– OA TÍCH BẤT TOẠI 喎僻不遂

Chứng miệng méo, mắt xếch, chân tay không vận động được theo ý muốn. Miệng méo mà mắt không nhắm được, gọi là khẩu nhãn oa tà. Bệnh phần nhiều do tai biến mạch máu não hoặc di chứng của trúng phong gây nên.

– Ô ĐẦU LOẠI TRÚNG ĐỘC 乌头类中毒

Chỉ hiện tượng ngộ độc Ô đầu, Phụ tử, Thiên hùng. Biểu hiện bằng các triệu chứng miệng môi và tay chân tê rần, chóng mặt, xây xẩm, tiếng nói không rõ rệt, nhìn vật mơ hồ hoặc tim đập nhanh. Nặng thì xuất hiện rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật, hôn mê, giãn đồng tử và nhịp tim chậm dần, dẫn đến ngưng thở.

– Ô LẠI 乌癞

Do ác phong xâm nhập vào da và huyết phận, làm hao tổn huyết dịch mà xuất hiện ngoài da có cảm giác khác thường. Lúc mới phát thấy vùng da tại chỗ phát đen, ngứa, như có con gì bò, tiếp theo tay chân tê dại, mất cảm giác đau.

– Ô LUÂN XÍCH VỰNG 乌轮赤晕

Tức chứng Xích đới bào luân.

– Ô PHONG NỘI CHƯỚNG 乌风内障

Bệnh lý ở mắt, đồng tử giãn mà đục như kéo mây. Nguyên nhân do âm hư hỏa viêm, bên trong kèm có phong đàm gây ra. Thường thấy đau đầu, nhãn cầu đau nhức. Tương đương với chứng Thanh quang nhãn.

– Ô PHONG 乌风

Một trong năm thể bệnh nội chướng của mắt. Tức Ngũ phong nội chướng.

– Ô SA 乌痧

Triệu chứng sa độc nung nấu ở cơ nhục, phần huyết, toàn thân trướng đau khó chịu và sắc mặt đen xì, ngoài da nổi ban đen. Tức Sa khí.

– Ô SA KINH PHONG 乌痧惊风

Bệnh lý ở trẻ em. Xuất hiện triệu chứng kinh phong, toàn thân đỏ, phiền táo không yên.

– OÁ HÀN 恶寒

Sợ lạnh. Nguyên nhân do cảm phải hàn tà, hoặc do dương hư, đàm ẩm uất hỏa gây ra.

– OÁ NHẬT 恶日

Tức Úy quang. Xem chi tiết ở mục này.

– OÁ NHIỆT 恶热

Sợ nhiệt. Một loại chứng trạng do nhiệt tà nhập lý. Cũng có thể gặp ở trong các bệnh nội thương khác. Như ăn uống quá độ, nhiệt tà tích ở trong Vị, hoặc do âm hư, dương khí không còn chỗ nương dựa, bốc ra ngoài biểu.

– OÁ PHONG 恶风

Sợ gió, thường do ngoại tà làm tổn thương vệ khí gây ra.

– Ố THỰC 恶食

Tức là Yếm ác ẩm thực (hiện tượng chán ăn). Nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ mà bị thương tổn, thức ăn không tiêu hóa sinh ra bệnh. Cũng có thể do Tỳ Vị khí hư, vận hóa thất thường gây ra.

– Ố TRỞ 恶阻

Tức chứng Nhâm thần ố trở (nôn ọe khi có thai).

– OÁC LẬU MẠCH 屋漏脉

Một trong ‘thất quái mạch’. Mạch đập lâu lâu mới có một lần, khoảng cách không đều nhau, thỉnh thoảng nhỏ một giọt như giọt nước mái nhà tranh bị dột.

– ỔI 煨

Phương pháp chế biến thuốc. Bọc giấy ướt bên ngoài dược vật rồi đem vùi vào than nóng cho đến khi giấy bọc cháy hết là được. Phương pháp này hút ra được dầu có trong dược vật. Thường áp dụng để chế Nhục đậu kkhấu, nhằm tránh khả năng gây nôn mửa; hoặc đem vùi nóng Sinh khương, cũng nhằm giảm nhẹ tính phát tán và phát huy tính ấm.

