Tổng quan bệnh Dị ứng sữa
Dị ứng sữa là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với protein có trong sữa động vật. Mặc dù trẻ có thể bị dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào, tuy nhiên dị ứng sữa vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng ở trẻ. Dị ứng sữa bò là một trong những loại dị ứng sữa thường gặp nhất, ngoài ra cơ thể cũng có thể dị ứng với sữa của các động vật có vú khác như sữa dê, sữa cừu, sữa trâu,… Cơ thể có thể bị dị ứng với một hoặc nhiều loại protein khác nhau, trong đó alpha protein S1-casein có trong sữa bò là tác nhân dị ứng phổ biến nhất. Trên thị trường hiện nay, phần lớn sữa công thức, sữa bột đều là sản phẩm của sữa bò. Vậy nên, tỷ lệ trẻ dị ứng sữa công thức, dị ứng sữa bột gia tăng cũng xuất phát từ nhu cầu sử dụng các chế phẩm làm từ sữa bò.Các dấu hiệu dị ứng sữa có thể xảy ra sau khi uống sữa vài phút đến vài giờ. Các triệu chứng có thể nhẹ nhàng như phát ban, hay nặng nề với các triệu chứng khó thở, khò khè, nôn hay các rối loạn tiêu hóa khác, trầm trọng hơn cả là tình trạng sốc phản vệ do dị ứng sữa, đe dọa tính mạng bệnh nhân.Dị ứng sữa cần được phân biệt với tình trạng không dung nạp glucose, mặc dù có thể triệu chứng của chúng là tương tự nhau nhưng cơ chế thì hoàn toàn khác nhau. Nếu như dị ứng sữa xảy ra là do cơ thể phản ứng với các thành phần có trong sữa động vật thì hiện tượng không dung nạp glucose là do cơ thể thiếu men tiêu hóa lactase, dẫn đến lactose của sữa không được ruột chuyển hóa.
Protein có trong thành phần sữa động vật là nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng sữa trên bệnh nhân. Trong các loại sữa này thì sữa bò là nguyên nhân hàng đầu gây ra dị ứng sữa ở trẻ nhỏ. Sữa bò có hai loại protein chính có thể gây dị ứng, bao gồm:
Casein: có trong phần rắn của sữa.
Whey: có trong phần lỏng của sữa sau khi lắng.
Cơ thể của trẻ có thể phản ứng với một hoặc cả hai loại protein này, gây ra tình trạng dị ứng. Các loại protein này có thể tìm thấy trong một số thực phẩm chế biến khác. Nghiên cứu cho thấy người bị dị ứng với sữa bò sẽ tăng nguy cơ dị ứng với các loại sữa động vật khác như sữa dê, cừu, trâu; nhưng lại ít có khả năng bị dị ứng với sữa đậu nành.
Cơ chế dị ứng sữa
Hệ miễn dịch có thể cho rằng protein có trong sữa là có hại, nên nó tăng cường sản xuất các kháng thể IgE để khống chế các protein này. Về sau, nếu các protein sữa gây dị ứng lại tiếp tục xuất hiện trong cơ thể thì chúng sẽ nhanh chóng được nhận diện bởi các kháng thể IgE, khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt, giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác, gây ra tình trạng dị ứng trên lâm sàng với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng.
Triệu chứng bệnh Dị ứng sữa
Các triệu chứng dị ứng sữa có thể xảy ra sau khi uống sữa hoặc sử dụng các sản phẩm chế biến từ sữa trong vòng vài phút đến vài giây. Mức độ trầm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ phản ứng miễn dịch của từng người, do đó biểu hiện của dị ứng ở những bệnh nhân có thể rất khác nhau.
