TỰ HÃN 肝热自汗

Một trong các chứng hãn. Chương ‘Hãn bệnh’ (Chứng trị hối bổ) ghi: “Can nhiệt tự hãn, miệng đắng, hay ngủ”, cho thấy nguyên nhân gây ra chứng tự hãn là do Can nhiệt, kèm theo là các chứng đắng miệng, ngủ nhiều.

– CAN Ố PHONG 肝恶风

➊ Ố tức là úy ố, là sợ, là ghét. Thiên ‘Tuyên minh ngũ khí’ (Tố vấn) viết: “Ngũ tạng sở ố, Can ố phong”, nói về sự ghét của năm tạng như Can sợ phong. Phong khí thiên thắng thì Can phong dễ bị động, có các chứng trạng như xây xẩm, tê dại, co quắp, sợ sệt… mà Đông y quy nạp vào phong, vì vậy gọi là Can ố phong. ➋ Can là phong mộc. Có một số bệnh như trúng phong ở người già, kinh phong ở trẻ em, các loại phong thấp, tê dại, ngứa gãi, co cứng và chứng giản… nguyên nhân bệnh và bệnh lý thường có quan hệ chặt chẽ với Phong tà và tạng Can. Can lại chủ quản các hoạt động về gân, Phong thắng thì gân co rút, đồng thời Can phong lại dễ hóa Nhiệt, hóa Hỏa. (vì vậy mới có luận thuyết ‘Can ố phong’).

– CAN PHONG 肝风

Tức Can phong nội động.

– CAN PHONG NỘI ĐỘNG 肝风内动

Các chứng choáng váng, run rẩy, co giật, gọi là Can phong. Những biểu hiện biến hóa của bệnh lý nhưng không thuộc phạm trù của ngoại cảm phong tà thì gọi là Can phong nội động. Có phân biệt ra hư chứng và thực chứng. Hư chứng thì gọi là hư phong nội động thường do âm dịch hao tổn sinh ra. Thực chứng thì gọi là nhiệt thịnh động phong, nguyên nhân là do dương nhiệt cang thịnh quá mà phát bệnh.

– CAN QUYẾT 肝厥

Tên bệnh. Do Can khí quyết nghịch khiến cho  chân tay quyết lạnh, nôn mửa, choáng váng, giống như điên giản, bất tỉnh nhân sự.

– CAN QUYẾT ĐẦU THỐNG 肝厥头痛

Chứng đau đầu do nội thương. Do Can khí bất hòa gây nên. Trong đó cáu giận tổn thương Can, Can khí nghịch lên, xông lên não làm cho đau đầu, gọi là chứng Can nghịch đầu thống, thường đau nhiều về bên trái, kèm theo đau hông sườn. Nếu do Vị khí hư hàn dẫn đến Can Vị bất hòa, Can khí kết hợp với khí hàn trọc trong Vị công lên kinh Quyết âm, thấy có các triệu chứng đau vùng đỉnh đầu, chân tay lạnh quíu, nôn ra nhớt dãi, gọi là quyết âm đầu thống.

– CAN SINH VU TẢ 肝生于左

Đường đi của Can khí. Can chủ thăng phát, Can khí đi về phía bên trái (không phải vị trí của gan trong giải phẫu).

– CAN TÀNG HỒN 肝藏魂

Hồn là hoạt động về tinh thần. Thiên ‘Bản thần’ (Linh khu) ghi: “Cái theo thần vãng lai gọi là hồn”, và : “Can tàng huyết, huyết tàng hồn”. Nếu Can không tàng huyết, Can huyết bất túc thì thường sinh ra ác mộng, mộng du, hoặc ảo thị, ảo giác, thần chí không yên. Các chứng này gọi là “Hồn bất phụ thể”. Tức là hồn không bám (phụ) vào thể (thân xác).

– CAN TÀNG HUYẾT 肝藏血

Một trong những chức năng sinh lý của Can. Nói về Can có chức năng tàng trữ và điều tiết huyết dịch.

– CAN THẬN ÂM HƯ 肝肾阴虚

Thường chỉ bệnh lý của Can âm và Thận âm hao tổn. Triệu chứng: chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, đầu trướng, tai ù, mắt mờ, miệng khô, họng ráo, ngũ tâm phiền nhiệt, di tinh, mất ngủ, lưng gối đau mỏi, lưỡi đỏ, ít tân dịch, mạch huyền tế, vô lực. Còn gọi là Can Thận khuy tổn.

– CAN THẬN ÂM HƯ BĂNG LẬU 肝肾阴虚崩漏

Do tiên thiên bất túc, tảo hôn, phòng dục quá độ, sanh nở quá nhiều làm tổn thương tinh huyết dẫn đến Can Thận âm hư, âm hư sinh nội nhiệt, nhiệt nhiễu động 2 mạch Xung, Nhâm, khiến cho huyết bị vọng hành. Triệu chứng: âm đạo ra máu rỉ rả không dứt, màu máu đỏ tươi, kèm có váng đầu, ù tai, lưng gối đau mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, mạch trầm tế.

– CAN THẬN ĐỒNG NGUYÊN 肝肾同源

Còn gọi là Ất quý đồng nguyên. ➊ Chỉ mối quan hệ hỗ tương tư dưỡng giữa Can và Thận… ➋ Can tàng huyết, Thận tàng tinh, tinh huyết tương sinh, cho nên mới có tên gọi. Bên trong Can và Thận đều có tướng hỏa, gốc của tướng hỏa là Mệnh môn. Cho nên mới gọi là đồng nguyên. Trên lâm sàng khi Can hoặc Thận bất túc hoặc tướng hỏa vượng, thường chữa cả Can Thận, hoặc áp dụng phương pháp tư thủy để hàm dưỡng Can mộc, hoặc bổ Can dưỡng Thận, hoặc tả hỏa ở Can Thận, tất cả đều dựa vào lý luận “Can Thận đồng nguyên” mà lập ra phép trị. ➌ Có liên quan đến bổ tả hư thực. Sách ‘Y tông tất độc viết: “Đông phương mộc, nếu không có hư thì không nên bổ, bổ Thận tức là bổ Can; Bắc phương thủy nếu không có thực thì không nên tả, tả Can tức là tả Thận”.

– CAN THẬN KHUY TỔN 肝肾窥損

Những biến hóa bệnh lý của Can Thận âm hư. Phần nhiều do thất tình nội thương, lao thương tinh huyết hoặc bệnh lâu ngày, làm cho phần âm của Can Thận bị tổn hao gây nên bệnh. Triệu chứng: chóng mặt, hoa mắt, hay quên, mất ngủ, họng khô, miệng ráo, lưng gối đau mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, mồ hôi trộm, di tinh, kinh nguyệt không đều, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác…

– CAN THẬN KHUY TỔN THỐNG KINH 肝肾窥损痛经

Chứng đau bụng kinh do Can Thận bị hao tổn. Cũng có thể do cơ thể vốn suy nhược, tinh huyết kém, bào mạch không được nuôi dưỡng gây ra đau bụng kinh. Triệu chứng: kinh đến lượng ít, sau khi dứt kinh thì bị đau bụng lâm râm, kèm thấy choáng váng, xây xẩm, tai ù, lưng gối yếu sức.

– CAN THẬN TƯƠNG SINH 肝肾相生

Còn gọi là Can Thận đồng nguyên.

– CAN THỂ ÂM DỤNG DƯƠNG 肝体阴用阳

Thể là thực thể hay bản chất, dụng là tác dụng hoặc cơ năng. Can là tạng thuộc âm, chủ về tàng huyết, huyết cũng thuộc âm. Cho nên nếu nói về mặt thực thể của Can thì thể của Can thuộc âm. Can chủ sơ tiết, tính của nó hay thăng phát, chủ về động, hay hướng thượng thuộc dương, khi có bệnh thì dễ xuất hiện nhiệt chứng và dương chứng cũng thuộc dương, vì thế nói dụng của Can thuộc dương.

– CAN THỦY 肝水

Một trong các chứng bệnh phù thũng có liên quan đến ngũ tạng. Thiên ‘Thủy khí bệnh mạch chứng tịnh trị’ (Kim quỹ yếu lược) ghi: “Trường hợp Can thủy thì bụng to không xoay chuyển được, đau vùng hông sườn, luôn luôn có ít tân dịch, tiểu tiện thông”, nguyên nhân thường do thủy khí lấn Can, Can không sơ tiết mà phát bệnh.

– CAN THƯ 肝疽

(Thư: Nhọt ngoài da không gồ cao lên mặt da, không có mầu đỏ). Một loại nhọt mọc ở phía trước cánh tay gần vai.

– CAN THỰC 肝实

Từ chung để chỉ các thực chứng của Can như Can hàn, Can nhiệt, Can hỏa, Can khí… Chương ‘Truyền trung lục’ (Cảnh Nhạc toàn thư) viết: “Trường hợp Can thực, hai bên hông sườn đau, lan xuống vùng bụng dưới, người dễ nổi giận”.

– CAN TIỂN 干癣

Bệnh ngoài da, do nhiễm phải phong thấp tà. Giới hạn vùng da chỗ bệnh nổi gờ rõ, dày, ngứa ngáy, da khô nứt, tróc vảy trắng. Bệnh tương tự như thấp chẩn mạn tính hoặc viêm da thần kinh.

– CAN TRƯỚC 肝着

Tên bệnh cổ điển. (Trước着: Tà khí lưu lại). Chỉ hiện tượng ngực sườn đầy tức, khó chịu, nặng thì trướng đau, mỗi khi đau nhói ở ngực thường dùng tay đấm hay bấm ở ngực thì mới thấy dễ chịu và ưa uống nước nóng. Nguyên nhân do khí huyết uất trệ, lưu lại ở Can kinh gây ra bệnh.

– CAN TỲ BẤT HÒA 肝脾不和

Do Can khí uất kết, sự khắc chế giữa hai tạng Can và Tỳ không điều hòa làm cho chức năng tiêu hóa của Tỳ Vị bị rối loạn. Triệu chứng: hông sườn trướng đau, ợ hơi, chán ăn, bụng trướng đau, tiêu lỏng, tính tình dễ nổi giận, mạch huyền hoãn.

– CAN TÝ 肝痹

Chứng Tý thuộc ngũ tạng. Nguyên nhân là do Cân tý chữa lâu ngày không khỏi, lại cảm nhiễm ngoại tà hoặc do bực tức làm tổn thương Can. Can khí uất trệ mà phát ra chứng tý. Triệu chứng: tối ngủ thường bị kinh sợ, khát muốn uống nước nhiều, tiểu lắt nhắt, đau vùng hông sườn, bụng trướng to như cái trống, hông sườn bên trái cứng đau.

– CAN UẤT 肝郁

Tên gọi tắt của Can khí uất kết. Do tình chí không được vừa ý, hoặc do các bệnh khác nhân đó làm cho Can khí sơ tiết bị trở ngại mà phát sinh bệnh. Chương ‘Uất chứng môn’ (Xích thủy huyền châu) ghi: “Can chủ sơ tiết, tính thích thăng phát”, nếu tinh thần không thoải mái, hay nóng giận, dễ làm tổn thương Can, ảnh hưởng tới việc sơ tiết và thăng phát của Can, từ đó hình thành chứng Can uất. Có các chứng trạng đầy tức hai bên hông sườn, hoặc đau lâm râm ở vùng hông sườn, tức ngực, ợ hơi, mạch huyền.

– CAN UẤT HIẾP THỐNG 肝郁胁痛

Tên chứng. Do tình chí uất ức làm tổn thương Can khí sinh ra chứng đau hông sườn. Mức độ đau vùng hông sườn tùy thuộc vào sự biến đổi của tình chí mà tăng hay giảm, kèm theo là ngực bụng đầy tức, ăn uống không ngon, người phiền táo, hay nổi giận.

– CAN UẤT KINH HÀNH TIÊN KỲ 肝郁经行先期

Do tình chí bị kích động nên phát sinh Can uất khí trệ, khí cơ bị trệ không thông sướng, kinh mạch cũng ủng trệ, 2 mạch Xung, Nhâm cũng bị ảnh hưởng dẫn đến kinh đến trước kỳ, mầu hồng hoặc bầm, có hòn cục, ngực sườn đau tức, đau lan xuống vùng bụng dưới, người hay bực bội, cáu gắt.

– CAN UẤT TỲ HƯ 肝郁脾虚

Do Can khí uất kết dẫn đến chức năng của Tỳ Vị bị suy giảm. Thường thấy đau vùng hông sườn, chán ăn, bụng trướng, tiêu lỏng, tay chân mỏi mệt.

– CAN UNG 肝痈

Tên bệnh. Một trong các chứng nội ung. Xuất xứ:  Thiên ‘Đại kỳ luận’ (Tố vấn) ghi: “Can ung thì hai bên hông sườn đầy tức, nằm thì hoảng sợ, không tiểu tiện được”. Nguyên nhân là do Can uất hóa hỏa, khí trệ huyết ứ, tụ lại thành ung. Hoặc do thấp tích, trùng tích uất kết ở Can gây ra. Lúc mới phát thấy vùng hông sườn bên phải đau lâm râm, ấn vào đau nhói, không nằm nghiêng về bên phải được, thường kèm có sợ lạnh, phát sốt, mạch huyền sác, tiếp theo thấy vùng hông sườn trướng đau kịch liệt, không  bớt sốt…

– CAN VI CƯƠNG TẠNG 肝为刚脏

Chỉ đặc tính chức năng sinh lý của Can. Sách Lâm chứng chỉ nam y án ghi: Can thể thuộc âm, dụng thuộc dương, ưa thích sự điều đạt thư sướng, vừa sợ sự ức chế lại kị quá cang thịnh. Như khi tinh thần quá kích thích, hay làm cho người ta nổi giận, cáu gắt gọi là Can khí thái quá; Ngược lại Can khí bất túc, dễ khiến người ta phát sinh kinh hãi, sợ sệt.

– CAN VI LỆ 肝为泪

Thiên ‘Tuyên minh ngũ khí’ (Tố vấn) ghi: “Ngũ tạng hóa dịch,… Can vi lệ”, ý nói nước mắt là chất dịch do Can chuyển hóa ra.