– ÔN 瘟

Tức Ôn dịch.

– ÔN BỆNH HỌC THUYẾT 温病学说

Là một học thuyết xuất phát từ đời Minh, Thanh. Trên cơ sở tổng kết các kinh nghiệm điều trị của tiền nhân đối với bệnh Thương hàn. Thông qua thời gian dài thực tế trên lâm sàng để có được các hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân, cơ chế phát sinh bệnh và phương pháp điều trị bệnh ôn nhiệt, từng bước hình thành và hoàn chỉnh.

– ÔN BỆNH HỌC 温病学

Là môn học nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế phát sinh bệnh và phương pháp điều trị bệnh ôn nhiệt.

– ÔN BỆNH PHÁI 温病派

Một trường phái do các thày thuốc đề xướng và thành lập, chuyên nghiên cứu và chữa trị các bệnh ôn nhiệt. Các thày thuốc đã xây dựng thành một môn phái y học lớn, đời sau gọi tên là Ôn bệnh phái.

– ÔN BỆNH 温病

❶ Bệnh ôn nhiệt. Tên gọi chung cho nhiều loại bệnh ngoại cảm tính nhiệt. Lúc mới phát bệnh tình thường gấp, nhiệt thịnh, mức độ truyền biến nhanh, dễ làm tổn thương âm dịch.          ❷ Một trong năm loại chứng thương hàn.        ❸ Các bệnh nhiệt phát sinh vào mùa xuân.

– ÔN BỔ HUYẾT PHẬN 温补血分

Tức Ôn huyết.

– ÔN BỔ MỆNH MÔN 温补命门

Còn gọi là bổ hỏa sinh thổ. Phương pháp điều trị dùng thuốc có tác dụng tráng dương bổ hỏa, khôi phục Tỳ Thận dương khí bị suy hư. Thích hợp chữa Mệnh môn hỏa bất túc. Thường thấy đi cầu vào lúc sáng sớm, đau bụng, sôi ruột, tay chân lạnh, chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm trì.

– ÔN CHÂM 温针

Phương pháp điều trị ứng dụng phép châm, đồng thời hỗ trợ bằng hơ ấm. Nói chung, sau khi đã châm kim vào huyệt vị cần châm, phần thân kim hoặc chuôi kim gài viên ngải nhung rồi châm lửa, khiến sức nóng thông qua thân kim truyền vào cơ thể để đạt mục đích điều trị.

– ÔN DỊCH 瘟疫

Chỉ các bệnh truyền nhiễm cấp tính, ôn dịch.

– ÔN DỊCH LUẬN 温疫论

1642, Ngô Hữu Tính (Hựu Khả), đời Minh, Trung quốc. Gồm 2 quyển. Nêu rõ bệnh ôn dịch là do nhiễm phải lệ khí qua đường mũi, miệng thâm nhập vào cơ thể, ẩn náu ở mô nguyên, tà khí ở khoảng bán biểu bán lý, có chín bước truyền biến, biện chứng và trị liệu khác với bệnh thương hàn.

– ÔN DỊCH PHÁT BAN 温疫发斑

Tức Thời dịch phát ban.

– ÔN DƯƠNG 温阳

Phương pháp ôn thông dương khí. Bao gồm hai phương pháp Hồi dương cứu nghịch và Ôn trung khu hàn.

– ÔN DƯƠNG LỢI THẤP 温阳利湿

Còn gọi là hóa khí lợi thủy. Phương pháp chữa chứng hàn thủy lấn át dương khí, phát sinh chứng tiểu không thông. Trên lâm sàng thường dùng chung các loại thuốc ôn dương hóa khí và thuốc kiện Tỳ lợi thủy để làm thông tiểu tiện.

