TỔNG QUAN VỀ BỆNH THẬN HƯ

Hội chứng thận hư là tình trạng cơ thể mất protein qua nước tiểu > 3g protein/ngày. Nguyên nhân là do tổn thương cầu thận kèm theo phù và giảm albumin máu. Hội chứng này phổ biến hơn ở trẻ em, ngoài ra có cả nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát

THÔNG TIN VỀ BỆNH THÂN HƯ

Thận được tạo thành từ khoảng một triệu đơn vị lọc được gọi là nephron. Mỗi nephron bao gồm một bộ lọc, được gọi là cầu thận (glomerulus) và một ống nhỏ (tubule). Cầu thận giúp lọc máu, còn ống nhỏ đưa các chất cần thiết trở lại máu và loại bỏ chất thải và nước dư thừa, những chất này trở thành nước tiểu đi ra khỏi cơ thể. Hội chứng thận hư xảy ra khi các cầu thận bị viêm, làm cho quá nhiều protein rò rỉ từ máu vào nước tiểu, và nồng độ protein máu bị giảm. Giảm nồng độ protein máu gây phù, đặc biệt là sưng, phù ở bàn chân và mắt cá chân của người bệnh.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư là do màng lọc của cầu thận viêm, tổn thương. Chức năng của màng lọc cầu thận là lọc máu trong cơ thể khi đi qua thận. Những cầu thận khỏe mạnh sẽ giữ lại protein trong máu (albumin) không đi qua màng lọc.

Màng lọc cầu thận khi viêm sẽ để quá nhiều protein trong máu thấm qua màng lọc, dẫn tới hội chứng thận hư. Đa phần trường hợp mắc hội chứng thận hư ở người trẻ không có nguyên nhân (hội chứng thận hư nguyên phát).

ĐỐI TƯỢNG MẮC BỆNH

Hội chứng thận hư xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em (chủ yếu là bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu nguyên phát), hầu hết ở lứa tuổi từ 1,5 tuổi đến 4 tuổi. Hội chứng thận hư bẩm sinh xuất hiện trong năm đầu tiên của cuộc đời. Ở độ tuổi trẻ (< 8 tuổi), trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái, nhưng cả hai giới đều bị ảnh hưởng như nhau ở độ tuổi lớn hơn.  Có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Mắc bệnh ảnh hưởng đến thận như viêm cầu thận phân đoạn khu trú (Focal segmental glomerulosclerosis – FSGS), Lupus, hoặc đái tháo đường.
  • Dùng một số loại thuốc trong thời gian dài, như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), hoặc thuốc kháng sinh.
  • Bị nhiễm trùng như HIV, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT

Người mắc hội chứng thận hư sẽ có các triệu chứng như:

  • Sưng phù: Triệu chứng này thường xuất hiện quanh vùng mắt, mắt cá chân và bàn chân, có thể kèm theo tràn dịch màng bụng, màng phổi.
  • Nước tiểu xuất hiện bọt.
  • Tăng trọng lượng cơ thể do lượng nước dư thừa không thoát được ra ngoài.
  • Kém ăn, mệt mỏi.
  • Ăn mất ngon.

BIẾN CHỨNG THẬN HƯ

Biến chứng hội chứng thận hư có thể gây nguy hiểm như:

  • Tăng cao cholesterol máu và triglyceride máu: Mức độ protein albumin trong máu giảm khiến gan tạo ra nhiều albumin hơn. Đồng thời, gan giải phóng nhiều cholesterol và chất béo trung tính.
  • Suy dinh dưỡng: Cơ thể khi bị mất quá nhiều protein trong máu có thể bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này gây giảm cân nghiêm trọng khó nhận ra bởi cơ thể bị phù. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể bị suy giảm số lượng tế bào hồng cầu (thiếu máu), vitamin D và canxi.
  • Huyết áp cao: Huyết áp người bệnh có thể tăng cao do tình trạng ứ muối và nước dư thừa trong cơ thể.
  • Suy thận cấp: Khi thận bị mất khả năng lọc máu do tổn thương cầu thận, chất thải có thể nhanh chóng tích tụ trong máu. Khi đó, người bệnh có thể cần lọc máu khẩn cấp.
  • Bệnh thận mạn tính: Hội chứng thận hư khi không được điều trị kịp thời và tình trạng bệnh kéo dài có thể làm suy giảm chức năng thận mạn tính. Khi chức năng thận giảm rất nhiều, người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
  • Nhiễm trùng: Người bệnh hội chứng thận hư có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
  • Làm tăng tình trạng đông máu, dẫn đến hình thành huyết khối tĩnh mạch ở chân hoặc ở nơi khác.

