Bệnh đái đường thuộc phạm vi chứng tiêu khát của y học cổ truyền với ba triệu chứng chủ yếu ăn nhiều uống nhiều tiểu tiện nhiều. Nguyên nhân của tiểu đường theo đông y là do ăn uống nhiều đồ cay, béo, ngọt. Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mạn tính làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Liệu có thể dùng thuốc đông y chữa bệnh tiểu đường hay không?
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Theo Tây Y, tiểu đường là một hội chứng thiếu hoàn toàn hoặc một phần insulin, đặc trưng bởi sự không dung nạp glucose, thay đổi chuyển hoá lipid và protein mà thể hiện rõ nhất là sự tăng đường huyết. Về sau sẽ dẫn đến các biến chứng như bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh. Bệnh nhân tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhiều.
Trong Đông y không có khái niệm bệnh tiểu đường nhưng xét trên triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhiều thì bệnh tiểu đường thuộc phạm vi chứng tiêu khát. Nguyên nhân của tiểu đường theo đông y là do ăn uống nhiều đồ cay, béo, ngọt: do sang chấn tinh thần tạo thành hỏa nhiệt, uất nhiệt làm phần âm của các tạng phủ, vị, thận bị hao tổn. Hỏa làm phế hư gây chứng khát; vị âm hư gây đói nhiều, người gầy; thận âm hư không tàng trữ tinh hoa của ngũ cốc gây tiểu tiện nhiều ra chất đường.
2. Thuốc đông y chữa bệnh tiểu đường được không?
Phương pháp đông y chữa tiểu đường dựa trên nguyên tắc chung lấy dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân dịch là cơ sở. Nhưng trên lâm sàng hội chứng của bệnh đái đường có nhiều khi thiên về khát nhiều, thiên về đói nhiều hoặc một số bệnh nhân lại thiên về tiểu tiện nhiều nên cách chữa còn theo triệu chứng mà có trọng điểm gia giảm. Vì thận là nguồn gốc của âm dịch và nơi tàng trữ tinh vi của ngũ cốc nên vẫn lấy bổ thận âm làm chính. Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc đông y chữa bệnh tiểu đường như sau
2.1. Bài thuốc đông y chữa tiểu đường 1
Sinh địa: 40g
Thạch cao: 40g
Thổ Hoàng Liên:16g
Cách dùng: Sắc uống
2.2. Bài thuốc đông y chữa tiểu đường 2
Hoài sơn (tán bột): 12g
Tụy lợn (sấy khô tán bột): 8g
Ý dĩ (tán bột): 8g
Cát căn (tán bột: 8g
Chia thành phẩm thành các gói 5g uống, một ngày 4 đến 8 gói Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ
2.3. Bài thuốc đông y chữa tiểu đường 3
Thạch cao: 20g
Sa sâm: 12g
Thiên Môn: 12g
Mạch môn: 12g
Hoài Sơn: 12g
Ý dĩ: 12g
Biển đậu: 12g
Tâm sen: 8g
Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu khát nhiều thêm tang bạch bì 8g, Thiên hoa phấn 8g. Nếu đói nhiều thêm Hoàng Liên 8g, còn nếu đái nhiều thêm Khởi tử 12g, thạch hộc 8g.
2.3. Bài thuốc đông y chữa tiểu đường 4 – Lục vị hoàn (thang) gia giảm
Sinh địa hay thục địa: 20g
Hoài Sơn: 20g
Sơn thù: 8g
Đan bì: 12g
Kỷ tử: 12g
Thạch hộc: 12g
Thiên hoa phấn: 8g
Sa sâm: 8g
Nếu khát nhiều thêm Thạch cao 40g, đói nhiều thêm Hoàng Liên 8g, đái nhiều ra đường thêm Ích nhân 8g, tang phiêu tiêu 8g, Ngũ vị tử 6g, nếu thận dương hư bỏ Thiên hoa phấn, Sa sâm thêm Phụ tử chế 8g, nhục quế 4g (là bài bát vị quế phụ).