– ÔN DƯƠNG LỢI THỦY 温阳利水

Dùng các vị thuốc có tính ôn, để chữa chứng Tỳ Thận dương hư, thúc đẩy thủy dịch trong cơ thể theo đường tiểu bài xuất ra ngoài.

– ƠN DƯỠNG温养

Phương pháp sử dụng thuốc. Dùng vị thuốc có tính ôn, có tác dụng bổ ích để bổ dưỡng chính khí.

– ÔN ĐỘC 温毒

Loại bệnh cảm nhiễm cấp tính do cảm phải độc khí từ thời tiết nóng bức gây ra bệnh. Bệnh thường phát vào mùa đông, xuân. Đặc trưng lâm sàng là sốt cao, đầu, mặt hoặc họng sưng đau, nổi ban chẩn xuất huyết, đột nhiên lạnh run rồi lại sốt cao, đau đầu, phiền táo, miệng khát, rêu lưỡi vàng, lưỡi đỏ, mạch hồng sác. Bệnh này thường gặp trong các bệnh quai bị, tinh hồng nhiệt, ban chẩn, thương hàn.

– ÔN ĐỘC PHÁT BAN 温毒发班

Một chứng trạng của bệnh ôn độc. Do độc tà của bệnh ôn nhiệt xâm phạm vào các bộ phận trong cơ thể, làm ảnh hưởng doanh huyết, thấu ra ngoài da thành nốt ban có màu sắc đỏ hoặc đỏ sậm.

– ÔN HẠ 温下

Phương hướng sử dụng thuốc. Dùng các loại thuốc có tính ấm, có tác dụng gây đi ngoài hoặc phối hợp cùng dùng thuốc có tính ôn nhiệt với thuốc tả hạ hoặc thuốc có tính hàn để chữa thực chứng có tích trệ ở phần lý. Chứng thấy bụng đầy cứng, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm huyền hoặc trầm trì.

– ÔN HÒA CỨU 温和灸

Phép cứu bằng điếu ngải. Châm lửa vào một đầu điếu ngải, đặt lên trên huyệt vị với một khoảng cách nhất định khiến bệnh nhân có cảm giác ấm vừa phải, không để nóng rát quá. Nói chung phương pháp cứu ôn hòa thường từ 10 đến 15 phút.

– ÔN HÓA KHỬ Ứ 温化祛瘀

Tức ôn huyết.

– ÔN HOÀNG 瘟黄

Tên bệnh. Trạng thái vừa mắc phải bệnh vàng da đồng thời cảm nhiễm thời khí độc và thấp nhiệt độc hóa hỏa, xâm nhập sâu vào doanh huyết gây nên. Có chứng trạng: Khắp mình đều vàng, sốt cao, hôn mê, phiền khát, trướng bụng đau tức hông sườn, chảy máu mũi, đại tiện ra máu hoặc phát ban chẩn, lưỡi tía, rêu lưỡi vàng ráo, mạch huyền hồng.

– ÔN HUYẾT 温血

Phương pháp chữa huyết phận nhiễm hàn tà, Có 2 cách:

❶ Ôn bổ huyết phận. Dùng các loại thuốc có vị ngọt tính ấm để chữa các chứng do khí huyết suy nhược dẫn đến băng lậu, ói ra máu, chất lưỡi nhạt, mạch hư vô lực. ❷ Ôn hóa ứ huyết. Phương pháp chữa chứng ứ huyết ứ trệ lại ở bên trong do hàn khí gây ra.

– ÔN KHAI 温开

Tức Trục hàn khai khiếu.

– ÔN KINH KHU HÀN 温经祛寒

Phương pháp ôn thông kinh lạc, khu tán hàn tà. Thích hợp chữa hàn tà ngưng ở trệ kinh lạc, sự vận hành của khí huyết bị cản trở. Chứng thấy khớp xương đau nhức, chỗ đau cố định, ngày nhẹ đêm nặng, hoặc kinh nguyệt không đều.