CHẨN ĐOÁN

1. Tiêu chuẩn để chẩn đoán hội chứng thận hư

  • Phù.
  • Tăng protein niệu hơn 3,5g trong 24 giờ.
  • Giảm protein máu dưới 60g/lít, có kèm giảm albumin máu dưới 30g/lít.
  • Cholesterol máu tăng từ 6,5mmol/lít trở lên.
  • Xuất hiện hạt mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ trong nước tiểu

Tiêu chuẩn 2 và 3 là bắt buộc trong chẩn đoán hội chứng thận hư. Những tiêu chuẩn còn lại có thể không đầy đủ.

2. Chẩn đoán thể lâm sàng

  • Hội chứng thận hư thể đơn thuần: Khi xác định đầy đủ những tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư, không đi kèm các biểu hiện tăng huyết áp, tiểu ra máu hay suy thận.
  • Hội chứng thận hư thể không đơn thuần: Bên cạnh các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư, còn có sự xuất hiện của tình trạng tăng huyết áp, tiểu máu đại thể hay vi thể, hoặc có kèm theo suy thận.

3. Chẩn đoán hội chứng thận hư theo nguyên nhân

Các nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư nguyên phát như:

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu.
  • Viêm cầu thận màng: Tại một số nước đang phát triển, tình trạng viêm cầu thận màng là nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng thận hư ở người trưởng thành.
  • Viêm cầu thận xơ hóa ổ cục bộ.
  • Viêm cầu thận màng tăng sinh.
  • Viêm cầu thận tăng sinh gian mạch.
  • Viêm cầu thận tăng sinh ngoại mạch

Các nguyên nhân thứ phát gây hội chứng thận hư gồm dùng thuốc, độc chất, bệnh lý tự miễn, bệnh ác tính, bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng và ký sinh trùng…

4. Chẩn đoán qua mô bệnh học

  • Bệnh cầu thận thay đổi tối thiểu.
  • Viêm cầu thận màng.
  • Viêm cầu thận xơ hóa ổ cục bộ.
  • Viêm cầu thận màng tăng sinh.
  • Viêm cầu thận tăng sinh gian mạch.
  • Viêm cầu thận tăng sinh ngoại mạch.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

1. Điều trị hội chứng thận hư thứ phát:

  • Điều trị theo nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư

2. Điều trị đặc hiệu hội chứng thận hư nguyên phát

  • Điều trị đặc hiệu là sử dụng liệu pháp corticoid. Trong đợt phát bệnh đầu tiên, ở giai đoạn tấn công, dùng prednisolon (nhóm corticoid) trong ít nhất 4 tuần. Nếu người bệnh đáp ứng tốt điều trị (xét nghiệm nước tiểu trong 24 giờ không thấy protein niệu, hay nếu còn thì chỉ ở dạng vết), sẽ giảm dần liều prednisolon.
  • Tuy nhiên, người bệnh cần duy trì dùng prednisolon kéo dài hằng năm theo chỉ định từ bác sĩ. Nếu không đáp ứng với prednisolon, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành sinh thiết thận, dựa vào kết quả mô bệnh học để xác định hướng điều trị tiếp theo.
  • Trong điều trị đợt tái phát, đối với thể ít tái phát (dưới 1 lần trong 6 tháng), bác sĩ sẽ áp dụng điều trị tương tự đợt đầu. Đối với thể thường xuyên tái phát ( 2 lần tái phát trở lên trong 6 tháng) hoặc phụ thuộc corticoid, bác sĩ sẽ sử dụng liều tấn công tương tự đợt đầu cho tới khi hết tình trạng protein niệu. Người bệnh sau đó phải sử dụng liều duy trì kéo dài, giảm dần liều cho tới một năm sau.
  • Những thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng trong trường hợp điều trị hội chứng thận hư hay tái phát, phụ thuộc, kháng thuốc hay xuất hiện biểu hiện có tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng corticoid.