– CAN VỊ KHÍ THOÁNG 肝胃气痛

Chứng đau dạ dày do tình chí không khoan khoái, Can khí uất kết, phạm Vị gây ra.

– CAN Y THỰC XÚ 干噫食臭

Còn gọi là Ái hủ.

– CANG DƯƠNG 亢阳

Tức dương khí cang thịnh, phần nhiều chỉ hiện tượng bệnh lý âm bất túc, dương khí không còn chỗ dựa mà cang thịnh.

– CANG HẠI THỪA CHẾ 亢害承制

Học thuyết ngũ hành cho rằng sự vật có mặt sinh hóa, cũng có mặt khắc chế. Nếu chỉ có sinh mà không khắc, sẽ sinh ra cang thịnh làm hại. vì thế phải ức chế bớt thế cang thịnh mới duy trì sự phát triển bình thường được. Trên lâm sàng thường vận dụng quan điểm này để chỉ đạo điều trị các bệnh biến của ngũ tạng.

– CANH Y 更衣

Cách gọi việc đại tiện của người xưa. (Canh là thay, Y là áo) Ngày xưa ở các nhà giàu có mỗi khi nghỉ ngơi thường thay quần áo, vì thế có từ Canh y. Về sau khi đi đại tiện cũng gọi là Canh y. Thuật ngữ “bất Canh y” (không thay áo) xuất phát từ ‘Thương hàn luận’, có ý chỉ người bệnh không đi đại tiện.

– CẢNH CỐT 颈骨

Còn gọi là thiên trụ cốt. Xương cổ gồm có 7 đốt bên trên nối với hộp sọ, bên dưới nối với xương sống lưng.

– CẢNH DƯỢC 炅药

Chỉ các vị thuốc có tính nhiệt.

– CẢNH LỊCH 颈疬

Tức Loa lịch (tràng nhạc).

– CẢNH NHẠC TOÀN THƯ 景岳全书

Viết năm 1624 do Trương Giới Tân (Trương Cảnh Nhạc), đời Minh, Trung quốc. Sách gồm 64 quyển, nội dung có các phần y luận, chẩn đoán, châm cứu, bản thảo, phương thuốc, các khoa lâm sàng. Tác giả chủ trương sinh khí con người lấy phần dương làm chủ, phần dương thì khó mất đi, một khi đã mất thì khó phục hồi, cho nên ông đề cao học thuyết ôn bổ.

– CẢNH TẮC KHÍ TIẾT 炅则气泄

Do khí hậu nóng bức thì đổ mồ hôi, dương khí theo mồ hôi mà thoát ra. Còn gọi là Nhiệt tắc khí tiết.

– CẢNH UNG 颈痈

Nhọt phát sinh ở hai bên cổ, dưới hàm, dưới tai và dưới má. Nguyên nhân do phong nhiệt ôn độc hoặc phong thấp kèm đờm ứ trệ ở hai kinh Thiếu dương và Dương minh. Bệnh thường gặp ở trẻ em, thoạt tiên có triệu chứng phát sốt sợ lạnh, vùng cổ gáy cứng đau, sau đó sưng đỏ nhẹ, vài ngày sau thì sưng to hơn và đau nhiều và mưng mủ, nhọt vỡ ra hết mủ thời khỏi.

– CAO 睾

Tức là Hòn dái. Còn gọi là Cao hoàn, Ngoại thận, Âm noãn.

– CAO 膏

➊ Thuốc để điều trị. Có 2 loại uống bên trong và thoa bên ngoài.

X Cao uống bên trong: cho dược liệu vào nước nấu vài giờ thì chắt lấy nước ra, để riêng, lại cho nước khác vào nấu tiếp tục sau vài giờ nữa làm chừng 3 lần thì đổ chung 3 nước lại cô cho sệt thêm đường hoặc mật ong vào cho vừa miệng là được. Đổ vào chai để dành uống dần. Thường dùng chữa các bệnh mạn tính hoặc thân thể suy nhược.

X Cao dùng bên ngoài còn gọi là dầu cao hay thuốc cao, cũng nấu như trên nhưng cô đặc hơn, sau đó cho dầu mè, dầu phộng và sáp ong vào khuấy cho tan đều, nhắc xuống, đổ ra lọ để nguội thì sẽ đặc thành cao mềm. Thường được dùng đề bôi, đắp, dán chữa các mụn nhọt ngoài da. ➋ Thiên ‘Cửu châm thập nhị nguyên’ (Linh khu) ghi: “Góc nơi cao xuất từ Cưu vĩ”. Tên gọi bộ vị trong cơ thể. ➌ Dạng người béo mập. ➍ Mềm mại, mỡ màng, nhuận mượt. Thiên ‘Kinh cân’ (Linh khu) ghi: “Dùng mỡ ngựa để xoa bóp nơi co cứng làm cho nó mềm mại trở lại”. ➎ Là lớp mỡ (Chi cao). Thiên ‘Ngũ lung tân dịch biệt luận’ (Linh khu) ghi: “Tân dịch của ngũ cốc, hòa thành cao thấm vào trong cốt không và bổ ích não tủy”. ➏ Vẩn đục (Cao lâm: Chứng tiểu tiện vẩn đục, trắng như nước gạo hoặc váng mỡ).

– CAO CỐT 高骨

Đầu xương quay, chỗ cao nhất, tiếp giáp với xương bàn tay phía ngón tay út.

– CAO DƯỢC 膏药

Thuốc cao. Dạng thuốc cao dán lên trên da, lợi dụng tác dụng của thuốc để chữa bệnh. Thuốc cao dùng trong nội khoa có những tác dụng khu phong, hóa thấp, hành khí, hoạt huyết. Thuốc cao dùng trong ngoại khoa có những tác dụng tan sưng, hút mủ, liền da.

– CAO GIẢ ỨC CHI 高者抑之

Nguyên tắc trị bệnh. Thiên ‘Chí chân yếu đại luận’ (Tố vấn) ghi: “ Đối với chứng khí thượng nghịch phải dùng phương thang giáng nghịch hạ khí”. Ví dụ như Phế khí thượng nghịch, ho, đờm nhiều, thở suyễn, ngực, cách mô đầy tức, dùng phép giáng nghịch hạ khí, như bài ‘Tam tử dưỡng thân thang’; Vị khí thượng nghịch, lợm giọng, buồn nôn, nấc cục, dùng phép hòa Vị giáng nghịch, như bài ‘Quất bì trúc nhự thang’.

– CAO HOANG 膏肓

➊ (Cao: Bộ phận dưới Tâm; Hoang: Bộ phận trên cách hạ). Cao hoang là chỉ bộ vị sâu kín của bệnh. Theo các thầy thuốc xưa, Cao hoang là bộ vị sâu kín của bệnh, dù dùng thuốc hay châm cứu cũng ít hiệu quả, cho nên nói “tà nhập Cao hoang”, có nghĩa là chứng bất trị hoặc khó trị. ➋ Tên một huyệt thuộc kinh Túc thái dương Bàng quang, từ đốt sống thứ 4 đo ngang ra 2 bên, mỗi bên 3 thốn.

– CAO LÂM 膏淋

Tên bệnh. Còn gọi là Nhục lâm.  Một trong những chứng lâm. Chỉ hiện tượng tiểu đục như nước cơm hoặc như váng mỡ, tiểu không thông. Bệnh có phân ra hư thực. Thực chứng thường do thấp nhiệt uất kết ở hạ tiêu, khí hóa bất lợi, trong đục lẫn lộn, chất mỡ (chỉ dịch) không được ức chế mà gây ra. Hư chứng phần nhiều do Tỳ Thận hư nhược, không khắc chế được chất mỡ gây ra bệnh.

– CAO LƯƠNG HẬU VỊ 膏梁厚味

Loại thức ăn béo mỡ đậm đặc, được chế biến cầu kỳ tinh xảo, có vị ngon ngọt, béo ngậy. Ăn uống các loại này một thời gian dài không những làm tổn thương Tỳ Vị, mà còn sinh ra các chứng bệnh đờm nhiệt và nhọt lở.

– CAO MA 膏摩

Là loại cao thuốc được chế biến để xoa bóp các bệnh đau nhức, hay các bệnh ngứa ngáy ngoài da.

– CAO PHONG TƯỚC MỤC NỘI CHƯỚNG 高风雀目内障

Chứng đồng tử mắt có màu vàng. Nguyên nhân do lục phong nội chướng ác hóa mà thành.

– CAO PHONG TƯỚC MỤC 高风雀目

Bệnh quáng gà, bệnh có tính di truyền bẩm sinh. Ban ngày thị lực bình thường, đến tối là thị lực như thu hẹp lại, chỉ trông thấy được trước mặt chứ không trông sang trái phải được.

– CẤM KHẨU LỴ 噤口痢

Tên bệnh. Chỉ bệnh kiết lỵ mà không ăn uống được, ăn vào liền mửa ra, hoặc mửa luôn mà không ăn được, hoặc ăn vào thì nôn ra ngay. Chứng này thường do thấp nhiệt biến hóa ra, hoặc gặp trong quá trình bệnh kiết lỵ.

– CẤM PHONG 噤风

Tức Tề phong.

– CẤM PHƯƠNG 禁方

Tức Bí phương. Từ trước tới nay, với quan niệm sở hữu riêng, một số bí phương (gọi đúng là phương thuốc bí truyền) thường được gìn giữ và bảo vệ, không được phép truyền thụ cho người khác, vì vậy gọi là cấm phương. Hiện nay cấm phương được hiểu dưới hình thức độc quyền và thường dùng ký hiệu Ⓡ gắn trên nhãn mác để nói lên sản phẩm mang tính độc quyền.

– CẤM THÍCH 禁刺

Những điều cấm kỵ trong châm cứu, bao gồm:  Những huyệt vị ở tại nội tạng thì cấm châm sâu; Phụ nữ có thai thì không châm các huyệt ở vùng bụng; Trẻ con thì không châm ở thóp hở. Hoặc đối với các trường hợp say sưa quá, hay quá đói, quá no, người nhọc mệt quá sức, tinh thần bị kích thích quá độ, thì không nên dùng châm cứu để tránh những rủi ro ngoài ý muốn.

– CẦM HÓA 噙化

Đem thuốc hoàn hoặc thuốc thỏi cho vào miệng ngậm cho tới khi thuốc tan ra.

– CÂN 筋

Quan niệm của đông y cho rằng cân là chỉ cơ nhục kéo dài thành sợi như sợi xenlulose. Cũng có khi được hiểu như là cơ nhục, mà chức năng của nó có quan hệ mật thiết với Can.

– CÂN ANH 筋瘿

(Anh = bướu). Loại bướu phát sinh ở nơi có gân mạch chằng chịt như con giun. Thường phát sinh ở hai bụng chân, hoặc ở cổ tay, cổ chân. Nguyên nhân do giận dữ làm tổn thương Can, hỏa vượng, huyết táo gây ra.

– CÂN CAM 筋疳

Tức Can cam.

– CÂN CỐT GIẢI ĐỌA 筋骨懈堕

Tình trạng gân xương lỏng lẻo, vô lực, khó chống đỡ, đi đứng loạng choạng muốn ngã.

– CÂN CỰC 筋极

Một trong lục cực, chỉ bệnh cân mạch mệt mỏi, nặng nề, co quắp.

– CÂN CHI PHỦ 筋之府

Đầu gối. Cân chủ quản sự co duỗi của khớp. Gối là một trong những khớp lớn nhất, quanh gối có không ít gân bám chặt, mé dưới bên ngoài gối có huyệt Dương lăng tuyền là nơi hội tụ của gân (cân hội), cho nên mới nói gối là phủ của cân.

– CÂN DỊCH NHỤC NHUẬN 筋愓肉瞤

Gân thịt máy động, co giật. Thiên ‘Thái dương bệnh mạch tịnh trị’ (Thương hàn luận)cho rằng do hàn thấp làm tổn thương phần dương, huyết hư tân dịch hao tổn, gân mạch mất nhu dưỡng gây ra.

– CÂN HOÃN 筋缓

Gân mạch lỏng nhão, không thể vận động theo ý muốn. Nguyên nhân do Can Thận hư khuy hoặc thấp nhiệt làm cho tổn thương gây ra.

– CÂN HỘI 筋会

Một trong bát hội huyệt. Tức huyệt Dương lăng tuyền thuộc kinh Đởm. Là nơi tinh khí của gân hội tụ.

– CÂN LỊCH 筋疬

Một loại Tràng nhạc (loa lịch), sinh ra ở vùng gân cạnh hai bên cổ, to nhỏ không đều, rắn chắc, kèm theo triệu chứng sợ lạnh, phát sốt, thân thể gầy còm.

– CÂN LỰU 筋瘤

Tên bệnh. Xuất xứ: Thiên ‘Thích tiết chân tà’ (Linh khu). Thường do giận dữ làm động Can hỏa, hoặc đứng lâu gây ra. Tại chỗ lựu cứng tím, có gân xanh bám quanh, nặng thì gân xanh như giun kết chùm. Bệnh thường phát ở hai bụng chân hoặc ở cổ tay, cổ chân. (Tây y gọi là dãn tĩnh mạch, hoặc trướng tĩnh mạch). Điều trị: Thanh Can dưỡng huyết, thư cân. Còn gọi là Thạch lựu.

– CÂN MÔ 筋膜

Màng gân. Bộ phận cơ nhục bám vào khớp xương là gân (Cân), trong đó bao gồm cả màng gân (Cân mô). Công năng sinh lý của Cân và Cân mô đều do Can chủ trì và do Can huyết nuôi dưỡng.

– CÂN NUY 筋痿

Còn gọi là Can nuy. ➊ Một trong những chứng nuy, nguyên nhân do Can nhiệt làm cho âm huyết bất túc, màng gân khô héo gây ra. Thấy chứng chi thể gân mạch co quắp, dần dần dẫn đến nuy nhược không thể vận động, kèm có miệng đắng, móng tay chân khô. ➋ Tức Dương nuy.

