– Y ÁN 医案

Tức bệnh án. Những ghi chép của thầy thuốc trong quá trình điều trị, được ghi lại để tiện việc theo dõi. bao gồm cả họ tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, bệnh lý, biện chứng, trị liệu và tiên lượng.

– Y CÔNG 医工

Người làm thuốc (tên gọi chung đời xưa). Y công là từ  được nhắc rất sớm trong “Nội kinh”. Đời Hán có chức Y công trưởng dùng để chỉ những người trông coi thuốc men trong cung đình. Đời Đường còn có các chức vụ Y công, Châm công. Những chức vụ này thấp hơn y sư, châm sư, và cao hơn y sinh, châm sinh.  Ngày nay Y công dùng chỉ người phụ việc cho các thầy thuốc hoặc trong các cơ sở y tế.

– Y HỌC CHÍNH TRUYỀN 医学正传

1515, Ngu Đoàn, đời Minh, Trung quốc biên soạn. Gồm 8 quyển. Ở đầu sách, liệt kê 50 điều nghi hoặc ‘hoặc vấn’của y học, kế đến rồi mới ghi chép các bệnh chứng thường gặp trên lâm sàng các khoa. Ở  chứng có phân môn loại, ở mỗi môn trước tiên nói về chứng, kế đến nói về mạch, sau cùng nói về phương thuốc. Nói đến học thuật thì lấy học thuyết Đan Khê làm gốc; tổng luận các bệnh lấy yếu chỉ ở ‘Nội Kinh’ làm đề cương. Phép xem mạch thì dựa theo ‘Mạch Kinh’ của Vương Thúc Hòa. Luận về Thương hàn thì theo Trương Trọng Cảnh, trị nội thương theo Lý Đông Viên, trị trẻ con theo Tiền Ất. Sách còn tham khảo học thuyết của các y gia, cộng với kinh nghiệm gia truyền và lý  luận của cá nhân. Trong sách, đối với bùa chú, đồng bóng, thuyết vận khí, và suy đoán thời gian mắc bệnh, bệnh chứng và đưa ra các phép trị mơ hồ. Ông đều có lời phê phán.

– Y HỌC NGUYÊN LƯU LUẬN 医学源流论

1764, Từ Đại Xuân (Linh Thai, Hồi Khê), đời Thanh, Trung quốc. Gồm 2 quyển. Chia ra 7 môn: Kinh lạc tạng phủ, mạch, bệnh, phương dược, trị pháp và thư luận…

– Y HỌC NHẬP MÔN  医学入门

Sách thuốc gồm có 9 quyển viết vào đời nhà Minh, Trung quốc. Do Lý Diên biên soạn vào năm 1575. Sách tập hợp các tài liệu của các y gia. Nội dung bao gồm có y học lược luận, Y gia truyền lược, bản thảo, nội, ngoại, phụ, nhi các khoa và cấp cứu. Sách được viết dưới hình thức ca phú có cả chú thích để thuyết minh, đồng thời có thêm phần kiến giải của tác giả. Là một cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn cho các y sinh sau này.

– Y HỌC TAM TỰ KINH 医学三字经

Sách thuốc gồm 4 quyển do Trần Niệm Tổ đời nhà Thanh, Trung quốc biên soạn vào năm 1804. Sách được viết theo lối ca quyết nhưng chỉ có 3 chữ vì thế mới được gọi là “Y học tam tự kinh”. Phần phụ lục có chú giải. Trong quyển 1~2 ngoại trừ chương Y học nguyên lưu ra phần còn lại giới thiệu các bệnh chứng thường gặp của nội, phụ, nhi, chẩn đoán và điều trị. Quyển 3~4 giới thiệu các phương thuốc thường dùng. Sách viết đơn giản, dễ hiểu nên được lưu truyền rộng rãi trong y giới. Nhưng sách cũng có hạn chế là có quan điểm quá tôn sùng các kiến thức cổ nên không phù hợp với sự phát triển của y học ngày nay.