– ÔN MA 温麻

Chứng sởi mọc do cảm thụ khí ôn nhiệt dịch lệ mà phát sinh. Thường thấy sốt cao, phiền khát, sởi mọc dày đặc mà đỏ tươi.

– ÔN NGƯỢC 温疟

Bên trong có phục nhiệt, đến mùa hạ lại cảm nhiễm phải thử nhiệt mới phát bệnh sốt rét, gọi là ôn ngược.

– ÔN NHIỆT 温热

➊ Một trong các bệnh tà. Ôn tà, hoặc Nhiệt tà. ➋ Ôn bệnh, tên gọi chung các loại bệnh táo nhiệt.

– ÔN NHIỆT BỆNH 温热病

Tức ôn bệnh.

– ÔN NHIỆT ĐIỀU BIỆN 温热倏辨

1798, Ngô Đường (Cúc Thông), đời Thanh, Trung quốc. Gồm 6 quyển. Căn cứ vào học thuyết ôn nhiệt bệnh của Diệp Quế, nêu rõ bệnh ôn nhiệt có chia ra truyền biến theo Tam tiêu, khái quát chứng bệnh và cách chữa phong ôn, ôn độc, thử ôn, thấp ôn…

– ÔN NHIỆT KINH Vĩ 温热经纬

1852, Vương Sĩ Hùng (Mạnh Anh), đời Thanh, Trung quốc. Gồm 5 quyển. Sưu tập các sách viết về bệnh ôn nhiệt; lấy các luận thuyết của Nội kinh, Trương Trọng Cảnh làm kinh và lấy các luận thuyết của Diệp Thiên Sĩ, Tiết Sinh Bạch, Trần Bình Bá, Dư Sư Ngu làm vĩ, phân biệt phục khí với ngoại cảm của ôn bệnh. Nội dung sách rất phong phú.

– ÔN NHIỆT KÍNH 温热痉

Chứng kính (co giật) do ôn nhiệt tà xâm nhập vào kinh lạc gây ra bệnh. Thường thấy sốt cao, phiền khát, mồ hôi nhiều, tinh thần hôn mê, tay chân co giật, nặng thì uốn ván, mạch hồng sác.

– ÔN NHIỆT LUẬN 温热论

1746, Diệp Quế (Thiên Sĩ), đời Thanh, Trung quốc. 1 quyển. Bàn luận chứng trị bệnh ôn nhiệt. Lấy 12 chữ “cảm nhiễm ôn tà ở trên, phạm Phế trước, nghịch truyền Tâm bào” làm cương lĩnh, biện chứng theo 4 bước: vệ, khí, doanh, huyết; đúc kết cách chữa bệnh chứng phong ôn, thấp nhiệt. Đây là bước phát triển mới trong điều trị nhiệt bệnh cấp tính.

– ÔN PHÁP 温法

Còn gọi là phép khu hàn. Dùng các vị thuốc có tính nóng ấm để chữa các chứng hàn. Phép ôn bao gồm Ôn trung khu hàn, Ôn kinh khu hàn, Hồi dương cứu nghịch, Cam ôn trừ nhiệt.

– ÔN THẤP 温粉

Thuốc bột xoa.

– ÔN PHỤC 温服

Uống thuốc khi nước thuốc còn âm ấm, không nóng quá cũng không nguội quá. Nói chung các thứ thuốc có tính chất bổ dưỡng, ôn dưỡng đều nên uống ấm. Hiện nay phần nhiều các loại thuốc sắc đều dùng phép ôn phục.

– ÔN SA 瘟痧

Bệnh truyền nhiễm do hàn khí uất phục, đến mùa xuân mới phát; hoặc thử nhiệt ngưng trệ đến mùa thu mới phát. Triệu chứng: sợ lạnh phát sốt, hoặc đau lưng, đầu mặt sưng đau hoặc hơi thở gấp, ngực đầy tức hoặc hạ lỵ ra mủ máu.