– CÂN SÁN 筋疝

Chứng âm hành đau, ngứa, cương thẳng, co rút, tiết ra chất trắng như tinh. Phần nhiều do sinh hoạt tình dục quá độ gây ra. Sách ‘Nho môn sự thân’, q.2 ghi: “Cân sán, chứng thấy âm hành sưng trướng, hoặc vỡ, hoặc chảy mủ, hoặc đau, đau quá thì sinh ngứa, hoặc cương thẳng co rút, hoặc tiết ra vật trắng như tinh dịch theo đường tiểu đi ra, Nguyên nhân do lao thương, phòng sự quá độ mà gây ra”.

– CÂN THƯ 跟疽

Tức chứng Thổ lật.

– CÂN TÝ 筋痹

Tên bệnh. ➊ Nguyên nhân do phong, hàn, thấp tà xâm nhập vào gân mà sinh ra các chứng gân mạch co rút, khớp xương đau nhức, vận động khó khăn. Thiên ‘Trường thích luận’ (Tố vấn) ghi: “Bệnh ở cân, gân co quắp đau, không đi được, gọi là Cân tý”. Sách ‘Thánh tễ tổng lục’, q. 20 ghi: “Nội kinh cho rằng 3 khí Phong, Hàn, Thấp cùng đến một lúc, hợp lại là tý”. Và : “Mùa xuân mà gặp trường hợp này là cân tý. Dạng nó co quắp, co nên không duỗi được”. ➋ Chỉ Can tý. Sách ‘Chứng nhân mạch trị’ viết: “Can tý tức là Cân tý”. ➌ Chỉ Phong tý. Sách ‘Y tông tất độc’ ghi: “Cân tý tức là Phong tý, chỗ đau không cố định, trên dưới trái phải, tùy hư tà và khí huyết kích bác với nhau, tụ ở khớp xương, hoặc đỏ, hoặc sưng, cân mạch buông lỏng”.

– CẬN HUYẾT 近血

Hiện tượng đại tiện ra máu đỏ tươi, máu ra trước phân, nhỏ giọt. Nguyên nhân do nhiệt độc ở đại tràng. Thường gặp ở bệnh trĩ, hoặc các biến chứng ở trực trường dẫn đến chảy máu.

– CẤP CAM 急疳

Còn gọi là Thận cam.

– CẤP GIẢ HOÃN CHI 急者缓之

Phép trị. Xuất xứ: Thiên ‘Chí chân yếu đại luận’ (Tố vấn). Đối với chứng co quắp đơ cứng như cấm khẩu, đơ cổ, tay chân co quắp, phải làm cho nó thư giãn thoải mái. Như hàn tà xâm nhập gân mạch làm cho gân mạch co quắp, phải dùng phép ‘Ôn kinh tán hàn’ để hoãn giải. Nếu do nhiệt tà xâm nhập, nhiệt thịnh phong động tay chân co quắp, thì nên dùng phép ‘Tả hỏa tức phong’. Nếu Can phong nội động gây co quắp dùng phép ‘Bình Can tức phong’.

– CẤP GIẢ TRỊ TIÊU 急者治标

Trên lâm sàng có các chứng trạng tuy thuộc bản (gốc), nhưng do khi phát bệnh, thế của nó gấp, bệnh phát nhanh, làm cho bệnh nhân đau đớn khổ sở, cần phải chữa vào các chứng đó trước (tiêu).

– CẤP HẠ TOÀN ÂM 急下存阴

Phương pháp dùng các vị thuốc có tác dụng tẩy xổ mạnh để nhanh chóng thông đại tiện, bài trừ nhiệt tà và táo kết, để bảo tồn tân dịch, phòng ngừa các biến chứng kinh quyết. Thích hợp chữa các bệnh nhiệt cấp tính, các chứng thực nhiệt gây sốt cao, phiền khát, táo bón, rêu lưỡi vàng ráo, mạch trầm thực hữu lực.

– CẤP HẠ TOÀN TÂN 急下存津

Tức là Cấp hạ tồn âm.

– CẤP HẦU PHONG 急喉风

Chứng hầu phong phát bệnh cấp bách. Bệnh tình phát triển nhanh.

– CẤP HẦU TÝ 急喉痹

Bệnh hầu họng cấp tính. Triệu chứng:  vùng cổ họng sưng đỏ đau, nuốt khó, suyễn, đàm khò khè, tức ngực, sợ lạnh, phát sốt, đầu đau, nhức mình mẩy… Nguyên nhân phần lớn do Phế Vị tích nhiệt, phong nhiệt độc xâm nhập vào bên trong, phong đàm đưa lên gây nên.

– CẤP HOÀNG 急黄

Chứng vàng da cấp tính. Nguyên nhân do thấp nhiệt độc tà hun đốt doanh huyết mà gây ra chứng hoàng đản. Triệu chứng thấy bệnh phát nhanh, đột nhiên toàn thân phát vàng, sốt cao, phiền khát, hôn mê, nói sảng, chảy máu cam, đại tiện ra máu hoặc nổi ban chẩn, lưỡi tím bầm, rêu vàng khô, mạch huyền sác.

– CẤP KINH PHONG 急惊风

Tên bệnh. Do phong tà nhiệt thịnh, nhiệt cực sinh phong mà gây ra. Triệu chứng: đột nhiên phát sốt, sốt cao, phiền táo, răng cắn chặt, thở gấp, khò khè, tay chân co quắp, hôn mê, đầu gáy cứng đơ, nặng thì uốn ván, hai mắt trợn ngược, sùi bọt dãi.

– CẤP LAO急劳

Tên bệnh. Bệnh lao sinh ra các chứng táo cấp. Chứng thấy phát sốt, sợ lạnh, gò má đỏ, mồ hôi trộm, tâm phiền, miệng khô, ho khạc ra máu, ăn uống không biết ngon, lâu ngày thì cơ thể gầy ốm.

– CẤP NGA 急蛾

Tức Cấp nhũ nga.

– CẤP NHŨ NGA 急乳蛾

Tức chứng viêm amiđan cấp. Nguyên nhân do phong nhiệt độc tà xâm nhập vào, hoặc ăn quá nhiều các chất cay nóng, chiên xào, làm cho Phế Vị tích nhiệt xông bốc lên trên hầu họng phát ra bệnh.

– CẤP PHƯƠNG 急方

Dùng các vị thuốc có khí vị nồng hậu, chế thành bài thuốc có tác dụng nhanh mạnh. Đại đa số dùng làm thuốc thang để có hiệu quả nhanh. Cấp phương được dùng để chữa các bệnh cấp tính, bệnh nặng.

– CÂU 拘

Thiên ‘Sinh khí thông thiên luận’ (Tố vấn) ghi: “Thấp nhiệt bất nhượng, đại cân đoản, tiểu cân thỉ trường, đoản vi câu, thỉ trường vi nuy”, nghĩa là thấp nhiệt mà không chữa kịp thời, thì xuất hiện các chứng trạng đại cân nhuyễn đoản, tiểu cân thỉ trường. Nhuyễn đoản là câu (co mà không duỗi). Thỉ trường là nuy (thòng, giãn mà vô lực).

– CÂU CẤP 拘急

Tên chứng. Xuất xứ: Thiên ‘Lục nguyên chính kỷ đại luận’ (Tố vấn). Tình trạng tay chân co cứng khó chịu có cảm giác co quắp, trở ngại cho việc co duỗi. Thường gặp ở tứ chi, hai bên hông sườn và vùng bụng dưới. Nguyên nhân dẫn đến câu cấp thường do huyết hư không nuôi dưỡng được gân mạch; Hoặc Can khí không sơ tiết, kinh lạc không thông lợi gây ra bệnh.

– CÂU SUYỄN 齁喘

Một loại bệnh suyễn. Nguyên nhân do ăn quá nhiều tôm cá muối. Đồng thời hàn đờm tích tụ ở bên trong gây ra. Triệu chứng: suyễn thở, lồng ngực tức trướng, nằm ngồi không yên, thường do khí hậu biến hóa mà phát bệnh.

– CHÂM CỨU 针灸

Phương pháp kết hợp giữa châm và cứu.

– CHÂM CỨU ĐẠI THÀNH 针灸大成

Do Dương Kế Châu, đời Minh – Trung quốc, biên soạn năm 1601. Sách gồm 10 quyển. Nội dung có các phần lý luận, kinh lạc và du huyệt, phương pháp trị liệu bằng châm cứu. Đây là bộ sách tổng kết bước đầu những thành tựu về châm cứu học từ đời Minh trở về trước. Cuối bộ sách có thêm phần xoa bóp “Trần thị tiểu nhi án ma kinh”.

– CHÂM CỨU ĐỒNG NHÂN 针灸铜人

Tượng người bằng đồng để học châm cứu. Năm 1027, Vương Duy Nhất,  (Trung quốc) cho đúc tượng hình người bằng đồng, bề mặt vạch các đường kinh lạc có đánh dấu các huyệt châm cứu. Đây là giáo cụ trực quan hướng dẫn học tập châm cứu, đồng thời là học cụ để thi cử về chuyên khoa này. Tượng người bằng đồng rỗng ruột, các huyệt ở ngoài có lỗ xuyên vào trong, vít kín huyệt bằng sáp, đổ nước vào trong. Thí sinh căn cứ vào huyệt đã học, dùng kim châm vào lỗ huyệt (đã xóa vết), nếu đúng huyệt, nước trong người đồng sẽ chảy ra, đó là cách tìm huyệt rất khoa học và chính xác.

– CHÂM CỨU GIÁP ẤT KINH 针灸甲乙经

Viết năm 215-282 do Hoàng Phủ Mật đời Tây Tấn soạn. Sách có 10 quyển, sau cải biên thành 12 quyển. Giới thiệu các phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu, nêu rõ các mặt sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, kinh lạc, là bộ sách chuyên về châm cứu rất sớm.

– CHÂM CỨU LIỆU PHÁP 针灸疗法

Từ gọi chung để chỉ phương pháp vừa châm vừa cứu. Gọi tắt là châm cứu.

– CHÂM CỨU TIỆP HIỆU DIỄN CA 针灸捷效演歌

1400-1406. Do Nguyễn Đại Năng, đời Hồ biên soạn. Sách giới thiệu 120 huyệt chữa trên 100 chứng bệnh thông thường.

– CHÂM CỨU TƯ SINH KINH 针灸资生经

Do Vương Chấp Trung đời Tống biên soạn, in năm 1220. Sách gồm 7 cuốn. Giới thiệu về huyệt vị châm cứu và các phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu.

– CHÂM ĐẦU BỔ TẢ 针头补写

Tức Nghinh tùy bổ tả.

– CHÂM MANG BỔ TẢ 针芒补左

Còn gọi là Nghinh tùy bổ tả.

– CHÂM MA 针麻

Tức là châm tê, dựa trên nền tảng và cơ sở nguyên lý của châm cứu truyền thống, có tác dụng làm giảm đau nhưng phát triển thêm một bước nữa là châm gây tê để phẫu thuật, không làm cho bệnh nhân đau đớn và đồng thời vẫn giữ được trạng thái tỉnh táo. Còn gọi là Châm thích ma túy.

– CHÂM NHÃN 针眼

Lẹo mọc ở ven mí mắt. Nguyên nhân thường do phong nhiệt hoặc Tỳ Vị nhiệt độc gây nên. Thoạt tiên, mọc bằng hạt gạo hơi sưng ngứa, sau đó, đỏ và đau, sợ sờ mó. Còn gọi là Thổ cam, Thâu dương, Thâu châm, Thâu châm nhãn, Thâu châm oa, Khiêu châm.

– CHÂM PHÁP 针法

Còn gọi là Châm thích, Thích pháp. ➊ Phép điều trị châm cứu nói chung. Là phương pháp dùng kim được chế bằng kim loại dùng kích thích huyệt vị để phòng trị bệnh tật. Ngày xưa có 9 loại kim (Cửu châm). Hiện nay thường dùng 4 loại: Hào châm, Tam lăng châm, Bì nội châm, và Mai hoa châm.

– CHÂM THÍCH MA TÚY 针刺麻醉

Phương pháp châm tê để giảm đau. Có nguồn gốc từ phương pháp gây tê phát triển thêm một bước. Tức là sau khi châm kim vào huyệt, dùng thủ pháp kích thích sao cho đạt được mục đích giảm đau hoặc làm mềm cơ nhục. Đồng thời giúp cho bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong khi các thầy thuốc thực hiện các thủ thuật điều trị mà không có cảm giác đau.

– CHÂM THÍCH 针刺

Còn gọi là Châm pháp.

– CHẨM CỐT 枕骨

Xương chẩm, ở phía sau đỉnh đầu. Còn gọi là Ngọc chẩm cốt.

– CHÂN ÂM 真阴

Âm dịch của bản thân tạng Thận (bao gồm những tinh chất chứa ở Thận). Nó là cơ sở vật chất cho công năng hoạt động của Thận dương, nếu Thận âm bất túc, sẽ dẫn tới hiện tượng Thận dương vượng, hỏa bốc. Còn gọi là Thận âm, Thận thủy, Chân thủy, Nguyên âm.

– CHÂN ÂM BẤT TÚC 真阴不足

Tức Thận âm hư.  Xem chi tiết ở mục này.

– CHÂN DƯƠNG 真阳

Tức Thận dương, chân hỏa, hỏa của Mệnh môn, hỏa của tiên thiên.

– CHÂN ĐẦU THOÁNG 真头痛

Đau đầu dữ dội, không chịu được, cơn đau lan tỏa khắp đầu, não, kèm có tay chân giá lạnh từ ngón tay lan lên tới khớp khuỷu hoặc từ ngón chân lan lên khớp gối. Nguyên nhân của bệnh này là do tà khí xâm nhập vào não gây ra. Đây là chứng bệnh nguy hiểm trong các chứng bệnh đau đầu và có liên quan đến sọ não.

