TỔNG QUAN VỀ RỐI LOẠN NỘI TIẾT TỐ

THÔNG TIN VỀ BỆNH RỐI LOẠN NỘI TIẾT TỐ

Rối loạn nội tiết tố nữ xảy ra khi cơ thể có quá nhiều hoặc quá ít một hormone sinh dục, gây ra những thay đổi về thể chất, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Một vài rối loạn hormone là tạm thời trong khi số khác là mãn tính. Một số trường hợp mất cân bằng hormone ảnh hưởng đến sức khỏe cần được điều trị, trong khi số khác là sự thay đổi theo sinh lý, có thể không tác động nhiều đến sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố nữ thường khởi nguồn sự mất cân bằng giữa 2 hormone Estrogen và Progesterone trong cơ thể phụ nữ. Sự mất cân bằng này xảy ra có thể do các yếu tố:

3.1. Tuổi tác

Rối loạn nội tiết tố nữ thường xảy ra ở tuổi trung niên hoặc những phụ nữ đã lập gia đình. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ ngoài 30 tuổi sẽ có nồng độ Estrogen tăng trong khi Progesterone lại giảm. Sự mất cân bằng giữa 2 hormone nội tiết quan trọng này gây ra những biểu hiện của rối loạn nội tiết tố nữ.

Ngoài ra, tình trạng rối loạn nội tiết ở lứa tuổi dậy thì cũng khá phổ biến. Khi bắt đầu có kinh nguyệt, cơ thể các thiếu nữ sẽ dần sản sinh Estrogen giúp thúc đẩy hình thành các đặc tính sinh dục nữ. Tuy nhiên lượng hormone này tiết ra không ổn định, kết hợp với thay đổi tâm lý lứa tuổi có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố ở tuổi dậy thì.

3.2. Dùng thuốc tránh thai

Nhiều phụ nữ lựa chọn thuốc tránh thai như biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên do thuốc tránh thai có thành phần chính là Estrogen tổng hợp nên nếu dùng thuốc trong thời gian dài sẽ làm tăng nồng độ này hơn hẳn Progesterone, dẫn đến rối loạn nội tiết tố.

3.3. Môi trường sống ô nhiễm, độc hại

Cơ thể phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống ô nhiễm, độc hại. Việc sống trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, các sản phẩm độc hại sẽ gây suy giảm nội tiết tố nữ, do quá thừa hoặc thiếu Estrogen.

3.4. Dùng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng sai cách

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được quảng cáo sẽ làm đẹp, đem lại vẻ ngoài trẻ trung cho phụ nữ. Tuy nhiên việc lựa chọn sản phẩm uy tín, cách sử dụng cần được trao đổi trước với bác sĩ chuyên khoa để tránh trường hợp gây rối loạn nội tiết.

3.5. Yếu tố tâm lý

Nếu cuộc sống quá nhiều stress, căng thẳng kéo dài sẽ khiến hormone Progesterone giảm mạnh, tăng Estrogen khiến hoạt động của tuyến thượng thận bị ảnh hưởng. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn nội tiết, nếu nặng hơn có thể gây rối loạn tuyến yên, buồng trứng và trục não bộ.

3.6. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đến việc cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Phụ nữ cần tránh những thói quen ăn uống mất cân bằng như:

  • Tiêu thụ thực phẩm ăn sẵn, đóng hộp, đồ ngọt, đồ cay nóng, dầu mỡ cũng có thể làm tăng lượng Estrogen trong cơ thể, nặng nhất có thể gây hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Nếu ăn kiêng quá mức, ăn quá ít, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể sẽ gây suy giảm nội tiết tố nữ Estrogen, suy dinh dưỡng.

3.7. Ảnh hưởng của thai kỳ

Thai kỳ là quá trình quan trọng đối với bất kỳ người phụ nữ nào, bởi đây là giai đoạn cơ thể phụ nữ trải qua nhiều sự thay đổi nhất, đặc biệt là sự thay đổi hormone:

  • Rối loạn nội tiết tố nữ khi mang thai: Khi mang thai, hormone Estrogen tăng cao nhất trước khi sinh và có xu hướng giảm dần sau đó. Tuy nhiên ở một số người, nồng độ estrogen lại bị thiếu hụt. Rối loạn nội tiết thời kì này có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi nên cần được kiểm tra và đánh giá thường xuyên.
  • Rối loạn nội tiết sau sinh: Sau khi sinh, hormone Estrogen sẽ giảm đột ngột nhường chỗ cho hormone bài tiết sữa – Prolactin phát triển. Do vậy phụ nữ thường gặp tình trạng mất kinh nguyệt tạm thời, chỉ khi ngừng cho con bú (thường là sau 6 tháng) mới bắt đầu có kinh trở lại.
  • Rối loạn nội tiết tố sau nạo hút thai: Nạo hút thai là hoạt động gây rối loạn nội tiết tố nữ biểu hiện qua việc mất kinh nguyệt tạm thời (khoảng 4-8 tuần), sau khoảng thời gian này khi nồng độ nội tiết cân bằng trở lại, phụ nữ sẽ lại có kinh bình thường.

