TỔNG QUAN VỀ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY

Trào ngược dạ dày là bệnh tiêu hóa nhiều người mắc phải và gây nhiều bất tiện cho người bệnh trong sinh hoạt, thậm chí gây ra nhiều nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị qua bài viết dưới đây.

THÔNG TIN VỀ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY

Trào ngược dạ dày (hay còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản – GERD) là tình trạng axit dạ dày bị trào ngược vào trong thực quản (ống nối giữa miệng và dạ dày). Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên, đa số trường hợp mắc bệnh thường gặp ở người lớn. Theo thống kê, có khoảng 10-20% người lớn đã từng có những triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ít nhất một lần trong đời.

Đa số những trường hợp bị trào ngược dạ dày không quá nguy hiểm, người bệnh có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, lối sống tập luyện kết hợp với điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thực quản bị tổn thương nặng, người bệnh có thể sẽ cần thăm khám với bác sĩ, dùng các thuốc mạnh hơn hoặc thậm chí sẽ được chỉ định phẫu thuật.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng trào ngược dạ dày xuất phát từ một số nguyên nhân bao gồm: 

Rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới: Cơ thắt thực quản dưới (LES) có vai trò giãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi cơ thắt này bị suy giảm chức năng, không đóng hoàn toàn có thể khiến axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

Bệnh dạ dày: một số bệnh lý tại dạ dày như: đau dạ dày, viêm loét dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày… khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn, cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản.

Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh bị ho lâu ngày, hắt hơi, gập bụng gây ra áp lực lớn cho ổ bụng khiến axit làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.

Béo phì hoặc tăng cân đột ngột: khiến áp lực lên dạ dày tăng lên, làm cho các triệu chứng trào ngược trở nên trầm trọng hơn.

Căng thẳng, stress: trong công việc hoặc cuộc sống kích thích cơ thể tiết ra hormone cortisol, làm tăng lượng axit HCl và pepsin gây ra tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản. Bên cạnh đó, hormone cortisol còn tạo áp lực lên cơ thắt thực quản dưới khiến cơ này bị suy giảm chức năng và không có khả năng ngăn axit hoặc thức ăn trào ngược.

Tác dụng phụ của thuốc: một số loại thuốc như: thuốc kháng cholinergic, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh… nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Chế độ dinh dưỡng không phù hợp: những người thường xuyên sử dụng các loại đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, ăn quá no, thường xuyên ăn đêm, ăn chanh, cam khi đói, uống rượu, cafe… có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày.

Phụ nữ mang thai: sự gia tăng hormone estrogen và progesterone trong khi mang thai làm giãn cơ thắt thực quản dưới, cùng với trạng thái chèn ép của thai nhi cũng gây áp lực lên dạ dày, cũng là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày.

ĐỐI TƯỢNG MẮC BỆNH

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ ai, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn và không phải lúc nào bác sĩ cũng tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, có vài nhóm người được đánh giá có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:

– Người bị thừa cân hoặc béo phì, vì có thể tạo sức ép lên bụng.

– Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ.

– Người phải sử dụng một số thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs.

– Người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động.

– Người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày, hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì.

– Người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh, như uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ chua, ăn nhiều dầu mỡ, lười vận động, nằm liền sau ăn…

– Ngoài ra, căng thẳng hay stress do áp lực trong công việc và cuộc sống cũng là yếu tố thường gặp gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt ở người trẻ tuổi.

Biến chứng của trào ngược dạ dày: Trào ngược dạ dày kéo dài có thể trở thành nguyên nhân gây ra bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm như: Viêm thực quản, loét thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett và đáng sợ hơn là ung thư biểu mô tuyến thực quản….

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Thông thường, người bệnh có thể nhận biết bản thân bị trào ngược dạ dày thông qua một số triệu chứng cơ bản như:

  • Tiết nhiều nước bọt: đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể để trung hòa axit khi axit trong dạ dày trào ngược lên khoang miệng

  • Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua: tình trạng này thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi cúi gập người xuống, nguyên nhân là do cơ thắt thực quản dưới bị giãn khiến hơi và dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản gây nóng rát vùng thượng vị 

  • Buồn nôn, nôn: đây là triệu chứng thường xuất hiện khi ăn no, nằm ngay sau khi ăn hoặc khi đói bụng

  • Đắng miệng, hôi miệng: hiện tượng này xảy ra khi axit trào ngược kèm theo dịch mật

  • Chứng khó nuốt: Axit từ dạ dày khiến thực quản bị phù nề, sưng tấy, trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ra cảm giác vướng ở cổ và khó nuốt

  • Hen suyễn, ho, khan tiếng: Axit trong dạ dày bị trào ngược lên trên, sau đó tiếp xúc với dây thanh quản dẫn đến thanh quản bị sưng tấy, khàn tiếng và ho kéo dài, hen suyễn khi về đêm