– CHÂN HÀN GIẢ NHIỆT 真寒假热

Chứng trạng âm chứng giống như dương chứng. Bệnh vốn thuộc chứng hàn, do hàn cực thì sinh nhiệt nên phát sinh các hiện tượng giả nhiệt như mình nóng, sắc mặt đỏ bừng, khát nước, chân tay vật vã không yên, mạch hồng đại. Đặc điểm của chứng giả nhiệt là người bệnh phát sốt nhưng lại mặc nhiều áo hoặc đắp mền; miệng tuy khát nhưng không uống nhiều; chân tay tuy vật vã nhưng tinh thần lại yên tĩnh, rêu lưỡi tuy đen nhưng lại trơn nhuận, mạch tuy hồng đại nhưng ấn vào vô lực. Đây là những biểu hiện của các chứng giả nhiệt biểu lộ ra bên ngoài.

– CHÂN HỎA 真火

Tức Chân dương, Thận dương.

– CHÂN HƯ GIẢ THỰC 真虚假实

Bệnh hư nhiệt xuất hiện các triệu chứng thực chứng. Nguyên nhân phần nhiều do thể chất suy nhược, chính khí bất túc, sự vận hành của khí huyết bị cản trở mà phát bệnh. Như người vốn có chứng Tỳ hư khí nhược, sự vận hóa yếu sức, nhân đó mà xuất hiện bụng trướng đau, mạch huyền là các biểu hiện của thực chứng. Tuy nhiên hiện tượng trướng bụng có lúc giảm nhẹ, bụng tuy đau nhưng lại thích được xoa nắn, mạch tuy huyền tế nhưng ấn xuống thấy vô lực.

– CHÂN KHÍ 真气

Tức Chính khí. Bao gồm Khí tiên thiên và Khí hậu thiên nuôi dưỡng toàn thân. Mọi hoạt động của con người đều có quan hệ trực tiếp đến Chân khí.

– CHÂN NGUYÊN HẠ HƯ 真元下虚

Tức Chân dương hư.

– CHÂN NHA 真牙

Còn gọi là Trí xỉ (răng khôn), hoặc răng cấm, răng cùng. Ở con gái là 21 tuổi, con trai là 24 tuổi, khi tới tuổi trưởng thành thì răng khôn mới mọc đủ.

– CHÂN NHIỆT GIẢ HÀN 真热假寒

Hiện tượng dương chứng giống như âm chứng. Bệnh thuộc chứng nhiệt, do nhiệt cực sinh hàn. Xuất hiện một số hiện tượng giả hàn như chân tay giá lạnh, mạch tế nhược. Đặc điểm của chứng giả hàn là: Người bệnh tuy sợ lạnh nhưng không muốn mặc áo, chân tay giá lạnh nhưng vùng ngực bụng lại nóng rát và có thêm các triệu chứng khát nước, họng khô, miệng hôi, rêu lưỡi vàng khô, nước tiểu vàng, đại tiện bí kết, phân thối khắm, bụng trướng đau, mạch tế nhưng ấn vào lại có lực.

– CHÂN PHẢN 真反

Tức Chính trị.

– CHÂN TẠNG MẠCH 真脏脉

Gọi tắt là Chân mạch. Sự biến hóa của mạch tượng phản ánh sự suy bại chân khí ngũ tạng. Thường do bệnh tật của ngũ tạng phát triển đến giai đoạn quan trọng. Đây là do tạng suy kiệt, Vị khí đã tuyệt mà xuất hiện một loại mạch tượng. Đối với việc chẩn đoán, nó có giá trị tham khảo nhất định để dự phòng và điều trị một số bệnh tật. Như chân tạng mạch của Can là huyền và cứng gấp, mạch đi khẩn trương, ấn mạnh tay thấy như dao quệt trên thép; Chân tạng mạch của Tâm rắn chắc, bật dưới ngón tay; Chân tạng mạch của Phế là lớn mà trống rỗng; Chân tạng mạch của Thận là cứng chắc như sợi dây căng muốn đứt, vừa cứng lại vừa trầm, như búng vào đá; Chân tạng mạch của Tỳ mềm yếu vô lực, nhịp đập không hoàn chỉnh, nhanh chậm không theo quy ước nào.

– CHÂN TẠNG SẮC 真脏色

Màu sắc bộc lộ ra ngoài khi tinh khí của năm tạng bị bại hoại. Thường màu của nó rõ mà không bóng, khô héo. Thiên ‘Ngũ tạng sinh thành’ (Tố vấn) ghi: “Xanh như cỏ, vàng như Chỉ thực, đen như mồ hóng, đỏ như máu bầm, trắng như xương khô”, đó là thể hiện sắc chết. Và : “Xanh như cánh chim chả, đỏ như mào gà, vàng như màu bụng cua, đen như màu lông quạ, trắng như màu mỡ đông”, đó là các biểu hiện sắc sống. Tóm lại, khi xem xét màu sắc ở vùng mặt, cốt lấy tươi nhuận là tốt, tươi nhuận là có Vị khí, là biểu hiện tinh hoa nội tạng còn đầy đủ. Trái lại khô khan là không có Vị khí, màu sắc bộc lộ rõ nét là tinh khí 5 tạng suy kiệt. Khi Chân khí của ngũ tạng bộc lộ ra ngoài thì gọi là Chân tạng sắc.

– CHÂN TÂM THOÁNG 真心痛

Đau dữ dội vùng tim, kèm theo tức ngực, khó chịu, vã mồ hôi, chân tay lạnh, môi tím tái, răng cắn chặt, á khẩu, mặt đen, tay chân xanh, khớp lạnh như nước đá; sáng phát bệnh thì tối chết, tối phát bệnh sáng chết. Bệnh thuộc loại bất trị.

– CHÂN THỦY 真水

Tức Thận âm, Chân âm.

– CHÂN TINH PHÁ TỔN 真睛破損

Tình trạng con ngươi mắt bị vật bên ngoài bắn vào hoặc do vấp ngã, vật nhọn chọc thủng. Đây là bệnh cấp cứu phải đưa đến khám chuyên khoa mắt kịp thời, nếu không sẽ mù.

– CHÂN THỰC GIẢ HƯ 真实假虚

Bệnh do thực tà kết tụ nhưng lại xuất hiện triệu chứng giống như hư chứng. Nguyên nhân phần lớn do tà khí thịnh, làm cho kinh lạc bị trở trệ, khí huyết không thông đạt ra bên ngoài mà gây nên. Triệu chứng: tinh thần trầm lặng, tay chân mình mẩy lạnh, mạch trầm phục hoặc trì sáp. Nhưng quan sát kỹ thấy tiếng nói lớn, hơi thở ồ ồ, mạch tuy trầm phục hoặc trì sáp nhưng ấn vào thấy có lực, cơ thể tuy gầy nhưng tinh thần không mệt mỏi, chất lưỡi đỏ sậm, hoặc có rêu vàng khô héo.

– CHÂN TRÚNG PHONG 真中风

Trúng phải phong tà từ bên ngoài mà phát sinh bệnh. Chứng thấy đột nhiên té ngã, hôn mê bất tỉnh, miệng mắt méo lệch, liệt ½ người, đớ lưỡi không nói được. Còn gọi là Trúng phong.

– CHẤN HÀN 振寒

Tức Chiến lật.

– CHẨN 疹

Tức là Ban chẩn. Do mắc ôn nhiệt bệnh mà phát ra. Chẩn là những nốt nhỏ như hạt gạo màu đỏ nổi lên trên da, sờ vào thấy cộm.

– CHẨN CHỈ VĂN 疹指纹

Phương pháp xem chỉ tay trẻ con để từ đó xác định bệnh tật mà trẻ đang mắc phải. Thường là trẻ dưới 3 tuổi và ngón tay được xem là ngón trỏ. Thầy thuốc dùng ngón trỏ và ngón cái bên trái nắm lấy đầu ngón trỏ của trẻ rồi dùng ngón tay cái bên phải vuốt nhẹ từ đầu ngón xuống tới gốc cạnh ngoài ngón trỏ của trẻ để cho các tĩnh mạch nổi rõ rồi tùy theo hình dáng, màu sắc hiện dưới da mà xác định bệnh.

– CHẨN GIA KHU YẾU 诊家樞要

1359, Hoạt Thọ (Bá Nhân), đời Nguyên, Trung quốc, sách có 1 quyển. Nói về mạch và mạch tượng, trong đó có nhiều kiến giải rất độc đáo, là quyển sách quan trọng giúp cho thầy thuốc học tập về mạch.

– CHẨN HUNG PHÚC 诊胸腹

Một trong những cách khám bệnh thuộc thiết chẩn. Thông qua sờ nắn để xác định điểm đau, mức độ đau, tính chất nóng, lạnh, cảm giác thích được xoa nắn hay chối nắn, có hay không có khối u, phạm vi đau trên vùng ngực và bụng của bệnh nhân.

– CHẨN HƯ LÝ 诊虚里

Cách khám ngực bụng trong thiết chẩn, mạch hư lý tương đương với vị trí nhảy động ở chót tim, thuộc đại lạc của Vị. Đây là nơi tông khí hội tụ và có quan hệ mật thiết với Vị. Vì thế thông qua mạch hư lý để giúp thầy thuốc phán đoán độ thịnh suy của Vị khí và Tông khí.

– CHẨN PHÁP 诊法

Phương pháp khám bệnh. Bao gồm hai phần tứ chẩn và biện chứng. Tứ chẩn là vận dụng bốn phương pháp vọng, văn, vấn, thiết để hiểu rõ bệnh tình, và dựa vào đó để tiến hành biện chứng.

– CHẨN XÍCH PHU 诊尺膚

Một trong nội dung của thiết chẩn. Xem mức độ nóng lạnh, độ nhuận mượt, tính đàn hồi của các khớp từ khuỷu tay cho đến cổ tay. Để giúp cho việc phán đoán bệnh tật được chính xác.

– CHÂU ĐÔ CHI QUAN 州都之官

Tức là Bàng quang. Là nơi thủy dịch tích tụ.

– CHẾ HÓA 制化

Từ gọi tắt của khắc chế và sinh hóa. Trong ngũ hành mối quan hệ hỗ tương sinh hóa, hỗ tương khắc chế, trong khắc chế có sinh hóa, trong sinh hóa có khắc chế, có như vậy mới duy trì được sự quân bình.

– CHẾ NHUNG 制绒

Cách chế biến Ngải cứu thành bột, để quấn thành điếu Ngải hoặc vò thành viên cứu gián tiếp trên huyệt. Do lá Ngải cứu có cấu tạo đặc biệt là khi vò thì nó tơi ra như bông (nhung) cho nên còn gọi là Ngải nhung.

– CHẾ SƯƠNG 制霜

Phương pháp chế biến dược liệu thành bột mịn (phấn). ➊ Áp dụng cho các loại thuốc có nguồn gốc từ hạt, sau khi ép bỏ dầu, tán bột. Như Ba đậu sương, Hạnh nhân sương. ➋ Một số dược liệu phải thông qua chiết xuất kết tinh như Thị sương. ➌ Các loại thuốc có nguồn gốc từ động vật, sau khi đã nấu rút hết chất, bã còn lại đem tán bột gọi là sương như Lộc giác sương.

– CHI ẨM 支饮

Chứng đờm ẩm. Do ẩm tà ngưng trệ ở giữa hung, cách (lồng ngực và hoành cách mô), đi lên ứ đọng lại ở Phế, Phế mất chức năng túc giáng gây ra. Chứng trạng chủ yếu là suyễn ho, khí nghịch lên, ngực đầy, hơi thở ngắn, ngồi dựa mà thở chứ không nằm được, nặng thì phù thũng, thuộc loại Phế khí thũng mạn tính dẫn đến bệnh Tâm Phế mạn tính.

– CHI CÁCH 支膈

Tắc nghẽn ở lồng ngực.

– CHI NGHỊCH 肢逆

Còn gọi là chân tay băng giá. Lạnh từ tay tới khuỷu, từ chân tới gối. Có 2 nguyên nhân dẫn tới chứng chi nghịch. 1) Thuộc hàn, do âm hàn nội thịnh, dương khí suy vi, chân tay không được dương khí sưởi ấm. Thường có các triệu chứng: Sợ lạnh, ỉa chảy nước trong, mạch trầm vi, chất lưỡi nhạt. 2) Thuộc nhiệt, do nhiệt thịnh thương tân, nhiệt tà lấn át, dương khí không dẫn được ra tay chân. Thường kèm theo chứng trạng ngực bụng nóng rát, khát nước, tâm phiền hoặc hôn mê, nói sảng, chất lưỡi đỏ tía, mạch xúc hoặc trầm trì có lực.

– CHI TIẾT THOÁNG 肢节痛

Tình trạng các khớp tay chân đau nhức. Nguyên nhân phần nhiều do Hàn thấp, Phong thấp, Đàm ẩm, Huyết ứ lưu lại ở kinh lạc. Hoặc do Huyết hư không nuôi dưỡng cân gây nên.

– CHÍ 痓

Tức bệnh Kính.

– CHÍ ÂM  至阴

➊ Tên huyệt, ở mé ngoài ngón chân út, chỗ cách gốc móng chân 0,1 thốn. ➋ Chí至: là đến. Như Thái âm là kinh bắt đầu của Tam âm, cho nên Thái âm còn có thể gọi là chí âm. Thái âm thuộc Tỳ, cho nên chí âm thường chỉ tạng Tỳ. “Bụng là âm, chí âm ở trong âm là Tỳ”. ➌ Chí至: Tột cùng, cùng cực. Chí âm là âm khí đã đến chỗ tột cùng. “Do Thận thuộc chí âm, âm khí có quá thịnh. Cho nên cũng gọi Thận là chí âm”.

– CHÍ HƯ THỊNH HẬU 至虚盛候

Tức là chứng hư nhược phát triển đến giai đoạn nặng, xuất hiện giả tượng loại như thịnh thực, như Tâm hạ bĩ thống(dưới tim đầy tức gây đau), đè vào thì hết đau, sắc mặt tiều tụy, tiếng nói ngắn, mạch đến vô lực, bệnh nặng thì thấy đầy tức không ăn được, khí uất không thư giãn, đại tiểu tiện không thông. Xem thêm ở mục Chân hư giả thực.

– CHỈ 趾

Tức Ngón chân.

– CHỈ 指

Tức Ngón tay.

– CHỈ CHÂM 指针

Phương pháp bấm huyệt. Thủ thuật là dùng ngón tay thay kim bấm vào huyệt vị nhất định.