Các triệu chứng sớm của dị ứng sữa:
Phát ban
Khò khè
Nôn mửa
Sốc phản vệ: đây là phản ứng nghiêm trọng của cơ thể với dị ứng nói chung và dị ứng sữa nói riêng. Nguyên nhân sốc phản vệ trong trường hợp này là do đường thở bị thu hẹp. Sốc thường xảy ra ngay sau khi bệnh nhân tiêu thụ sữa với các triệu chứng nguy hiểm như co thắt, phù nề đường hô hấp gây ra tình trạng khó thở; huyết áp của bệnh nhân có thể tụt nhanh; ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như ngứa, mặt đỏ bừng,… Nếu sốc phản vệ không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Các triệu chứng muộn của dị ứng sữa
Tiêu chảy, phân có thể lẫn máu.
Co thắt bụng, đau bụng quặn.
Ho, khó thở, khò khè.
Chảy nước mũi, chảy nước mắt.
Nổi mẩn trên da, ngứa ngáy khó chịu.
Đối tượng nguy cơ bệnh Dị ứng sữa
Trẻ em dễ bị dị ứng sữa hơn người lớn. Khi hệ tiêu hóa trưởng thành thì nguy cơ dị ứng sữa sẽ giảm dần.
Trẻ có cơ địa dị ứng với bất kỳ một tác nhân nào đều là đối tượng nguy cơ của dị ứng sữa.
Trẻ bị viêm da dị ứng mạn tính có nhiều khả năng dị ứng với sữa.
Tiền sử gia đình: Nếu trong nhà có người bị dị ứng, đặc biệt là bố và/hoặc mẹ có tiền sử dị ứng thực phẩm, chàm, mày đay, hen phế quản,… thì nguy cơ dị ứng sữa ở trẻ tăng lên.
Phòng ngừa bệnh Dị ứng sữa
Bệnh nhân dị ứng sữa thì cần phải tránh xa sữa và các loại thực phẩm làm từ sữa. Cần lưu ý là có rất nhiều thực phẩm chứa sữa, nếu bệnh nhân không chú ý thì rất dễ bị dị ứng khi sử dụng các loại thực phẩm này.
Lối sống cũng như các biện pháp xử trí dị ứng sữa tại nhà có ý nghĩa nhất định.
Người có tiền sử dị ứng sữa cần được tư vấn, hỗ trợ để có thể phòng tránh cũng như đối phó với dị ứng sữa.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Dị ứng sữa
Khai thác triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, tiền sử dị ứng
Dựa trên các thông tin thu thập được, bác sĩ sẽ có hướng chẩn đoán bệnh, từ đó chỉ định các xét nghiệm phù hợp để khẳng định chẩn đoán.
Các xét nghiệm dị ứng cần thực hiện:
Thử nghiệm chích da: nếu vùng da thử nghiệm sưng, đỏ trong vòng 15-20 phút, thì chứng tỏ đã xảy ra phản ứng dị ứng sữa.
Xét nghiệm máu: nhằm tìm kiếm kháng thể IgE – loại kháng thể được tạo ra khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
Xét nghiệm thành phần
Đây là một loại xét nghiệm máu mới, người bệnh được thử nghiệm với các protein đặc biệt có trong sữa như casein, whey, lactalbumin. Điều này có thể giúp xác định nguy cơ dị ứng với các thành phần của sữa.
Thử nghiệm thực phẩm
Chỉ được thực hiện ở trung tâm thử nghiệm thực phẩm với điều kiện cấp cứu đầy đủ.
Các biện pháp điều trị bệnh Dị ứng sữa
Đối với các trường hợp dị ứng sữa nhẹ: bệnh nhân có thể cần đến sự điều trị với thuốc kháng histamin. Thuốc có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng của bệnh, giảm khó chịu cho bệnh nhân.
Đối với sốc phản vệ do dị ứng sữa: bệnh nhân cần được đưa đến phòng cấp cứu càng nhanh càng tốt. Tại đây, bệnh nhân phải được xử trí khẩn cấp với các biện pháp hồi sức tích cực. Adrenalin được chỉ định trong trường hợp này để đối phó với tình trạng xấu trên bệnh nhân.