3.8. Các bệnh lý khác

Một trong những bệnh lý khiến nồng độ Estrogen tăng cao là suy gan. Khi gan bị suy yếu sẽ giảm hoạt động đào thải Estrogen ra khỏi cơ thể, dẫn đến Estrogen ứ đọng, tăng cao gây rối loạn nội tiết tố nữ.

ĐỐI TƯỢNG MẮC BỆNH

Những đối tượng dễ gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tốt, bao gồm thiếu niên ở tuổi dậy thì, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sự rối loạn nội tiết tố cũng có thể xảy ra ở những người mắc phải bệnh lý nào đó ở giai đoạn lẽ ra nội tiết tố trong cơ thể ổn định nhất.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Mỗi rối loạn nội tiết khác nhau sẽ có những triệu chứng đặc trưng tùy theo từng bệnh lý. Các rối loạn nội tiết thường gặp:

  • Bệnh tiểu đường: xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin hoặc có tình trạng đề kháng insulin dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu tăng cao sẽ dẫn đến các triệu chứng như: sụt cân, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, vết loét lâu lành, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đặc biệt lao phổi, mắt nhìn mờ, các biến chứng thần kinh như cảm giác tê rần 2 bàn chân, mất cảm giác, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn đi tiểu…
  • Cường giáp: xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp phóng thích vào máu, sẽ gây ra các triệu chứng và biểu hiện như sụt cân, tim đập nhanh, nhịp tim không đều, hồi hộp đánh trống ngực, run tay, tăng tiết mồ hôi, nhạy cảm với nhiệt độ nóng, yếu cơ gây khó khăn khi leo cầu thang, mau mệt mỏi, tiêu lỏng, dễ cáu gắt…
  • Suy giáp: xảy ra khi tuyến giáp sản xuất không đủ hormone giáp sẽ gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, chậm chạp, trầm cảm, phù mặt và mi mắt, nhạy cảm với nhiệt độ lạnh, táo bón, da khô, nhịp tim chậm, chuột rút, rối loạn kinh nguyệt…
  • Hội chứng Cushing: xảy ra khi có tình trạng dư thừa hormone cortisol trong cơ thể. Cortisol có vai trò giúp cơ thể đáp ứng với stress vật lý hoặc tinh thần, điều hòa trao đổi chất, duy trì huyết áp. Tình trạng dư thừa cortisol có thể do nguyên nhân nội sinh từ bên trong như trong trường hợp cơ thể có u tuyến thượng thận tăng tiết cortisol hoặc do nguyên nhân ngoại sinh từ bên ngoài như việc lạm dụng quá nhiều các thuốc có chứa corticoids. Các triệu chứng khi dư thừa cortisol bao gồm tăng cân, mặt tròn như mặt trăng, bướu mỡ sau gáy, tay chân teo nhỏ, yếu cơ, da mỏng, dễ bầm máu, vết thương lâu lành, rụng tóc, vết rạn da màu đỏ tía ở bụng-đùi, giảm chức năng tình dục…
  • Cường Aldosteron nguyên phát: thường do u thượng thận hoặc bệnh tăng sản thượng thận 2 bên làm tăng tiết hormone aldosterone gây ra tăng huyết áp và hạ kali máu. Hạ kali máu sẽ gây ra các triệu chứng như yếu cơ, vọp bẻ, nhức đầu, hồi hộp đánh trống ngực, uống nhiều, tiểu nhiều, tiểu đêm. Tăng huyết áp mức độ trung bình – nặng, có thể đề kháng với điều trị thông thường. Cường aldosterone là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người trẻ cần tầm soát.
  • Pheochromocytomas: do u xuất phát từ tủy thượng thận tăng tiết catecholamines trong máu. Các triệu chứng bao gồm các cơn tăng huyết áp, da xanh tái, vã mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực, đau đầu. Ngoài ra còn có các triệu chứng như nổi ga gà, buồn nôn, nôn, run tay, mệt, khó thở, đau ngực, đau thượng vị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp người trẻ.