BIẾN CHỨNG TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY

Tùy thuộc vào mức độ trào ngược mà người bệnh có thể gặp phải các biến chứng từ ảnh hưởng nhẹ đến sinh hoạt hàng ngày cho đến đe dọa tính mạng như:

1. Viêm, loét thực quản

Đây là biến chứng phổ biến nhất. Ban đầu, khi tình trạng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ít, niêm mạc thực quản chưa bị tổn thương nhiều, ợ hơi ít. Khi hiện tượng dịch dạ dày trào lên ngày càng thường xuyên, axit dạ dày ăn mòn niêm mạc thực quản, gây viêm loét. Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy: khó nuốt, đau ngực, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn…, đặc biệt là đau sau xương ức khi ăn uống. Thông thường, bệnh sẽ được phát hiện ở giai đoạn này, nếu được điều trị đúng cách tình trạng trào ngược sẽ cải thiện một cách nhanh chóng.

2. Hẹp thực quản

Biến chứng này xảy ra do tần suất trào ngược tăng cao, làm cho lớp niêm mạc thực quản tiếp xúc nhiều lần với axit dạ dày. Quá trình này tạo nên các vết trợt loét, gây đau rát cổ kể cả khi ăn thức ăn mềm và khó nuốt. Sau đó, các vết loét sẽ phát triển thành mô sẹo. Mô sẹo tích tụ càng nhiều thì thực quản càng hẹp, dẫn đến khó nuốt, có cảm giác vướng nghẹn ở cổ, đau ngực…

3. Các vấn đề về hô hấp

Khi dịch axit trào ngược lên đường hô hấp, sẽ gây viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi… Lúc này, sẽ xuất hiện các triệu chứng như chảy nước mũi sau, ho, khò khè, khàn giọng…

4. Barrett thực quản

Barrett thực quản, còn gọi là tiền ung thư thực quản. Đây là biến chứng không quá phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra do axit trào ngược làm thay đổi các tế bào trong mô lót thực quản, làm các tế bào này dày và đỏ lên, tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Người mắc Barrett thực quản có thể xuất hiện các triệu chứng như ợ nóng thường xuyên, khó nuốt khi ăn, đau ngực… Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc biến chứng này không có dấu hiệu đặc trưng mà chỉ có thể phát hiện thông qua nội soi và sinh thiết.

5. Ung thư thực quản

Biến chứng này thường gặp ở những người trên 50 tuổi và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ban đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi bắt đầu xuất hiện các vấn đề như chảy máu thực quản, những cơn đau dai dẳng và nghiêm trọng, đau sau xương ức, khàn tiếng, sụt cân không rõ nguyên nhân…, cho thấy ung thư đang phát triển.

CHẨN ĐOÁN

Để có thể đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân trào ngược dạ dày, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám và các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng để xác định mức độ trào ngược dạ dày, đồng thời phân loại trào ngược dạ dày có đi kèm với viêm thực quản hay không.

  • Nội soi tiêu hóa trên

Nội soi tiêu hóa là phương pháp thường được các bác sĩ sử dụng  để chẩn đoán tình trạng viêm thực quản, loét, xuất huyết và hẹp thực quản. Thông qua kết quả nội soi, bác sĩ có thể đánh giá độ dài của các vết xước trên niêm mạc, mức độ tổn thương của thực quản.

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng không có hình ảnh viêm thực quản trên nội soi, được gọi là trào ngược không viêm. Khi đó, bác sĩ cần dựa vào kinh nghiệm để có thể phân loại đúng tình trạng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

  • Chụp X Quang thực quản

Chụp X quang thực quản thường được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh có biến chứng teo hẹp, loét thực quản hoặc thoát vị hoành.

  • Đo áp lực nhu động thực quản

Đây là phương pháp dùng để đánh giá chức năng cơ thắt thực quản dưới và các cơ thắt khác của thực quản, thường được chỉ định áp dụng cho những bệnh nhân trào ngược không đáp ứng điều trị, giúp bác sĩ loại trừ các rối loạn vận động thực quản hiếm gặp hoặc với bệnh nhân trước và sau phẫu thuật trào ngược.

  • Đo pH, trở kháng thực quản 24H

Đo pH, trở kháng thực quản 24H được dùng để xác định tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở người bệnh dựa trên số cơn trào ngược acid lên hầu họng trong 24 giờ, pH hầu họng. Kết quả của phương pháp cận lâm sàng này giúp bác sĩ nhận định tình trạng trào ngược acid, acid yếu hoặc kiềm dạng dịch hoặc khí dung lên mũi, họng và khí quản.