– Y HỌC QUẢNG BÚT KÝ 医学广笔记

Tức ‘Tiên Tỉnh Trai y học quảng bút ký’.

– Y HỌC TÂM NGỘ 医学心悟

1732, Do Trình Quốc Bành, Đời Thanh, Trung quốc biên soạn. Gồm 5 quyển. Quyển 1 ghi chép những lý luận của tứ chẩn, bát cương và bát pháp. Nguyên tắc điều trị vận dụng vào thực tiễn trên lâm sàng. Quyển 2 ghi chép các lý luận chứng trị của “Thương hàn luận”. Quyển 3~5 ghi chép các biện chứng luận trị chủ yếu của bệnh chứng trong các khoa   nội, ngoại, phụ sản, ngũ quan. Mỗi chứng lại có ghi chép rõ về nguyên nhân gây bệnh, bệnh trạng, chẩn đoán và điều trị. Sách phân loại rõ ràng, ghi chép dễ hiểu, phương thuốc sử dụng thường dựa vào thực tế đồng thời đưa vào kinh nghiệm điều trị của tác giả nên có ảnh hưởng rất lớn đối với các y gia sau này.

– Y HỌC YẾU GIẢI TẬP CHÚ 医学要解集注

1466, Chu Văn An, đời Trần. Sách ghi chép các bệnh án và kinh nghiệm điều trị. Nhất là kinh nghiệm chữa các bệnh dịch.

– Y KINH 医经

Những tác phẩm đông y cổ điển. Được các y gia biên soạn ghi lại những kinh nghiệm chữa bệnh, những phương thuốc hay của bản thân hoặc của các y gia đời trước để lưu lại cho các thế hệ sau này. Thí dụ như Hoàng đế nội kinh, Linh khu, Bản thảo cương mục… đều được gọi là y kinh.

– Y LÂM 医林

Tức y giới (trong hành văn cổ đại hoặc cận đại, dùng từ y lâm để chỉ người làm ngành y).

– Y LÂM CẢI THÁC 医林改错

1830, Vương Thanh Nhậm, Đời Thanh, Trung Quốc. Gồm 2 quyển. Tác giả đã dành thời gian hơn 10 năm kiên trì quan sát và nghiên cứu thi thể, đích thân ông đã đến nghĩa địa và pháp trường nơi hành hình phạm nhân để quan sát tạng phủ của các thi thể phạm nhân. Về sau mới viết thành cuốn sách này. Đối với sự nghiên cứu về tạng phủ con người do nhờ nhiều năm quan sát cơ thể của người chết nên vẽ thành bức đồ họa. Đồng thời ông đã đính chính một số sai lầm của người xưa về tạng phủ, phát hiện một số bộ phận trong thân thể mà người xưa chưa đề cập, đồng thời chỉ chính xác một số hiện tượng sinh lý, bệnh lý trọng yếu. Trên lâm sàng về mặt điều trị đối với các chứng huyết ứ, bán thân bất toại ông cũng có những phát hiện độc đáo. Và sáng chế ra phương thuốc hoạt huyết hóa ứ cho đến nay cũng còn có giá trị thực dụng. Tuy nhiên vì sự hạn chế của điều kiện lịch sử, nên sự quan sát tạng phủ của ông vẫn còn có chỗ ức đoán và sai lầm.

– Y LUẬN 医论

Tác phẩm chuyên luận về học thuật chuyên môn y học của cá nhân thầy thuốc (tương đương với luận án y học hiện nay).

– Y THOẠI 医话

Các mẫu đối thoại của các thầy thuốc ghi lại những kinh nghiệm chữa bệnh trong quá trình điều trị trên lâm sàng, lĩnh hội được trong việc đọc sách, hoặc thảo luận những vấn đề có liên quan đến y học.