– CHỈ ĐINH 指疔

Nhọt mọc ở đầu ngón tay, do nó có hình dạng như cây đinh nên từ đó có tên gọi là Chỉ đinh. Tuy nhiên tùy theo bộ vị khác nhau mà có tên gọi khác nhau. Đinh mọc ở đầu ngón tay gọi là Xà đầu đinh (nhọt đầu rắn); Mọc ở hai bên cạnh móng tay gọi là Xà nhãn đinh (nhọt mắt rắn); Mọc ở lưng ngón tay gọi là Xà bối đinh (nhọt lưng rắn); Mọc ở giữa đốt ngón tay gọi là Trụ tiết đinh (nhọt đốt)…

– CHỈ HUYẾT 止血

Phương pháp chữa các chứng xuất huyết (ra máu). Nguyên nhân gây chảy máu có rất nhiều nguyên nhân. Được chia làm 3 loại chính như thanh nhiệt chỉ huyết; khử ứ chỉ huyết; bổ khí chỉ huyết…

– CHỈ LỰU 脂瘤

Lựu có hình dáng tròn mềm, phần nhiều phát ở đầu mặt hoặc vùng lưng, sau khi vỡ miệng chảy ra chất trắng như bã đậu. Phần nhiều do đàm khí ngưng kết. Còn gọi là Phấn lựu.

– CHỈ MỤC 指目

Phương pháp dùng phần mềm đầu ngón tay để bắt mạch. Đầu ngón tay của thầy thuốc đặt lên vùng cổ tay của bệnh nhân nơi có mạch đập để tìm hiểu các trạng thái đập của mạch rồi kết hợp với vọng, văn, vấn, và xúc chẩn từ đó xác định và đưa ra phương hướng điều trị cho thích hợp.

– CHÍCH 跖

➊ Đầu mu bàn chân.➋ Phần mềm đầu ngón chân cái.

– CHÍCH 炙

Đem dược liệu tẩm với các chất phụ liệu như: Rượu, giấm, mật ong cho ngấm rồi đem sao. Mục đích để tăng cường tác dụng của thuốc.

– CHÍCH BÁC 炙煿

Các món ăn được chế biến từ chiên xào, nấu nướng. Tính của nó phần nhiều là táo nóng. Nếu ăn quá nhiều các loại thực vật này dễ làm tổn thương Vị âm, phát sinh tật bệnh.

– CHIẾN HÃN 战汗

Hiện tượng sau khi lạnh run thì vã mồ hôi, tiên lượng bệnh sẽ khỏi. Đây là biểu hiện tà khí và chính khí đang tranh chấp trong quá trình mắc bệnh ngoại cảm nhiệt bệnh gây phát sốt. Đổ mồ hôi (hãn xuất) là biểu hiện chính khí thắng tà khí và đã trục được tà. Ngược lại, chính khí suy yếu không thắng được tà khí thì chỉ thấy run mà không ra được mồ hôi, đó là hiện tượng tà hãm vào trong; hoặc là tuy có ra mồ hôi nhưng chính khí cũng theo ra, đó là chứng nguy hiểm.

– CHIẾN LẬT 战栗

Hiện tượng răng đánh lập cập do lạnh. Thường gặp ở các bệnh sốt rét, hoặc cảm phải hàn tà, hoặc Tâm hỏa quá nhiệt, dương khí bị lấn át mà gây ra.

– CHIẾN THIỆT 战舌

Tức Thiệt đản.

– CHIẾT BỄ 折髀

Chứng vùng đùi vế đau nhức như gãy.

– CHIẾT CHÂM 折针

Tình trạng kim châm vào da rồi bị gãy. Nguyên nhân do kim để lâu ngày, hoặc do thao tác châm không đúng. Hoặc do tư thế chuyển dịch gây ra.

– CHIẾT DƯƠNG 折疡

Từ chung để chỉ hiện tượng gãy xương dẫn tới lở loét.

– CHIẾT PHÁP 折法

Phương pháp dùng các loại thuốc có tác dụng mạnh, để nhanh chóng khống chế bệnh tật. Như nhiệt tà cực thịnh, dùng các thuốc có vị đắng tính hàn để nhanh chóng ức chế nhiệt tà.

– CHINH XUNG 怔忡

Tình tạng tim tự nhiên đập nhanh. Phần nhiều do âm huyết hao tổn, Tâm không được nuôi dưỡng. Hoặc Tâm dương bất túc, thủy ẩm thượng nghịch, hoặc đột nhiên cảm thấy sợ sệt mà phát bệnh. Thường hay gặp ở các chứng hư.

– CHÍNH CỐT 正骨

Môn học về xương cốt, khớp xương và các tổ chức phần mềm quanh xương.

– CHÍNH CỐT CÔNG CỤ 正骨工具

Những dụng cụ dùng để bó xương gãy, như nẹp tre, bột bó, băng thun, nhằm để cố định xương gãy.

– CHÍNH CỐT THỦ PHÁP 正骨手法

Là phương pháp chữa gãy xương, bong gân. Các thủ pháp chủ yếu là xoa, nắn, lắc, rung, ấn, bóp…

– CHÍNH ĐẦU THOÁNG 正头痛

Tình trạng đau cả hai bên đầu, khác với chứng đau một bên đầu.

– CHÍNH HƯ TÀ THỰC 正虚邪实

Chỉ hiện tượng bệnh lý, do chính khí không đủ, hoặc tà khí quá thịnh. Thường lấy chính khí là bản, tà khí là tiêu. Chữa nên phò chính khu tà.

– CHÍNH KINH 正经

Tức 12 kinh mạch, mười hai kinh Chính.

– CHÍNH KHÍ 正气

➊ Chỉ cơ năng và sức đề kháng của cơ thể. Còn gọi là chân khí. ➋ Chỉ khí hậu bình thường ở bốn mùa như mùa xuân thì ấm áp, mùa hạ thì nóng nực, mùa thu thì mát mẻ, mùa đông thì lạnh giá.

– CHÍNH KHÍ TỒN NỘI, TÀ BẤT KHẢ CAN 正气存内,邪不可干

Chức năng hoạt động của cơ thể thịnh vượng thì sức đề kháng của cơ thể cũng mạnh. Có thể tránh được các mầm mống của bệnh tật xâm nhập vào cơ thể.

– CHÍNH SẮC 正色

Màu sắc ở người bình thường. Tươi nhuận hồng hào, vẻ mặt lanh lợi, biểu thị khí huyết điều hòa, tinh khí đầy đủ là có vị khí, có thần, thuộc màu sắc bình thường không có bệnh.

– CHÍNH TÀ 正邪

Tức là Ngũ tà.

– CHÍNH TÀ TƯƠNG TRANH 正邪相爭

Tình trạng chính khí và tà khí cùng tranh giành nhau. Nói theo nghĩa rộng, mọi bệnh tật đều phản ảnh nghĩa chính tà tương tranh; Nói theo nghĩa hẹp, chỉ bệnh lý ngoại cảm phát sốt có biểu hiện lúc nóng lúc rét (hàn nhiệt vãng lai). Triệu chứng sợ lạnh là chính khí không thắng nổi tà khí; Triệu chứng phát sốt là chính khí chống tà khí ra ngoài; vì ở thời điểm chính khí và tà khí đang tranh giành cầm cự, nên mới xuất hiện triệu chứng lúc nóng lúc rét, thay đổi lẫn nhau.

– CHÍNH THỦY 正水

Hiện tượng toàn thân phù thũng. Biểu hiện phù thũng toàn thân, bụng đầy mà suyễn, mạch trầm trì. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Thận dương hư, thủy khí không thúc đẩy, ứ đọng ở ngực bụng mà bức lên tạng Phế. Như vậy phần ngọn ở Phế, phần gốc ở Thận.

– CHÍNH TRỊ 正 治

Phương pháp chữa trị. Cách vận dụng các loại thuốc tương phản với tính chất của bệnh tật như chứng hàn dùng thuốc nhiệt, chứng nhiệt dùng thuốc hàn, chứng hư dùng phép bổ, chứng thực dùng phép tả. Phép chính trị còn được gọi là nghịch trị tức là dùng thuốc có tính đối lập với tật bệnh.

– CHỈNH THỂ QUAN NIỆM 整体观念

Phương pháp luận của Y học cổ truyền cho rằng bệnh tật và việc chữa trị bệnh là đem so sánh giữa sự cấu tạo của tạng phủ và các tổ chức khác trong cơ thể, và với tự nhiên giới có mối quan niệm thống nhất.

– CHU CHẤN HANH 朱震亨

Nhà y học nổi tiếng đời nhà Nguyên. Sinh năm 1281-1358. Tự là Ngạn Tu. Do khi nhỏ ở vùng Đơn Khê nên gọi là Chu Đan Khê. Quê ở Vụ Châu, Nghĩa Ô (nay là Nghĩa Ô, Chiết Giang). Là một trong ‘Tứ đại gia’, sáng lập phái tư âm, đến năm 30 tuổi mới bắt đầu học y. Ông theo học với ông La Tri Để là thầy thuốc nổi tiếng thời đó ở tại Vũ Lâm (nay là Hàng Châu). Ông chủ trương tránh vượng hỏa, tiết chế ăn uống, sắc dục để bảo dưỡng âm tinh. Khi điều trị, ông đề xướng nguyên tắc tư âm giáng hỏa, do vậy người đời sau xếp ông thuộc phái tư âm. Ông biên soạn rất nhiều tài liệu trong có “Đan khê tâm pháp” là cuốn sách tiêu biểu còn được lưu truyền đến ngày nay.

– CHU QUĂNG 朱肱

(Không rõ năm sinh năm mất). Chu Quăng có tên tự là Dực Trung, hiệu là Vô Cầu Tử, người đời Tống. Ô Trình (nay là Ngô Hưng, Chiết Giang). Ông là con nhà quan. Ông nội là Chu Thừa Dật, từng giữ chức Hồ Châu Khổng mục; cha là Chu Giám, năm đầu niên hiệu Hoàng Hựu – (l049), đỗ tiến sĩ, chức Thụ điện Trung thừa; bản thân ông cũng bác học đa văn, có tiếng thông Nho, niên hiệu Nguyên Hựu thứ 3 (l088), đỗ tiến sĩ cập độ, từng giữ các chức: Hùng Châu phòng ngự thôi, Tri Đặng Châu lục sự, Phụng nghị lang (nhân chức quan này mà người ta gọi ông là Chu Phụng Nghị). Nhưng ông không thích làm quan, mạnh dạn xin từ quan về ở Tây Hồ, Hàng Châu, phường Đại Ấn để viết sách, uống rượu mua vui, đồng thời làm thầy thuốc cứu người, tự hiệu là Đại Ấn ông. Do ảnh hưởng học thuyết ‘Thương hàn luận’ của Trọng Cảnh nên sau một thời gian chuyên tâm nghiên cứu ‘Thương hàn luận’, vào niên hiệu Đạo Quang, ông đã viết cuốn “Vô Cầu Tử Thương hàn bách vấn” gồm 3 quyển. Sau đó tăng bổ thêm thành 20 quyển. Nhân vì Trọng Cảnh là người Nam Dương nên đổi tên sách thành “Nam Dương Hoạt Nhân thư” Năm đầu niên hiệu Chính Hòa (1111), ông dâng sách lên triều đình, được ban khen và sách được in ngay để ban hành; đồng thời triều đình phong ông chức Y học Bác sĩ. Năm cuối niên hiệu Chính Hòa (1115), mùa thu, vì phê bình thẳng thừng thời sự, bị giáng chức, đi xa kinh thành. Qua năm sau, ông lại được triệu về kinh giữ chức Phụng Lang Đề Điểm, Động Tiêu Cung. Không lâu sau, ông từ quan về ở ẩn. Sách ‘Nam Dương Hoạt Nhân thư’, còn có tên là ‘Loại chứng Hoạt Nhân thư’ là sách nghiên cứu về ‘Thương hàn luận’ tương đối sớm nhất. Bản lưu hành hiện nay gồm 22 quyển. Sách này dùng lời văn thông thường đặt những câu hỏi và câu ‘trả lời giúp người ta dễ học, dễ thực hành, thật có công rất lớn trong việc phổ biến học thuyết Trọng Cảnh. Đối với công việc nghiên cứu ‘Thương hàn luận’, ông còn có nhiều phát minh, là người đầu tiên đề xuất dùng kinh mạch luận bệnh chứng của Lục kinh. Ở mặt trị liệu, ông ghi chép các phương thuốc từ đời Hán trở về sau để bổ sung khuyết điểm của sách Trọng Cảnh, đó là ‘chứng bệnh nhiều mà phương thuốc ít’.

– CHU TẤP CHI DƯỢC 舟辑之药

Còn gọi là Chu tấp chi tễ.

– CHU TẤP CHI TỄ 舟辑之剂

Là vị thuốc dẫn, (Tấp là cái dầm; Chu là cái thuyền). Thuyền có thể chở đồ vật nổi trên mặt nước. Trong một bài thuốc có một số vị thuốc có thể đưa các vị thuốc khác lên chữa bệnh tật trên thượng tiêu giống như con thuyền chở đồ vật nổi trên nước. Người xưa cho rằng vị Cát cánh có thể dẫn các vị thuốc khác tới chỗ cao, cho nên gọi là Chu tấp chi tễ.

– CHU TÝ 周痹

Tên bệnh. Sách ‘học chính truyền, q.5) ghi: “Do khí hư mà phong hàn thấp khí cùng lấn chiếm, do đó tê dại đau nhức khắp mình mẩy, trong cổ phương gọi là Chu tý”. Triệu chứng: đau nhức khắp mình mẩy, chạy lên chạy xuống, hoặc nặng nề tê dại, cổ gáy vai lưng co quắp, mạch nhu sáp.