Có thể thấy, kinh nghiệm của bác sĩ cùng hệ thống trang thiết bị cận lâm sàng có vai trò rất lớn trong việc chẩn đoán chính xác và điều trị triệt để tình trạng trào ngược dạ dày. Do đó, người bệnh khi cần thăm khám và điều trị trào ngược dạ dày cần đến cơ sở y tế có uy tín, với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để được chẩn đoán chính xác và điều trị triệt để.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Có khoảng 70% bệnh nhân trào ngược dạ dày bị tái phát trong vòng một năm dẫn đến nhiều người cho rằng bệnh này không thể chữa khỏi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, bệnh trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi. Các bác sĩ tiêu hóa sẽ dựa theo từng giai đoạn của bệnh để cân nhắc chi định các toa thuốc phù hợp, thêm vào đó cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập để giảm triệu chứng và chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Đặc biệt, để có thể điều trị triệt để, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ trong khi sử dụng thuốc, tuyệt đối không sử dụng các phương thuốc dân gian chưa rõ nguồn gốc, chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh hiệu quả trong việc điều trị bệnh. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên tự ý sử dụng thuốc mà không thông qua thăm khám. Việc đó có thể dẫn đến điều trị không đúng thuốc, không đúng giai đoạn bệnh, thậm chí ở một số bệnh nhân nhạy cảm có thể xuất hiện tình trạng dị ứng thuốc. Vì vậy trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc hay thảo dược nào, bệnh nhân cần thăm khám và xin tư vấn từ bác sĩ để mang đến hiệu quả điều trị cao, tránh các rủi ro không mong muốn.

Bên cạnh việc điều trị nội khoa bằng thuốc, chế độ ăn uống và một số thói quen của người bệnh cũng cần phải thay đổi. Cụ thể, người bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản không nên không nên ăn quá no, hạn chế các chất có cồn, các bữa ăn nên được chia nhỏ hợp lý, không nên đi nằm ngay sau khi ăn no cũng như nên tập luyện thể dục thể thao hợp lý để không tăng cân quá nhiều…

Ngoài ra, đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày do stress thì bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần thực hiện cân đối công việc và tham gia các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí để giảm căng thẳng, lo lắng. Khi tinh thần thoải mái, việc điều trị bệnh lý trào ngược sẽ có kết quả tốt và nhanh hơn. Một số phương pháp thư giãn người bệnh có thể cân nhắc như yoga, thiền…..

Đối với những trường hợp trào ngược dạ dày nặng, việc dụng thuốc không có hiệu quả cao, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị dứt điểm. 2 phương pháp phẫu thuật thường được cân nhắc bao gồm: phẫu thuật Nissen hoặc phẫu thuật LINX.

    • Phẫu thuật Nissen ( còn gọi là phẫu thuật Toupet) có thể thực hiện bằng mổ nội soi hoặc mổ mở là thủ thuật thắt chặt cơ và ngăn ngừa trào ngược.

    • Phẫu thuật Linx là phẫu thuật cấy ghép một vòng các hạt titan nhỏ chứa từ tín, quấn quanh ngã ba của dạ dày – thực quản. Lực hút từ giữa các hạt giúp cơ vòng đóng lại với axit, tuy nhiên vẫn có thể cho phép thức ăn đi qua. 

PHÒNG NGỪA BỆNH

Để phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên lưu ý những vấn đề sau: 

– Kiểm soát cân nặng: Việc duy trì mức cân nặng hợp lý có thể phòng ngừa nhiều loại bệnh tật khác nhau, trong đó bao gồm trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị thừa cân, béo phì, áp lực lên vùng bụng sẽ tăng lên rất nhiều khiến dạ dày đẩy cao lên và tăng nguy cơ trào ngược axit lên thực quản. Do đó, nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, hãy giảm cân bằng một chế độ ăn lành mạnh và tập luyện khoa học.

– Bỏ thuốc lá: Những chất độc có trong khói thuốc lá không chỉ gây ra các bệnh về phổi và tim mạch mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thắt thực quản và làm tăng nguy cơ bị trào ngược. 

– Gối cao hơn hoặc nâng cao đầu giường để nâng cao phần cơ thể từ thắt lưng trở lên.  

– Tuyệt đối không nằm ngay sau khi ăn. Bữa tối nên cách giờ đi ngủ ít nhất 3 tiếng. 

– Khi ăn, nên ăn chậm và nhai kỹ. Đây là thói quen giúp giảm áp lực lên dạ dày và phòng tránh các vấn đề về rối loạn tiêu hóa, trong đó bao gồm trào ngược dạ dày thực quản. 

– Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, các loại đồ uống có gas hay caffeine.

– Không nên mặc các bộ đồ bó sát để tránh gây áp lực lên thực quản.