3. Điều trị triệu chứng

Ở giai đoạn đầu, người bệnh hội chứng thận hư chưa đáp ứng điều trị, những biện pháp điều trị triệu chứng khi đó có thể là cần thiết. Đây là những biện pháp điều trị hội chứng thận hư duy nhất cho các trường hợp có biểu hiện bệnh dai dẳng không đáp ứng với bất cứ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Những lựa chọn điều trị triệu chứng cho trường hợp này gồm:

    • Giảm phù: Ở giai đoạn phù nặng, người bệnh cần ăn nhạt tuyệt đối. Giai đoạn phù ít chỉ cần ăn nhạt tương đối. Trung bình mỗi ngày, một người bình thường ăn khoảng 4 – 6g natri, tương đương 15g muối (3 thìa cà phê). Ăn nhạt tương đối là nạp lượng muối khoảng 5g mỗi ngày, lưu ý gồm cả trong nước mắm, mì chính. Vì chúng cũng chứa một lượng muối nhất định.
    • Sử dụng thuốc lợi tiểu theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
    • Giảm protein trong khẩu phần ăn:
    • Ngoài ra còn cần truyền plasma, albumin (tiến hành truyền albumin khi xét nghiệm albumin máu dưới 10g/l).
    • Hạ huyết áp: Các biện pháp giảm huyết áp trung bình hay ít nhất giảm huyết áp tâm thu giúp bảo vệ thận. Nhóm thuốc hạ huyết áp thường được bác sĩ chỉ định là nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin 2. Đôi khi không có tăng huyết áp vẫn có thể sử dụng hai nhóm thuốc này do tác dụng làm giảm protein niệu.
    • Khi có nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh.
    • Những thuốc khác gồm ức chế tiết axit dạ dày, canxi, vitamin D2, những yếu tố vi lượng… để hạn chế tác dụng phụ của corticoid và hậu quả từ protein niệu.

PHÒNG NGỪA BỆNH

1. Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi

  • Người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường và kê đầu cao, nhất là trong giai đoạn phù nhiều và giai đoạn thiểu niệu.
  • Giữ ấm cho người bệnh, đặc biệt là khi mùa đông.
  • Hạn chế vận động và di chuyển khi còn phù nhiều.

2. Chăm sóc vệ sinh

  • Mỗi ngày cần vệ sinh răng, miệng và tai mũi họng. Vệ sinh da bằng cách tắm hoặc rửa bằng nước ấm tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Khi chăm sóc người bệnh hội chứng thận hư cần lưu ý móng tay và chân cần được cắt ngắn sạch sẽ, tránh những vết gãi gây sây sát trên da, đặc biệt là khi người bệnh ở các nơi ẩm thấp dễ gây bội nhiễm.
  • Đảm bảo vải trải giường, quần áo và những vật dụng khác phải luôn sạch sẽ.
  • Phát hiện sớm những vết loét để điều trị cho người bệnh bằng cách rửa với nước muối sinh lý và nước oxy già. Những biến chứng khác cần theo dõi kỹ để có kế hoạch điều trị cho người bệnh.

3. Theo dõi người bệnh hội chứng thận hư

  • Những dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhịp thở, nhiệt độ,  huyết áp.
  • Theo dõi số lượng, màu sắc nước tiểu.
  • Theo dõi cân nặng mỗi ngày.
  • Theo dõi tình trạng phù.
  • Theo dõi tình trạng đau bụng.
  • Theo dõi những biến chứng và những tác dụng phụ từ thuốc corticoid.