– CHU VĂN AN 朱文安

1292-1370, đời Trần, là nhà giáo dục uyên thâm, ông còn nghiên cứu y học. Ông đã để lại một số tư liệu, bệnh án về kinh nghiệm trị bệnh, đặc biệt là kinh nghiệm trị các bệnh dịch mà sau này con cháu ông là Chu Doãn Văn, Chu Xuân Lương đã ghi lại thành quyển ‘học yếu giải tập chú di biên’ năm 1466 và bổ sung năm 1856. Đối với thương hàn ngoại cảm, Chu Văn An cho rằng một phần do sự thiên thắng của thời khí, một phần do sự suy yếu của cơ thể. Tuy bệnh lý chuyển biến âm dương biểu lý khác nhau nhưng cách trị không ngoài việc điều hòa âm dương và công tà bổ chính. Vì vậy ông chỉ quy nạp bệnh về hai loại là Dương chứng (Nhiệt) và Âm chứng (Hàn), tùy chứng mà gia giảm để điều hòa cơ thể, bồi bổ chính khí phối hợp với việc đẩy bệnh tà ra một cách nhẹ nhàng. Từ đó ông chế ra hai bài thuốc ‘Đăng khấu thang’ [Sinh địa, Huyền sâm, Sài hồ, Mộc thông, Hoàng cầm, Chi tử, Gừng, Hành, Cam thảo] (trị nhiệt) và ‘Cố nguyên thang’ [Đảng sâm, Đương quy, Can khương, Trần bì, Chích thảo, Nhục quế, Phụ tử chế, Táo] (trị hàn). Chu Văn An đã vận dụng linh hoạt hai bài thuốc trên trị cho hơn 700 trường hợp và đã phổ biến cho người đương thời biết và sử dụng. Đối với bệnh ôn dịch năm 1358-1359, ông đã chế ra bài ‘Thần tiên cứu khổ đơn’ cứu sống được rất nhiều người. Đối với bệnh ôn nhiệt, ông chế ra bài ‘Tuấn lưu ẩm’ (Sinh địa, Thục địa, Huyền minh phấn, Mộc thông, Chi tử, Thạch hộc, Cam thảo , Lá tre, Đăng tâm thảo). Sau khi uống 1 thang, bớt sốt nhưng còn tiêu chảy, ông cho uống ‘Bạch long tán’, dùng độc vị Thạch cao sống, tán bột, hòa với nước nóng, uống lúc còn hơi âm ấm thì ngưng tiêu chảy ngay. Để điều bổ thủy hỏa, ông chế ra bài ‘Tư khảm đơn’ (Thục địa, Hoài sơn, Phục linh, Lộc giác giao, Mạch môn) và ‘Dưỡng ly đơn’ (Thục địa, Sơn thù (sao rượu), Hoài sơn (sao), Phục linh, Phụ tử (chế), Nhục quế, Ngũ vị (sao mật), Trầm hương (một ít).

– CHÚ 注

Còn gọi là Lao chú.

– CHÚ HẠ 注夏

Tức Chú hạ (疰夏).

– CHÚ HẠ 疰夏

Tên bệnh. ➊ Chứng bệnh thường phát vào mùa hè. Chứng thường thấy là bỗng nhiên váng đầu, nhức đầu, mệt mỏi, chân cẳng yếu, mình nóng ăn ít, ngáp luôn, tâm phiền đổ mồ hôi trộm. ➋ Một trong bệnh lao. Chương ‘Thử bệnh nguyên lưu’ (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc) ghi: “Bệnh lao, mạch phù, tay chân phiền nhiệt, tinh lạnh tự xuất, chân mỏi không đi được, bụng dưới hư tức, mùa xuân, hạ, bệnh nhiều hơn, mùa thu, đông, khỏi bệnh, gọi là bệnh Chú hạ”.

– CHÚ HẠ XÍCH BẠCH 注下赤白

Tức Lỵ tật.

– CHÚ THẤU 疰嗽

Chứng ho do Phế lao.

– CHÚ TIẾT 注泄

Tức Thủy tả.

– CHÚ XA CHÚ THUYỀN 注车注船

Từ dân gian để chỉ hiện tượng say tàu xe. Do đi xe đường dằn xóc hoặc đi thuyền sóng nhồi lắc mà xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, xây xẩm, nôn ói.

– CHỦ 主

➊ Chủ tể. Thiên ‘Tuyên minh ngũ khí’ (Tố vấn) ghi: “Chủ của ngũ tạng, Tâm chủ mạch, Phế chủ bì, Can chủ cân, Tỳ chủ nhục, Thận chủ cốt. Gọi là ngũ chủ” ➋ Bị khắc chế. Thiên ‘Ngũ tàng sinh thành’ (Tố vấn) ghi: “Tâm hợp với mạch, vinh tại sắc, nó chủ ở Thận” Tức là Tâm chủ về huyết mạch nên nói Tâm “hợp với mạch”, chất tinh ba của Tâm hiện lên trên mặt, cho nên nói “vinh ở sắc”. Tâm chủ hỏa mà bị Thận thủy khắc chế (khắc chế). Nên mới nói “chủ ở Thận”. ➌ Chủ trị.

– CHỦ CHỨNG 主证

Các chứng trạng chủ yếu gây ra bệnh và các đặc trưng của cơ thể. Là mấu chốt chủ yếu để biện chứng.

– CHUYỂN BÀO 转胞

Bàng quang co lại không thông, gọi là chuyển bào, triệu chứng của nó là đau quặn vùng bụng dưới, tiểu không thông. Nguyên nhân do Thận khí hư, khí hóa bất lợi mà sinh ra.

– CHUYỂN CÂN 转筋

Chứng chuột rút, vọp bẻ. Thường thấy hiện tượng co cứng ở bắp chân, nặng thì lan đến vùng bụng. Nguyên nhân phần nhiều do khí huyết bất túc, phong hàn thấp xâm nhập vào gây ra.

– CHUYỂN CHÂM 转针

Thủ thuật vê kim cho đắc khí trong châm cứu. Tùy theo tình hình bệnh trạng, mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà thầy thuốc vê kim khi sang phải, khi sang trái, cũng có khi hơi nhóm nhẹ kim lên, hoặc nhấn xuống để đạt mục đích bổ hay tả trong đìều trị.

– CHUYỂN ĐẬU MẠCH 转豆脉

Một trong thập quái mạch. Còn gọi là Chuyển hoàn mạch. Mạch đi đến khó bắt, giống như hạt đậu xoay tại chỗ.

– CHUYỂN HOÀN MẠCH 转还脉

Tức Chuyển đậu mạch.

– CHUYỂN NHŨ 转乳

Tức Hiện nhũ.

– CHUYỂN PHAO 转脬

Tức Chuyển bào.

– CHƯ BỆNH NGUYÊN HẬU LUẬN 诸病源候论

Bộ sách sớm nhất chuyên viết về nguyên nhân gây bệnh, chứng hậu… có tên ‘Chư bệnh nguyên hậu luận’. Do Sào Nguyên Phương vâng chiếu của triều đình cùng với Thái y Ngô Cảnh Hiền phụ trách tổ chức nhân viên biên tập bộ sách này. Bộ sách ‘Chư bệnh nguyên hậu luận’ viết xong quãng niên hiệu Đại Nghiệp thứ 6 nhà Tùy (610), gồm 50 quyển, chia làm 67 môn loại, trình bày hơn 1700 chứng hậu (tình trạng biến hóa của bệnh), đối với bệnh trạng, bệnh lý, bệnh nhân của các loại tật bệnh nội khoa, phụ khoa, nhi khoa, về ngũ quan, v.v…. đều có luận thuật tường tận và khoa học. ‘Chư bệnh nguyên hậu luận’  ra đời, được y học giới các đời xem trọng và khẳng định là có giá trị cao, được xếp vào một trong ‘Y môn thất kinh’, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nền y học của hậu thế. Đời Đường, bộ ‘Thiên kim phương’ của Tôn Tư Mạo, bộ ‘Ngoại đài bí yếu’ của Vương Đào, đều ứng dụng sách này. Đời Tống, các chương mục trong bộ ‘Thái bình thánh huệ phương’ đều có đặt lời luận thuật của sách này ở trước. Bộ ‘Phổ tế phương’ của đời Minh, bộ ‘Y tông kim giám’ của đời Thanh cũng chịu ảnh hưởng của sách này. Nhà Tống, nhà Minh, cũng dùng sách này làm sách cho những người học thuốc phải học. Triều Tiên, Nhật Bản các nước cũng xem sách này là kinh điển của lớp đào tạo y học sinh. Bộ ‘Chư bệnh nguyên hậu luận’ đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển toàn diện nền Trung y học, là một văn hiến quí báu của y học sử Trung quốc.

– CHƯ DƯƠNG CHI HỘI 诸阳之会

Vùng đầu. Do khí thanh dương trong cơ thể dồn lên trên đầu mà trong 12 đường kinh mạch có 3 kinh dương ở tay và 3 kinh dương ở chân đều đi qua vùng đầu, nên mới có tên gọi.

– CHƯ GIẢN ÂM 诸痫瘖

Tình trạng trẻ sau khi bị co giật thì phát âm không được.

– CHƯ TRÙNG 诸虫

Các loại trùng sống ký sinh trong cơ thể người. Nhất là trong đường ruột, có thể dẫn đến các loại bệnh do trùng sinh ra.

– CHỬ 煮

Phương pháp chế biến. Đem dược liệu cho vào nồi, đổ nước vào hoặc các chất phụ liệu khác đặt lên bếp nấu. Dùng cách này để giảm nhẹ độc tố của thuốc và làm cho thuốc được thuần khiết.

– CHƯNG 蒸

Phương pháp bào chế đưa dược liệu trực tiếp hoặc thêm chất phụ liệu vào chưng cách thủy để tiện cho việc chế thuốc hoặc làm thay đổi tính vị của thuốc.

– CHƯNG BỆNH 蒸病

Lấy sốt cơn làm chứng trạng chính. Tự bản thân người bệnh có hiện tượng sốt từng cơn, thường sốt về chiều. Nguyên nhân do âm hư gây ra.

– CHƯNG LỘ 蒸露

Dược liệu thông qua hệ thống chưng cất có được chất nước trong thì gọi là lộ. Như Kim ngân hoa lộ, Hoắc hương lộ.

– CHƯNG NHŨ 蒸乳

Nhũ trấp bị ủng trệ không thông. Nguyên nhân do khí huyết của sản phụ sung thịnh, hoặc sau khi sanh mà không cho trẻ bú cũng gây ra bệnh. Triệu chứng: hai bầu vú sưng trướng gây đau, người nóng lạnh.

– CHỨNG HẬU 证候

Một số các quan hệ nội tại của chứng trạng và các đặc trưng trong cơ thể (bao gồm chất lưỡi, rêu lưỡi và mạch tượng) tạo thành. Nó phản ảnh một số quy luật nhất định của bệnh tật.

– CHỨNG TRỊ CHUẨN THẰNG 正治准绳

1549 – 1613. Do Vương Khẳng Đường soạn. ‘Chứng trị chuẩn thằng (cũng có tên ‘Lục khoa Chứng trị chuẩn thằng’ hoặc ‘Lục khoa chuẩn thằng’), là bộ tài liệu sưu tập lâu năm, kết hợp kinh nghiệm lâm sàng của mình, trải qua 11 năm nỗ lực khó nhọc viết ra sách này. Sách gồm 6 bộ bao quát: 8 quyển ‘Tạp bệnh Chứng trị chuẩn thằng , 8 quyển ‘Tạp bệnh chứng trị loại phương’, 8 quyển ‘Thương hàn Chứng trị chuẩn thằng ’, 8 quyển ‘Dương khoa Chứng trị chuẩn thằng ’, 6 quyển ‘Nữ khoa Chứng trị chuẩn thằng ’, 9 quyển ‘Ấu khoa Chứng trị chuẩn thằng ’. Ông biện luận các loại bệnh của các khoa, mục, rộng khắp. Mỗi một bệnh chứng, ông chép lại kinh nghiệm điều trị của y gia các đời, sau đó nói rõ ý kiến của mình; ông chiết trung các phái, đối với việc công (trừ) bổ làm ôn không thiên lệch bên nào, thành thật đưa ra. Sách ‘Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu’ đánh giá rất cao bộ sách lớn này như sau: Quyển sách thu góp tài liệu phong phú, tham nghiệm mạch chứng, biện biệt dị đồng, ngành thớ rõ ràng, đều có gốc ngọn, cho nên rộng mà không tạp, đối với công bổ hàn ôn không có chỗ thiên lệch… đáng là khuôn phép cho y gia noi theo vậy. Vì vậy, bộ sách này luôn được các y gia sùng thượng, cùng với sách ‘Bản thảo cương mục’ của Lý Thời Trân, được xem là hai kiệt tác lớn về y dược đời Minh, có ảnh hưởng lớn đối với hậu thế.

– CHƯỚC NHIỆT 灼热

Nóng rát do sốt cao.

– CHƯỚC THOÁNG 灼痛

Chỗ đau có cảm giác nóng rát. Phần nhiều thấy trong chứng Vị thống do uất hỏa làm tổn thương âm hoặc trong các chứng ghẻ lở do nhiệt độc quá thịnh hoặc do bị phỏng lửa.

– CHƯỚNG 瘴

Còn gọi là Sơn lam chướng khí. Tức là chứng thấp nhiệt uất kết ở trong rừng núi mà phát sinh bệnh.

– CHƯỚNG ĐỘC 瘴毒

Tức Chướng.

– CHƯỚNG KHÍ 瘴气

Chứng chướng ngược, hoặc Dịch lệ do cảm nhiễm thấp nhiệt độc tà gây ra.

– CHƯỚNG NGƯỢC 瘴疟

Một loại bệnh sốt rét ác tính do cảm nhiễm sơn lam chướng độc mà phát ra. Các biểu hiện chủ yếu là khi lên cơn sốt rét, thần thức hôn mê, người cuồng vọng, la hét.

– CHƯỞNG CỐT THƯƠNG 掌骨伤

Tình trạng gãy xương bàn tay, Thường hay gãy xương ngón trỏ hoặc ngón út. Chỗ gãy sưng đau, biến dạng, có thể cảm nhận được tiếng xương gãy, làm ảnh hưởng vận động.

– CÔ ÂM 孤阴

Ý nói phần âm quá thịnh.

– CÔ DƯỢC 箍药

Tức Cô vi dược.