Theo một số tài liệu, căn cứ vào triệu chứng thiên lệch chủ yếu về khát hay đói hoặc tiểu tiện nhiều để phân chia ra vị trí và tạng phụ, chia ra các loại hình của bệnh và có cách chữa, dùng thuốc và sử dụng bài thuốc thích hợp, cụ thể:
Nếu khát uống nước nhiều, họng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch sác thuộc thượng tiêu, phế thì sử dụng phương pháp chữa trị là dưỡng âm dụng phế dùng bài Thiên hoa phấn thang (Thiên hoa phấn 20g, sinh địa 16g, mạch môn 16g, cam thảo 6g, ngũ vị tử 8g, gạo nếp 16g)
Nếu ăn nhiều, đói nhiều, người gầy, khát, đái nhiều, đại tiện táo, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch hoạt sác, thuộc vị âm hư, trung tiêu, phương pháp chữa dưỡng vị sinh tân (dùng các thuốc đắng lạnh thanh vị hỏa), dùng bài Tang dịch thang (Huyền sâm 16g, sinh địa 16g, mạch môn 12g, Thiên hoa phấn 16g, Hoàng liên 6g, nếu bệnh nhân bị táo bón thì sử dụng thêm Đại hoàng 8-12g).
Nếu tiểu tiện nhiều, đái ra đường, miệng khát, hồi hộp, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi đỏ, không rêu, mạch tế sác là do thận dương hư. Theo đông y, các triệu chứng thuộc thận là bệnh ở hạ tiêu. Nếu do thận âm hư, phương pháp chữa là bổ thận âm sinh tân dịch dùng bài Lục vị hoàn thang gia giảm như trên. Nếu do thận dương hư phương pháp chữa là âm thận dương sáp niệu, dùng bài Bát vị quế phụ thêm các thuốc ông thận sáp niệu như Kim anh tử, Khiếm thực, Sơn thù, Tang phiêu tiêu,…
3. Một số vị thuốc nam điều trị tiểu đường
Trong các bài thuốc, có một số vị thuốc nam được sử dụng để hỗ trợ điều trị tiểu đường như cây chè đắng, dây thìa canh, giảo cổ lam,…
3.1. Chè đắng
Theo Y học cổ truyền, chè đắng có công dụng hỗ trợ trong điều trị bệnh tiểu đường nhờ tác dụng làm hạ nồng độ đường trong máu máu. Ngoài ra, chè đắng còn có tác dụng là giảm cholesterol, giảm mỡ máu, giảm chứng cao huyết áp, chống oxy hóa và tăng cường lưu thông máu.
3.2. Dây thìa canh
Dây thìa canh cũng được sử dụng trong nhân gian để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường theo đông y. Công dụng của dây thìa canh làm giảm giảm sự hấp thu glucose ở ruột; giảm quá trình tân tạo glucose tại gan. Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng phục hồi tế bào beta tiết insulin ở đảo tụy, tăng sản xuất insulin; giúp tăng khả năng sử dụng glucose ở mô và cơ.
Dây thìa canh có còn tác dụng với mỡ máu nhờ tác động lên chuyển hóa lipid, làm tăng bài tiết cholesterol qua phân; giảm cholesterol toàn phần và triglycerid trong máu.
3.3. Giảo cổ lam
Bệnh nhân bị tiểu đường thường kèm theo tình trạng rối loạn lipid máu. Theo các nghiên cứu, giảm cổ lam có khả năng hạ đường huyết cũng như hạ cholesterol máu. Ngoài ra, thành phần hoạt chất saponin có trong giảo cổ lam còn có tác dụng chống viêm, bảo vệ tế bào gan. Sử dụng Giảo cổ lam có khả năng bảo tồn các tế bào beta tụy tiết insulin và tiểu đảo Langerhans.
Như vậy, cây thuốc nam và các bài thuốc đông y chữa tiểu đường có hiệu quả giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng tăng đường huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý là không tự ý sử dụng khi chưa có sự tư vấn của các bác sĩ. Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi đường huyết thường xuyên và tuân thủ sự điều trị của bác sĩ để tránh tình trạng tăng hoặc giảm đường huyết quá mức.