  • Suy thượng thận: suy thượng thận mạn sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân chóng mặt do hạ huyết áp tư thế, lo lắng, đau bụng, chậm phát triển thể chất ở trẻ em. Ngoài ra trong suy thượng thận nguyên phát (Bệnh Addison) còn có triệu chứng tăng sắc tố da, đặc biệt với những vùng da tiếp xúc ánh nắng mặt trời, vùng nếp gấp da, màn nhầy, sẹo, quầng vú. Một biến chứng nguy hiểm của suy thượng thận là tình trạng suy thượng thận cấp với các biểu hiện như yếu cơ nặng, ngất, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đau lưng, lú lẫn, mê sảng, tụt huyết áp và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • To đầu chi: thường do u tuyến yên tăng tiết hormon tăng trưởng dẫn đến sự phát triển bất thường của xương, các cơ quan, các mô khác trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp của to đầu chi bao gồm bàn tay và bàn chân to thô, tăng kích thước so với trước đây biểu hiện thông qua việc tăng size giày dép, găng tay, kích thước nhẫn. Các đặc điểm trên khuôn mặt thay đổi, khuôn mặt thô, đường kính dọc dài hơn, mũi to, phì đại xương trán, hàm dưới nhô ra, cung mày gồ lên, răng thưa, phì đại lưỡi, giọng trầm. Tăng tiết mồ hôi, gây nặng mùi, tăng tiết bã nhờn. Mụn thịt dư, rậm lông. HC ống cổ tay, tê tay, dị cảm đầu chi. Phì đại sụn và mô hoạt dịch dẫn đến bệnh khớp phì đại dẫn đến đau khớp, đau lưng, gù lưng.
  • U tuyến yên tiết Prolactin: tăng prolactin máu gây ra những triệu chứng điển hình ở nam và nữ trước mãn kinh, nhưng không điển hình ở phụ nữ sau mãn kinh. Phụ nữ trước mãn kinh có các triệu chứng như vô sinh, thiểu kinh hoặc vô kinh, chảy sữa (ít gặp hơn so với các triệu chứng còn lại). Nam giới sẽ có các triệu chứng như giảm ham muốn tình dục, vô sinh, bất lực, vú to nam giới, hoặc chảy sữa (rất hiếm gặp), loãng xương (nếu suy sinh dục kéo dài). Đối với phụ nữa sau mãn kinh, tình trạng tăng prolactin máu chỉ được nhận ra khi u tuyến yên đủ lớn gây nhức đầu hoặc giảm thị lực, hoặc phát hiện khối u tuyến yên tình cờ trên MRI, triệu chứng chảy sữa hiếm gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Trẻ em sẽ xuất hiện các triệu chứng như vô kinh nguyên phát, dậy thì muộn.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): là tình trạng buồng trứng sản xuất một lượng androgen bất thường. Androgen là một hormone sinh dục nam, bình thường chỉ có một lượng rất ít ở phụ nữ. Các triệu chứng của PCOS bao gồm thừa cân, béo phì, mất kinh, kinh nguyệt không đều hoặc kinh thưa, vô sinh, rậm lông, da tiết nhiều bã nhờn kèm mụn trứng cá, khô âm đạo, buồng trứng lớn hoặc có nhiều nang, dấu gai đen ở vùng sau gáy, dưới nách, dưới vú…

BIẾN CHỨNG RỐI LOẠN NỘI TIẾT TỐ

Những hệ lụy do rối loạn nội tiết tố nữ gây ra

  • Giảm ham muốn tình dục

Khoái cảm ở người phụ nữ do hormon estrogen và progesterone mang lại, do đó khi hàm lượng các loại hormon này bị thay đổi, mất cân bằng sẽ dẫn đến hiện tượng giảm ham muốn tình dục, khó đạt được cực khoái. Đó là chưa kể đến trạng thái tâm lý tiêu cực, sức khỏe suy giảm do rối loạn nội tiết gây ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ham muốn tình dục của chị em.

  • Rối loạn kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng chính là sự hoạt động của cơ thể có sự liên quan mật thiết nhất đối với nội tiết tố nữ. Khi bạn nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt từ chỗ rất “đều đặn” bỗng nhiên kéo dài ra hoặc rút ngắn lại thì đây là một trong những dấu hiệu cơ bản chứng tỏ đang bị rối loạn nội tiết nữ.

  • Mắc bệnh phụ khoa

Tình trạng rối loạn nội tiết ở chị em khiến cho cơ chế sản sinh nội tiết tố nữ bị gián đoạn, trục trặc do đó thành âm đạo không thể tiết đủ dịch nhầy để bôi trơn và giữ ẩm cho âm đạo. Điều này làm cho môi trường axit của âm đạo bị ảnh hưởng, các vi khuẩn gây bệnh viêm phụ khoa có điều kiện tấn công, gây bệnh.