– YỂM 罨

Dùng khăn lông nhúng nước cho ướt đắp lên chỗ có bệnh.

– YÊN CỪU SANG 湮尻疮

Tức chứng Hồng đồn 红臀.

– YẾT 咽

Xoang miệng vùng mũi họng, hầu họng, thông qua họng, nối liền với xoang mũi, tiếp đến yết hầu và thực quản.

– YẾT 暍

Tức Trúng thử.

– YẾT HẦU 咽喉

➊ Tức xoang miệng. ➋ Từ chung để chỉ hầu và họng.

– YẾT HẦU UNG 咽喉痈

Còn gọi là lý hầu ung. Ung nhọt sinh ra ở hầu họng mưng mủ. Nguyên nhân do phong nhiệt độc quá thịnh làm cho cổ họng sưng lên, nóng đỏ gây đau, nuốt khó khăn, kèm theo các chứng trạng toàn thân phát sốt và đau đầu.

– YẾT ÍCH 咽嗌

Tức Yết.

– YẾT MÔN 咽门

Yết môn. Bên trong khoang họng là cửa vào của yết hầu. Đồ ăn uống phải qua yết môn mới xuống được thực quản.

– YÊU 腰

Vùng lưng. Tính từ đốt xương sống thứ 12 trở xuống đến điểm tiếp giáp hai mõm xương hông gọi là yêu.

– YÊU BỐI THỐNG 腰背痛

Hiện tượng lưng, thắt lưng đau. Nguyên nhân do Thận khí hư suy, hoặc do phong thấp nhân lúc cơ thể suy yếu mà xâm nhập vào kinh lạc mà phát sinh bệnh.

– YÊU CỐT TỔN ĐOẠN 腰骨损断

Tình trạng gãy xương sống vùng thắt lưng, xuất hiện đau trằn, vùng cục bộ sưng trướng gây đau, xương biến dạng, mọi hoạt động bị giới hạn, nặng thì ảnh hưởng đến tủy sống, xuất hiện hiện tượng tê dại hoặc bại liệt.

– YÊU CỪU THỐNG 腰尻痛

Tình trạng đau nhức xương sống vùng thắt lưng. Nguyên nhân do Thận tạng hư suy mà gây ra.

– YÊU THỐNG腰痛

Hiện tượng đau một bên hay cả hai bên thăng lưng đau, hoặc đau lan đến xương sống. Nguyên nhân do mệt nhọc quá độ, Thận khí khuy tổn hoặc do cảm thụ ngoại tà, hoặc do ngoại thương làm tổn thương kinh lạc vùng lưng. Cũng có khi sự vận hành của khí huyết không thông sướng đều dẫn đến chứng đau lưng.

– YÊU TÍCH THỐNG 腰脊痛

Tình trạng xương sống và vùng phụ cận đau nhức. Nguyên nhân do vùng lưng bị tổn thương, huyết ứ trệ lại gây đau, hoặc Thận hư nội nhiệt đều có thể dẫn đến chứng này.

– YÊU TOAN 腰酸

Tình trạng lưng có cảm giác đau mỏi. Phần nhiều do phòng sự quá độ mà phát bệnh.

– YÊU TRỤ 腰柱

Dụng cụ dùng để cố định xương sống (bị gãy).

– YỂU NHIÊN BẤT TRẠCH 夭然不泽

Sắc mặt tiều tụy kém tươi do mắc bệnh mạn tính. Nếu người mắc bệnh lâu ngày mà lộ rõ sắc mặt khô héo kém tươi, là dấu hiệu khí huyết khuy tổn, Vị khí sắp kiệt.

– YỂU THƯ 夭疽

Chứng ung nhọt mọc ở sau lỗ tai hoặc sau xương nhũ đột. Nguyên nhân thường do Đởm kinh có ứ huyết uất kết mà phát bệnh. Do bộ vị mọc ở trên đầu nên tà độc dễ lan rộng và chuyển sang ác tính.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

798