 

– CÔ DƯƠNG THƯỢNG PHÙ 孤阳上浮

Bệnh lý mà nguyên nhân do tinh huyết khuy tổn, dẫn đến âm không đủ sức gìn giữ được dương khí, hư dương cũng không còn chỗ nương dựa từ đó mới bốc lên trên (thượng phù). Còn gọi là Hư dương bất liễm.

– CÔ DƯƠNG THƯỢNG VIỆT 孤阳上越

Còn gọi là Hư dương bất liễm, hay Hư dương thượng phù. Xem chi tiết ở mục này.

– CÔ PHỦ 孤腑

Tức Tam tiêu, một trong lục phủ. Chỉ có Tam tiêu là không phối hợp với tạng phủ nào khác cho nên mới có tên gọi là Cô phủ.

– CÔ TẠNG 孤脏

Chỉ tạng Tỳ và tạng Thận.

– CÔ VI DƯỢC 箍围药

Thuốc dùng ngoài. Dùng để chữa các mụn nhọt mới phát, khi đó thầy thuốc đắp lên chỗ nhọt một lớp thuốc được giã nát như bùn. Mục đích để làm tiêu thũng, tán kết, chỉ thống. Hoặc làm cho gom mủ từ đó vỡ miệng.

– CỐ BĂNG CHỈ ĐỚI 固崩止带

Một trong những phương pháp thu sáp, dùng để chữa chứng phụ nữ bị rong kinh băng huyết, kinh ra quá nhiều, chứng bạch đới lâu ngày không cầm.

– CỐ HÀ 固瘕

➊ Đại tiện trước cứng sau nhão, hoặc trong phân lẫn lộn vừa cứng vừa nhão, hoặc vừa có nước, vừa có thức ăn không tiêu hóa được. Nguyên nhân do Trường Vị hư hàn, thủy cốc không phân mà gây ra. ➋ Chứng tiêu chảy lâu ngày.

– CỐ LÃNH 痼冷

Bên trong cơ thể có hàn khí tích chứa ở kinh lạc, tạng phủ đã lâu. Như đau vùng rốn, vùng bụng do lạnh, nôn oẹ ra nước trong, khớp xương đau, chân tay không ấm…

– CỐ NHIẾP 固攝

Tức Cố sáp, Thu sáp.

– CỐ SÁP 固澀

Phương pháp chữa các chứng hoạt thoát như tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, tiêu chảy kéo dài, thoát giang, di tinh, tảo tiết, mất máu, băng lậu, đới hạ… Nguyên nhân là do cơ thể hư yếu. Cần biện chứng cho đúng rồi đưa ra phương thuốc thích hợp. Thí dụ như chứng di tinh do Thận hư thì ngoài bài thuốc bổ Thận, phải thêm các thuốc thu liễm như Khiếm thực, Mẫu lệ, Long cốt…

– CỐ TẬT 痼疾

Các bệnh tật lâu ngày chữa không khỏi.

– CỐ TIẾT 固洩

Cố: Đại tiểu tiện không thông. Tiết: Hiện tượng tiểu tiện không tự chủ. Thiên ‘Chí chân yếu đại luận’ (Tố vấn) ghi: “Tất cả các chứng quyết nghịch, cố tiết, đều thuộc phần dưới”.

– CỐ TINH 固精

Như Cố Thận sáp tinh.

– CỐ THẬN SÁP TINH 固肾澀精

Một trong những phương pháp thu sáp. Dùng để chữa chứng do Thận không bền chặt mà sinh ra chứng di tinh và tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt. Thích hợp với chứng Thận khí bất túc sinh ra di tinh, mồ hôi trộm, lưng mỏi tai ù, tay chân yếu sức…

 

– CỔ 瞽

Người bị mù lòa.

– CỔ 股

Đùi, Bắp đùi.

– CỔ 蛊

Tức Trùng cổ. Tên bệnh. ➊ Do trùng độc kết tụ, Can Tỳ thọ thương, lạc mạch bị nghẽn tắc dẫn đến đầy tức, có khối cứng. Sách ‘Chứng trị hối bổ, q.6’ ghi: “Đầy tức lâu ngày, khí huyết tụ không giải tán được, tục gọi là cổ” ➋ Chỉ chứng hông bụng nóng đau, tiểu ra trắng nên gọi là cổ. Thiên ‘Ngọc cơ chân tàng luận’ (Tố vấn) ghi: “… Vùng bụng dưới nóng đau, tiểu ra trắng nên gọi là Cổ”. ➌ Loại thuốc độc được chế từ trùng độc. Chương ‘Cổ độc hầu’ (Chư bệnh nguyên hậu luận) ghi: “Dùng loại giun trùng độc, rắn độc, nuôi chung với nhau, mặc cho chúng ăn lẫn nhau, cuối cùng chỉ còn lại mỗi một con độc nhất, đây gọi là Cổ. Đem chế biến hoặc cho uống rượu rồi dùng nó đầu độc người khác”.➍ Nam giới mắc bệnh do phòng lao.

– CỔ 鼓

➊ Một trong ngũ bất nữ. Màng trinh cứng dai như da trống (cổ bì), dẫn đến không thể giao hợp được; đồng thời làm cho kinh huyết đình tích thành khối ở trong, vì vậy gọi là cổ chứng. Còn gọi là Cổ hoa đầu, Cổ hoa. ➋ Một trong 12 mạch của sách “Nội kinh”. Tức là mạch tượng đi vừa phù, vừa đại thì gọi là Cổ mạch.

– CỔ ÂM THƯ 股阴疽

Tức Cổ hĩnh thư, Phụ cốt thư.

– CỔ CHÚ 蛊注

Tên gọi bệnh xưa, xuất hiện các triệu chứng chủ yếu như: Ngón tay chân sưng phù, da thịt teo róc, nấc, bụng to như chứa nước. Bệnh có tính truyền nhiễm.

– CỔ ĐỘC 蛊毒

➊ Do cảm nhiễm gây ra chứng bụng to như cái trống. Là một trong những triệu chứng chủ yếu thường thấy trên lâm sàng. Nguyên nhân chính là do ký sinh trùng gây thành bệnh cổ trướng (tương đương với bệnh huyết hấp trùng). ➋ Một loại thuốc độc ngày xưa làm cho người ta mất trí nhớ.

– CỔ HĨNH THƯ 股胫疽

Còn gọi là Cổ thư, Cổ âm thư. Chỉ nhọt mọc ở vùng bắp vế (cổ) hoặc bắp chân (hĩnh). Dựa theo đó mà đặt tên.

– CỔ KIM ĐỒ THƯ TẬP THÀNH Y BỘ TOÀN LỤC 古金图书集成医部全録

1722, do Trương Diên Tích đời Thanh biên soạn. Sách gồm 520 quyển, tập hợp và trích lục hơn 100 tài liệu y học. Sách vừa có lý luận cơ bản, vừa có phân khoa điều trị. Có luận, có phương, nội dung phong phú.

– CỔ THƯ 蛊疽

Tức Cổ hĩnh thư, Cổ âm thư.

– CỔ TRƯỚNG 臌胀

Tức Cổ trướng 鼓胀.

– CỔ TRƯỚNG 蛊胀

Tên bệnh. ➊ Bị chứng Cổ độc làm cho bụng căng to, tay chân phù thũng, dáng người gầy róc. ➋ Tức Cổ trướng. Mục ‘Trướng mãn’ (Cổ kim y giám) ghi: “Nội kinh có nói rằng Cổ trướng… Bệnh này day dưa khó chữa, còn gọi là Cổ, như bị ăn mòn là ý nói có trùng.” ➌ Chứng đơn phúc trướng, tay chân, đầu mặt không sưng, chỉ có ở bụng, gọi là Đơn phúc trướng. Thật ra bệnh ở Tỳ Vị, lại do khí huyết kết tụ không thông, độc của nó như cổ, nên cũng gọi là Cổ trướng. ➍ Trường hợp bụng trướng to mà bên trong cứng như có vật gì. Mục ‘Thũng trướng’ (Loại chứng trị tài) ghi: “Riêng có cổ trướng, bởi khí huyết uất lâu ngày không lưu thông, làm cho bụng to lên, trong rắn chắc như có vật gì, không phải trùng mà là huyết, cũng không phải như da bụng căng tức của Cổ trướng, trong rỗng không vật gì”. ➎ Chứng cổ chú.

– CỔ TRƯỚNG 鼓胀

➊ Vùng bụng to, gân bụng nổi rõ. Nguyên nhân do tình chí uất kết, ăn uống không điều độ, rượu chè quá độ, trùng tích lâu ngày, làm cho Can Tỳ bị tổn thương, khí huyết ứ trệ, thủy thấp không được kiện vận gây ra bệnh. ➋ Khí trướng, bụng trướng căng cứng, nhưng bên trong trống rỗng không có vật gì.

– CỐC 谷

Nơi hội tụ của cơ bắp gọi là cốc.

– CỐC ĐẢN 谷疸

Một trong ngũ đản. Do ăn uống không điều độ, đói no thất thường, thấp trệ và thực trệ ngăn trở trung tiêu gây nên. Triệu chứng: nóng lạnh, không ăn, hoặc ăn vào thường chóng mặt, phiền muộn, ngực bụng đầy trướng, mắt và toàn thân đều vàng, đại tiện lỏng nhão, tiểu tiện lợi.

– CỐC ĐẠO 谷道

Tức là Giang môn (Hậu môn).

– CỐC KHÍ 谷气

Chất tinh túy của thức ăn uống đưa vào cơ thể để duy trì sự sống.

– CÔNG BỔ KIÊM THI 攻补兼施

Phương pháp vừa dùng phép bổ kết hợp với phép công để đạt được mục đích là khu tà mà không làm tổn thương chính khí. Thích hợp chữa các chứng tà khí thực, chính khí hư. Gặp các trường hợp này, nếu chỉ dùng phép công thì chính khí càng suy yếu, nếu chỉ dùng phép bổ thì tà càng thêm sung thịnh, vì thế, nên dùng cả hai phép vừa công vừa bổ thì mới đạt được hiệu quả.

– CÔNG HẠ 攻下

Dùng các vị thuốc có tác dụng tẩy xổ để làm thông đại tiện. Công hạ có chia ra Hàn hạ, Nhuận hạ, Ôn hạ. Tuy nhiên thuốc tả hạ rất mạnh, vì vậy đối với người già, người có thể lực yếu dùng phải cẩn thận. Người đang hành kinh, phụ nữ có thai không nên dùng. Cũng là phép Hạ, Tả hạ, Thông lý.

– CÔNG HỘI 攻溃

Một trong các phép chữa ngoài da. Dùng các vị thuốc có tác dụng tiêu thũng bài nùng để làm cho nhọt sau khi đã gom mủ được vỡ ra, đạt được mục đích giảm đau, tiêu sưng. Thuốc thường dùng là Xuyên sơn giáp, Tạo giác thích. Còn gọi là Thấu nùng.

– CÔNG LÝ BẤT VIỄN HÀN 攻里不远寒

Nguyên tắc dùng thuốc. Khi lý chứng có nhiệt tích bên trong, cần phải dùng các loại thuốc có tính hàn để công hạ, gọi là phép công vào phần lý mà không kỵ các thuốc hàn.

– CỐT 骨

Chỉ bộ xương trong cơ thể người. Thận chủ xương, sinh tủy, tủy chứa trong xương, lại là nơi chứa tinh khí của Thận hóa sinh ra, có khả năng nuôi dưỡng xương, vì vậy sự sinh trưởng và công năng của xương nhờ vào sự thịnh suy của Thận.

– CỐT CAM 骨疳

Tức chứng Thận cam.

– CỐT CHIẾT 骨折

Gãy xương. Chia làm 2 loại: gãy kín và gãy hở. Gãy kín là cơ thịt không bị xé rách, không lộ xương ra ngoài. Gãy hở là da thịt bị rách, xương lòi ra, trường hợp này dễ bị nhiễm trùng, bệnh tương đối nặng. Triệu chứng:  vùng cục bộ ứ huyết, sưng đau, sai lệch vị trí, dị hình. Khi thăm khám nghe có tiếng xương gãy, cử động khác thường.

– CỐT CHƯNG 骨蒸

Một loại chứng trạng do âm hư nội nhiệt sinh ra. Triệu chứng: Sốt cơn, mồ hôi trộm, khó thở, yếu sức, tâm phiền, mất ngủ, nóng lòng bàn tay bàn chân, nước tiểu vàng sẻn.

– CỐT CHƯNG LAO NHIỆT 骨蒸劳热

Tức Cốt cực, Lục cực, Cốt chưng.

– CỐT CỰC 骨极

Bệnh ở xương, tủy khô kiệt. Mục ‘Hư lao bệnh chư hậu’ (Chư bệnh nguyên hậu luận) ghi: “Cốt cực làm cho người mỏi mệt, đau răng, chân tay nhức mỏi, uể oải, không đứng được, không muốn cử động”.

– CỐT ĐẠC 骨度

Số to nhỏ, dài ngắn của từng đốt xương. Đây là cách tính của người xưa, làm căn cứ cho việc xác định huyệt vị, phân tích bộ vị cơ thể.

– CỐT HỘI 骨会

Một trong bát hội huyệt. Tức huyệt Đại trữ, nơi hội tụ tinh khí của xương cốt.

– CỐT LAO 骨劳

Chứng Lao xương. Nguyên nhân thường do tiên thiên bất túc, hoặc Thận âm khuy tổn. Bệnh thường hay gặp ở cột sống, hông, gối, cổ chân và các khớp khuỷu.

– CỐT LỰU 骨瘤

Còn gọi là Bướu xương. Nguyên nhân do Thận khí suy kém, hàn tà và ứ huyết, ngưng tụ ở xương gây nên, hay phát ở hai đầu của ống xương dài. Triệu chứng là lúc đầu đau lâm râm, sau đau tăng, đau nhiều về đêm, khối đau không đi động, cứng như đá, liền với xương, màu da xạm đen, nổi gồ lên, thường kèm có sốt nhẹ, gầy róc, uể oải, không muốn ăn.

– CỐT NGẠNH 骨鲠

Hiện tượng mắc xương gà, cá trong cổ họng. Thấy hầu họng đau không ngớt, nuốt vật khó khăn, nặng thì nôn ra thức ăn có lẫn máu tươi.