– ÔN TÀ 温邪

Tên gọi chung các bệnh nhiệt có nguyên nhân từ bên ngoài. Trên lâm sàng thường gặp một số loại bệnh ôn nhiệt như xuân ôn, phong ôn, thử ôn, phục thử, thấp ôn, thu táo, đông ôn, ôn dịch, ôn độc, ôn ngược… đều thuộc phạm vi ôn tà.

– ÔN TÀ PHẠM PHẾ 温邪犯肺

Bệnh lý ôn nhiệt tà khí xâm phạm kinh Phế. Thường thấy phát sốt, ho, miệng khô, khát nước hoặc họng sưng đỏ đau, rìa lưỡi và đầu lưỡi đỏ, mạch phù sác…

– ÔN TÀ THƯỢNG THỤ 温邪上受

Quan điểm bệnh lý. Diệp Thiên Sĩ, trong sách ‘Ôn nhiệt luận cho rằng: Chẳng những chỉ một loại ôn tà cụ thể nào đó cảm nhiễm theo con đường miệng mũi, mà là quy luật chung của phần lớn ngoại cảm nhiệt bệnh, đều bắt đầu xâm phạm từ thượng tiêu Phế kinh, xuất hiện các triệu chứng của phần vệ như phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, ho, không mồ hôi hoặc có ít mồ hôi, khát nước, mạch phù sác, rêu lưỡi trắng mỏng.

 

– ÔN TÁO 温燥

Bệnh do cảm nhiễm táo khí nóng nực hanh khô của mùa thu, tức là thu táo nghiêng về nhiệt nhiều hơn, Biểu hiện lâm sàng: Thoạt tiên có các chứng đau đầu, mình nóng, ho khan không có đờm, khạc ra đờm loãng dính, khí nghịch mà suyễn, khô ráo và đau họng, mũi khô, môi ráo, ngực đầy, sườn đau, tâm phiền, khát nước, rêu lưỡi trắng mỏng mà khô, rìa lưỡi và đầu lưỡi đều đỏ. Các triệu chứng trên do Phế cảm nhiễm tà khí ôn táo, tân dịch của Phế bị hun đốt gây nên các chứng trạng về táo nhiệt.

– ÔN THẬN TRỢ DƯƠNG 温肾助阳

Dùng các loại thuốc ôn bổ Thận dương để chữa Thận dương hư suy. Thích hợp chữa các chứng do Thận dương hư suy mà phát bệnh như: Ngũ canh tả, viêm thận mạn tính.

– ÔN THẬN 温肾

Còn gọi là bổ Thận dương. Phương pháp chữa Thận dương hư. Thích hợp chữa Thận dương bất túc. Thường thấy lưng lạnh đau, yếu sức, dương nuy, tiểu lắt nhắt, lưỡi nhạt, rêu trắng. mạch trầm nhược.

– ÔN THẬN LỢI THUỶ 温肾利水

Phương pháp chữa phù thũng do Thận dương hư gây nên. Tức là dùng các vị thuốc ôn bổ Thận dương để lợi thủy, nhằm chữa Thận dương hư, khí hóa không lợi, thủy thấp trệ đọng ở bên trong.

– ÔN THỦY TẠNG 温水脏

Tức ôn Thận.

– ÔN TRUNG KHU HÀN 温中祛寒

Một trong phép ôn. Dùng chữa Tỳ Vị dương hư, âm hàn thịnh ở bên trong. Thích hợp chữa các chứng Tỳ Vị hư hàn. Triệu chứng: ăn không tiêu, nôn ói ra nước trong, đại tiện lỏng nhão, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm tế.

– ÔN TỲ 温脾

Phương pháp dùng các vị thuốc có tác dụng ôn trung khu hàn để chữa chứng Tỳ Vị hư hàn.

– ÔN VỊ KIỆN TRUNG 温胃健中

Phương pháp chữa Vị khí hư hàn. Bệnh nhân thường đau âm ỉ ở vùng thượng quản. Sau khi ăn vào thì giảm đau, nôn ói ra nước trong, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch tế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

798