  • Cao huyết áp bất thường

Bình thường huyết áp bạn đang ổn định, nhưng huyết áp tăng cao bất thường thì cần lưu ý. Rối loạn nội tiết có thể tác động xấu đến tình trạng ổn định huyết áp trong cơ thể. Bởi vì khi lượng natri trong cơ thể dư thừa sẽ làm tăng tình trạng trữ nước từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Trong khi tỷ lệ giữa natri và nước trong cơ thể của bạn ổn định là do sự cân bằng của hormon aldosterone. Do đó khi cơ thể mất cân bằng hormon aldosterone thì sẽ dễ bị tăng huyết áp.

  • Nám da do rối loạn nội tiết

Nám da có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó rối loạn nội tiết tố nữ là một nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng nám da cho chị em. Khi nội tiết tố nữ ổn định, nó sẽ duy trì độ đàn hồi, độ ẩm cho da, điều tiết bã nhờn… nhưng ngược lại khi rối loạn nội tiết thì da sẽ bị khô, sạm, xuất hiện các vết nám ngày càng đậm nét gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và vẻ quyến rũ của chị em.

CHẨN ĐOÁN

Các triệu chứng của rối loạn nội tiết có thể kín đáo, khó nhận biết, diễn tiến âm thầm theo thời gian và không đặc hiệu nên việc phát hiện trên lâm sàng thường chậm trễ sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Chính vì lí do này, việc thực hiện các xét nghiệm máu đo nồng độ hormone các tuyến nội tiết ngoại biên và tuyến yên là cần thiết trong việc phát hiện, chẩn đoán bệnh.

Chẩn đoán các rối loạn nội tiết là một quá trình phức tạp cần phối hợp các xét nghiệm máu, nước tiểu, các test động nội tiết cũng như hình ảnh học, các xét nghiệm gen – di truyền, vì hệ thống nội tiết là cấu trúc có tính kết nối – điều hòa nhiều chức năng khác nhau của cơ thể như tăng trưởng, chuyển hóa và sinh sản.

Nếu có bất kì các triệu chứng nghi ngờ rối loạn nội tiết, nên thăm khám tại chuyên khoa nội tiết, để được thực hiện các xét nghiệm dựa trên triệu chứng và bệnh lý nội tiết nghi ngờ như:

  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu định lượng nồng độ hormone.
  • Chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Xét nghiệm gen – di truyền.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc điều trị dựa trên cơ chế bệnh sinh của rối loạn nội tiết và tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Trong trường hợp suy giảm chức năng nội tiết, thông thường sẽ được điều trị bằng phương pháp bổ sung các hormone ngoại biên bất kể nguyên nhân suy giảm chức năng có nguồn gốc từ tuyến nội tiết ngoại biên hay từ tuyến yên-hạ đồi. Ngoại trừ một số trường hợp như chậm tăng trưởng do thiếu hormone GH là một hormone do tuyến yên tiết ra, sẽ được điều trị bằng tiêm hormone GH tổng hợp… Trong đa số các trường hợp sẽ được điều trị bằng hormone ngoại biên đường uống như trong bệnh lý suy giáp, suy thượng thận…

Đối với các trường hợp cường chức năng nội tiết do tăng hormone trong máu, phương pháp điều trị bao gồm sử dụng các thuốc ức chế quá trình tổng hợp hormone, phẫu thuật hoặc xạ trị tùy vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Ví dụ, khi bệnh nhân có khối u tuyến yên tiết prolactin làm tăng prolactin máu, tùy vào kích thước khối u và triệu chứng lâm sàng, người bệnh được chỉ định thuốc uống để làm giảm nồng độ prolactin máu, giảm kích thước khối u hoặc chỉ định phẫu thuật khi cần thiết.

PHÒNG NGỪA BỆNH

Nhiều bệnh lý rối loạn nội tiết do một vài nguyên nhân không có biện pháp phòng ngừa cụ thể, tuy nhiên một số bệnh lý rối loạn nội tiết có thể phòng ngừa được thông qua việc thay đổi thói quen ăn uống, lối sống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe và giữ cân bằng các hormon trong cơ thể, bao gồm:

  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Có chế độ ăn khoa học, cân bằng.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Giảm stress căng thẳng.
  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya.
  • Không hút thuốc lá.
  • Kiểm soát các bệnh lý mạn tính nếu có.