– CỐT NUY 骨痿

Một trong những chứng nuy, còn gọi là Thận nuy. Triệu chứng: sống lưng mỏi yếu, không đứng thẳng được, chi dưới liệt yếu, không đi lại được, kèm có sắc mặt đen sạm, răng khô. Thiên ‘Nuy luận’ (Tố vấn) ghi: “Thận chủ cốt tủy của toàn thân… Thận khí nhiệt thì sống lưng không cử động được, xương khô mà suy giảm, phát thành bệnh cốt nuy”.

– CỐT TÀO PHONG 骨槽风

Nguyên nhân do phong hỏa tà độc hun đốt hai kinh Thủ thiếu dương Tam tiêu, và Túc dương minh Vị gây ra. Lúc mới phát ở trước lỗ tai vùng mang tai lan ra sau gáy nổi các hạch nhỏ, dần dần phát triển lớn, vỡ miệng chảy mủ, lâu ngày lòi ra thấy xương, chân răng sưng lở loét, nặng thì răng rụng, xương bị lở loét.

– CỐT THỐNG 骨痛

Đau nhức thấu xương. Thường gặp trong các chứng tý, hư lao, các tổn thương về xương…

– CỐT TÝ 骨痹

Tên bệnh. Chứng tý xuất hiện các triệu chứng chính như các khớp đau mỏi, vận động bị trở ngại. Nguyên nhân phần nhiều do phong hàn thấp tà nhân hư xâm nhập vào cốt mạch gây ra.

– CƠ 肌

Tức Cơ nhục.

– CƠ BẤT NĂNG THỰC 饥不能食

Đói mà không ăn được, do Vị hư có nhiệt hoặc do Thận âm hư, hư hỏa phạm Vị gây ra bệnh.

– CƠ NHỤC BẤT NHÂN 肌肉不仁

Hiện tượng cơ nhục tê dại, không biết đau, ngứa, nóng, lạnh. Thường gặp ở trong các Nuy chứng, Trúng phong, Ma phong.

– CƠ NHỤC NHUYỄN  肌肉软

Một trong ngũ nhuyễn. Tỳ chủ tứ chi cơ nhục, Tỳ khí hư thì cơ nhục mềm nhão không săn, người gầy yếu, trí lực trì độn.

– CƠ NHƯỢC NGƯ LÂN 肌若鱼鳞

Hiện tượng da như vảy cá. Còn gọi là Cơ phu giáp thác.

– CƠ NỤC 肌衄

Tên chứng. Hiện tượng máu chảy ra theo lỗ chân lông. Mục ‘Chư huyết môn’ (Chứng trị yếu quyết) ghi: “Huyết ra từ lỗ chân lông, gọi là Cơ nục”. Nguyên nhân do âm hư hỏa vượng, Can Vị hỏa thịnh, hoặc khí huyết hư suy làm cho huyết không theo kinh mà gây ra. Còn gọi là Huyết hãn, Hồng hãn.

– CƠ PHU GIÁP THÁC 肌肤甲错

Tên chứng. Tình trạng da dẻ sần sùi, khô ráo bị sừng hóa có màu nâu như vảy xếp ngang dọc nhau. Thường kèm thấy các triệu chứng người gầy ốm, vùng bụng trướng đầy, ăn uống kém. Nguyên nhân do ứ huyết kết ở bên trong, da dẻ không được nuôi dưỡng mà phát bệnh.

– CƠ TẤU 肌腠

Lằn nếp của da thịt. Còn gọi là thớ thịt.

– CƠ TÝ 肌痹

Triệu chứng: da thịt đột nhiên tê dại ngắt nhéo không biết đau, hoặc ê mỏi, không có sức, đổ mồ hôi, tay chân uể oải. Nguyên nhân là do phong hàn thấp xâm phạm.

– CÙ BÀN QUYỂN KHÚC 虬蟠卷曲

Hiện tượng kết mạc mắt sung huyết.

– CÙ MẠCH TÚNG HOÀNH 虬脉纵横

Hiện tượng kết mạc mắt sung huyết.

– CỤC PHỤC 挶服

Phương pháp chưng hấp thuốc. Cho dược liệu đã sắc xong rót vào trong chén sau đó mới cho bột thuốc vào hòa tan, đậy nắp lại, đun tiếp cho tới khi thuốc hòa tan hẳn rồi mới lấy ra uống. Thường áp dụng cho Nhục quế hoặc các vị thuốc có chứa tinh dầu không chịu được áp suất cao, dễ làm cho tinh dầu bốc hơi.

– CUNG NGOẠI DỰNG 宫外孕

Tức chứng Thai ngoài tử cung.

– CUỒNG 狂

Bệnh thần kinh. Do thất tình uất kết, ngũ chí hóa hỏa, đàm tụ tâm khiếu. Triệu chứng: hưng phấn quá độ, cuồng vọng tự đại, nặng thì chửi bới, kêu khóc, nói năng lung tung…

– CUỒNG KHUYỂN THƯƠNG 狂犬伤

Chó dại cắn.

– CUỒNG NGÔN 狂言

Một bệnh trạng thể hiện lời nói thô lỗ, cuồng vọng, không làm chủ được lý trí. Thuộc chứng thực, do Tâm hỏa quá thịnh mà sanh bệnh.

– CƯ KINH 居经

Chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ bình thường không bị bệnh gì nhưng 3 tháng mới thấy kinh 1 lần.

– CỬ ÁN 举按

Phương pháp chẩn mạch. Tức dùng các ngón tay đặt lên nơi mạch đập để chẩn mạch.

– CỬ, ÁN, TẦM 举,按,寻

Một trong những phương pháp chẩn mạch. Khi xem mạch phải dùng lực của các ngón tay tùy theo thứ tự mà dùng lực ấn cũng khác nhau. Thường phân ra ba loại: 1) Dùng các ngón tay để nhẹ lên mạch thuộc bậc phù, gọi là Cử. 2) Hơi dùng lực ấn ngón tay xuống ở mức độ vừa phải thuộc bậc trung, đồng thời di chuyển ngón tay để tìm kiếm mạch, gọi là Tầm. 3) Ấn mạnh tay xuống sát xương thuộc bậc trầm, gọi là Án.

– CỬ ÁN SUY TẦM 举按推寻

Dùng các ngón tay di động tới lui, ấn nhẹ, ấn nặng, sang phải sang trái để bắt mạch. Qua đó mới xác định được mạch tượng chính xác.

– CỰ ÁN 拒按

Hiện tượng chối nắn ở các bệnh đau nhức khi thăm khám, thầy thuốc dùng tay ấn vào chỗ đau thì bệnh nhân kêu đau hoặc phủi tay không cho tiếp tục ấn thì gọi là cự án. Bệnh thường thuộc thực chứng.

– CỰ CỐT 巨骨

Tức Trụ cốt.

– CỰ PHÂN 巨分

Rãnh mũi mép ở hai bên miệng. Thiên ‘Ngũ sắc’ (Linh khu) ghi: “Cự phân là tương ứng 2 bên đùi”. Tức là xem màu sắc ở vùng cự phân để biết bệnh ở mặt trong đùi.

– CỰ THÍCH 巨刺

Tên phép châm xưa. Khi bệnh ở bên trái thì châm huyệt bên phải, bệnh ở bên phải thì châm huyệt bên trái.

– CƯỜNG ÂM 强阴

Phương pháp dùng thuốc bổ ích cho âm tinh. Thích hợp chữa chứng Thận âm hư mà sinh ra lưng đau mỏi, di tinh, tiểu nhiều. Tức là Bổ âm, Tư âm.

– CƯƠNG CHÍ 刚痓

Tức chứng Cương kính.

– CƯƠNG KÍNH 刚痉

Tên bệnh. Một trong các bệnh kính. Lâm sàng thấy phát sốt không mồ hôi, sợ lạnh, cổ gáy cứng đơ, đầu lắc lư, cấm khẩu, tay chân co quắp hoặc vọp bẻ, nặng thì uốn ván, mạch huyền khẩn.

– CƯƠNG PHỘC 僵仆

Đột nhiên ngã lăn ra bất tỉnh.

– CƯỜNG TRUNG 强中

Hiện tượng âm hành vô cớ cương cứng kéo dài không mềm bình thường, tinh dịch tự tiết ra. Bệnh này thường kèm theo các triệu chứng tiểu nhiều, môi miệng khô ráo. Nguyên nhân do Mệnh môn hỏa vọng động hoặc tình dục quá độ gây ra.

– CƯU VĨ 鸠尾

Tức xương ức đòn chũm. Chỗ đầu xương mỏ ác (phía trước ngực).

– CỨU DƯƠNG 救阳

Tức Hồi dương cứu nghịch.

– CỨU LÝ 救里

Phép chữa trị các bệnh biến tại phần lý.

– CỨU PHÁP 灸法

Phương pháp dùng lá Ngải cứu để khô lâu năm, vò nhuyễn như nhung. Khi dùng thì đặt lên trên huyệt vị một lát Gừng, lát Tỏi, hoặc một lớp Muối rồi mới lấy ngải nhung vo tròn to như hạt đậu xanh, đặt mồi ngải lên trên, châm lửa đốt cho mồi ngải tự cháy hết dần.

Cứu bằng Ngải điếu là dùng Ngải cứu vấn thành điếu thuốc, đốt một đầu cho cháy hơ lên huyệt vị cho tới khi vùng da chung quanh huyệt vị đỏ lên. Cũng có khi cứu gây phỏng.

– CỨU THOÁT 救脱

Phương pháp chữa các bệnh hư thoát, gồm có Cứu dương, và Cứu âm; ➊ Cứu dương tức là hồi dương cứu nghịch; ➋ Cứu âm tức là phương pháp chữa chứng vong âm. Thường dùng các loại thuốc ích khí dưỡng âm và thu liễm.

– CỪU 尻

Chỉ vùng mông đít nơi có xương cùng.

– CỪU 鼽

Tức chứng nghẹt mũi. Nguyên nhân do Phế khí suy hư, vệ khí không bền chặt, bên ngoài cảm thương hàn mà gây ra. Chứng thấy chảy nước mũi, hoặc nghẹt mũi, hắt hơi giống như chứng viêm mũi dị ứng.

– CỪU TỴ 鼽鼻

Tức chứng Cừu.

– CỬU ẤM 久瘖

Tên chứng bệnh. Tình trạng bệnh lâu ngày sinh ra tắc tiếng. Nguyên nhân phần nhiều thuộc hư chứng.

– CỬU BỆNH 久病

Bệnh lâu ngày.

– CỬU BIẾN THÍCH 九变刺

Tức Cửu thích.

– CỬU CHÂM 九针

9 loại kim châm như: Sàm châm, Hào châm, Viên châm, Đề châm, Phi châm, Phong châm, Viên lợi châm, Trường châm và Đại châm. Dùng để châm.

– CỬU CHỦNG TÂM THỐNG 九种心痛

Tên gọi chung các chứng đau trước ngực và vùng bụng trên. Chương ‘Tâm tạng’ (Thiên kim yếu phương) ghi: “Cửu chủng Tâm thống gồm: Trùng Tâm thống, Chú Tâm thống, Phong Tâm thống,  Quý Tâm thống, Thực Tâm thống, Ẩm Tâm thống, Lãnh Tâm thống, Nhiệt Tâm thống, Khứ lai Tâm thống”.

– CỬU KHÁI 久咳

Chứng ho lâu ngày không khỏi, ho lâu có nhiều đàm. Nguyên nhân phần nhiều thuộc Tỳ hư sinh đàm; ho lâu mà không có đàm. Nguyên nhân phần nhiều thuộc Phế âm bất túc

– CỬU KHIẾU 九窍

➊ Gồm 2 con mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, miệng, niệu đạo (hoặc âm đạo) và giang môn. ➋ Gồm 2 mắt, 2 lỗ tai, 2 lỗ mũi, miệng, lưỡi, cổ họng.

– CỬU LỴ 久痢

Bệnh kiết lỵ lâu ngày chữa không khỏi. Nguyên nhân do Tỳ Thận hư nhược, trung khí bất túc gây ra.

– CỬU NGƯỢC 久疟

Bệnh sốt rét kéo dài không khỏi. Nguyên nhân do Khí huyết lưỡng hư, Tỳ Vị hư hàn gây nên bệnh.

– CỬU NHIỆT THƯƠNG ÂM 久热伤阴

Mắc bệnh nhiệt lâu không khỏi, nhiệt tà hun đốt làm tân dịch hao tổn. Nếu tân dịch của Phế Vị bị tổn thương xuất hiện các chứng họng khô miệng ráo, phiền muộn khát nước, ho khan không có đàm, lưỡi đỏ khô, mạch tế sác. Nếu Can âm bị tổn thương thấy miệng lưỡi khô ráo, chân tay run rẩy, hồi hộp mệt mỏi, tai điếc, lưỡi run, lưỡi đỏ tía không rêu, mạch tế sác vô lực. Thường gặp ở bệnh nhiệt giai đoạn cuối.

– CỬU TẢ BẤT CHỈ 久泻不止

Chứng tiêu chảy lâu ngày không cầm. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Thận dương hư mà phát bệnh.

– CỬU TẠNG 九脏

Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, Vị, Đại trường, Tiểu trường và Bàng quang.

– CỬU THẤU 久嗽

Tức chứng Cửu khái.

– CỬU THÍCH 九刺

Chỉ 9 phép châm thích gồm: Du thích, Viễn đạo thích, Khinh thích, Lạc thích, Phân thích, Đại tả thích, Mao thích, Cự thích và Tôi thích.

– CỬU TRÌ SÁCH NHIÊN 久持索然

Một hiện tượng trong mạch chẩn. Khi đặt tay bắt mạch, để lâu mà không tìm thấy mạch, hoặc khi mới đặt tay vào, ứng dưới tay là phù đại, nhưng ấn sâu xuống lại khó tìm thấy. Hiện tượng này dù là bệnh mới mắc hay đã lâu, có sốt hay không sốt, đều do chính khí hư tổn.

– CỬU TRĨ 久痔

Tức chứng Giang lậu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

798