Thuốc Đông y trong điều trị ho mạn tính

Ho là phản ứng bảo vệ cơ thể, nó giúp khai thông đường thở khỏi đàm và những dị vật có khả năng cản trở hô hấp. Mọi trường hợp ho kéo dài trên hai tháng hoặc hơn, dù chỉ xuất hiện vào buổi sáng, về đêm, hoặc bất cứ thời điểm cụ thể nào trong năm, đều được định nghĩa là ho mãn tính và cần chăm sóc y tế.

Ho mãn tính liên quan đến các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng hô hấp, chảy dịch mũi sau, hen, trào ngược dịch vị, dị vật, khối u đường hô hấp và do thuốc. Những trường hợp ho như thế này chỉ có thể thuyên giảm khi giải quyết được bệnh căn. Tuy vậy, một số trường hợp ho dai dẳng mãn tính rất khó xác định nguyên nhân, gây khó khăn cho chẩn đoán dẫn đến sai lầm trong điều trị.

Y học cổ truyền có nhiều kinh nghiệm phong phú trong điều trị ho, không chỉ “trị triệu chứng” mà còn “trị gốc bệnh”. Thuốc Đông dược và lí luận cổ truyền song hành cùng nhau trong điều trị các vấn đề có tính căn bản.

Theo lý luận Y học cổ truyền, ho mãn tính liên quan đến bất thường hoạt động của tạng phủ. Ví dụ, bệnh có thể ở bản thân tạng Phế hoặc các tạng phủ có quan hệ biểu lý với nó. Ho mãn tính là một bệnh lý phức tạp cần thời gian để phục hồi. Các nguyên lý để điều trị ho mãn tính theo YHCT gồm:

  • Dùng phương pháp bổ Tỳ/ Thận, dưỡng Phế hoặc bình Can để điều hòa chức năng tạng Phế và các tạng phủ có liên quan.
  • Nếu vì tạng phủ vận hành bất thường mà sinh ra nội tà, cần loại bỏ tà bằng các phương pháp như: thanh nhiệt, tả hỏa, trừ thấp và hóa đàm.
  • Làm dịu họng và đường dẫn khí, và giúp phục hồi chức năng tiết các chất tiết sinh lý.

 

Không có một bài thuốc duy nhất nào có thể điều trị được mọi chứng ho. Mỗi bài thuốc phù hợp với một đối tượng bệnh nhân cụ thể, và được gia giảm trong quá trình điều trị. Các bài thuốc đông dược thường được dùng dưới dạng thuốc sắc (thang thuốc) và có thể điều chỉnh các vị thuốc, tăng hoặc giảm liều theo từng ngày, nhằm điều trị phù hợp với diễn biến bệnh của bệnh nhân.

Thông qua bốn phương pháp khám bệnh (Tứ chẩn), Bác sĩ YHCT sẽ phát hiện ra các chứng hậu (hội chứng) phản ánh sự thay đổi về bệnh lý để đưa ra pháp điều trị và bài thuốc thích hợp. Dưới đây là các chứng hậu thường gặp trong ho mãn tính.

Đàm ẩm làm tổn thương Phế

Triệu chứng: Ho kéo dài, nhiều đàm trắng, đặc. thường kèm theo các triệu chứng khác gồm như: cảm giác tức ở ngực và vùng thượng vị, chán ăn, mệt mỏi, đôi khi đại tiện lỏng. Rêu lưỡi trắng, nhờn; mạch nhu hoạt.

Pháp điều trị: Kiện Tỳ, táo thấp, hóa đàm và giảm ho.

Bài thuốc: Nhị trần thang gia giảm.

Đây là bài cổ phương kinh điển để trừ đàm thấp, trong đó Bán hạ phối hợp với Phục linh có công dụng táo thấp hóa đàm. Trần bì và Cam thảo điều hòa và thúc đẩy công năng tạng Tỳ. Gia thêm các vị thuốc nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn. Ví dụ:

  • Nếu bệnh nhân ho nhiều đàm, tức ngực, gia các vị sau để tăng cường công hiệu táo thấp, trừ đàm:
Thương truật Thân rễ cây Thương truật Rhizoma Atractylodis
Hậu phác Vỏ cây Hậu phác Cortex Magnoliae Officinalis
Khổ hạnh nhân Nhân hạch quả mơ đắng Semen Armeniacae Amarum
Ý dĩ nhân Hạt bo bo đã bỏ vỏ Semen coicis
  • Trường hợp ho nặng, gia các vị sau để tăng tác dụng tuyên thông Phế, giáng khí
Ma hoàng Toàn cây Ma hoàng, bỏ rễ & đốt Herba Ephedrae
Bạch tô tử Quả của cây Tía tô Fructus Perillae
Khổ hạnh nhân Nhân hạt của quả mơ đắng Semen Armeniacae Amarum
Bạch tiền Thân rễ cây Bạch tiền Rhizoma Cynanchi Stauntonii
  • Mệt nhọc nhiều, chất lưỡi nhạt, mạch nhược; gia các vị có tác dụng kiện Tỳ bổ khí
Đảng sâm Rễ củ cây Đảng sâm Radix Codonopsis Pilosulae
Bạch truật Rễ cây Bạch truật Rhizoma Atractylodis Macrocephalae

Trong trường hợp tỳ hư hoặc ăn uống quá nhiều đồ sống lạnh, dễ sinh ra chứng ho do hàn ẩm, hàn đàm lưu phục bên trong. Biểu hiện triệu chứng gồm: Ho đàm trắng loãng, tay chân lạnh, da nhợt, sắc mặt xanh, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhầy hoặc ướt, mạch trì huyền. Điều trị có thể phối hợp bài thuốc trên với bài thuốc Bình vị tán để trừ dư thấp và hàn tà, hoặc có thể chọn gia thêm các vị có tính ôn ấm như:

Tế tân Toàn cây Tế tân Herba Asari
Can khương Gừng khô Rhizoma Zingiberis
Ngũ vị tử Quả của cây Ngũ vị tử Fructus Schisandrae

Đàm nhiệt uất Phế

Triệu chứng: Ho kéo dài có đàm vàng dính, nặng mùi hoặc ho máu; thường kèm các triệu chứng khác như thở nhanh thô, tức ngực, khi ho đau ngực nhiều hơn, đắng miệng, khát, ngây ngấy sốt. Chất lưỡi vàng nhầy; mạch hoạt sác hoặc huyền hoạt.

Pháp điều trị: thanh nhiệt, hóa đàm, thông lợi phế khí.

Bài thuốc: Thanh kim hóa đàm thang

Trong thang này, Tang bạch bì, Hoàng cầm, Chi tử và Tri mẫu có tác dụng thanh Phế nhiệt. Xuyên bối mẫu, Qua lâu nhân và Cát cánh trừ Phế đàm. Quất hồng và Phục linh kiện Tỳ để chặn nguồn hóa sinh đàm. Mạch đông và Cam thảo dưỡng Phế và thúc đẩy sự hồi phục của các tạng phủ.

  • Nếu đàm đặc dính, có mùi khó chịu, dùng các vị sau để tăng cường tác dụng thanh hóa nhiệt đàm
Ngư tinh thảo Toàn cây, trừ rễ, của cây Diếp cá Herba houttuyniae
Kim kiều mạch Thân rễ cây Kiều mạch dại Rhizoma Fagopyri Cymosi
Liên kiều Quả cây Liên kiều Fructus Forsythiae
Đông qua nhân Hạt Bí đao Semen Benincasae
Ý dĩ nhân Hạt bo bo Semen coicis
  • Nếu Phế khô và có nhiệt, bệnh nhân có thể ho khó khạc, khát, miệng họng khô, dùng các vị sinh tân để khiến đàm loãng hơn:
Nam sa sâm Rễ cây Sa sâm nam Radix Adenophorae Strictae
Thiên hoa phấn Rễ cây Qua lâu Radix Trichosanthis

Can hỏa phạm Phế

Triệu chứng: Ho thường xuyên, từng cơn, kèm theo đau ngực do ho, mặt đỏ, miệng họng khô. Các triệu chứng thay đổi tùy thuộc vào tình chí. Lưỡi đỏ, rêu vàng khô; mạch huyền sác.

Pháp điều trị: thanh Phế, bình Can, thuận khí, giáng hỏa.

Bài thuốc: Tả bạch tán hợp Đại cáp tán gia giảm.

Trong phương này, Thanh đại và Cáp xác có tác dụng thanh tán uất hỏa của Can và hóa đàm. Hoàng cầm, Tang bạch bì và Địa cốt bì trừ Phế nhiệt. Ngạch mễ và Cam thảo hòa vị sinh tân.

 

  • Khi có triệu chứng mặt nóng bừng và cáu bẳn, thêm các vị có tác dụng thanh Can tả hỏa như
Chi tử Quả dành dành Fructus Gardeniae
Mẫu đơn bì Vỏ rễ cây Mẫu đơn Crotex Moutan
  • Ngực đầy tức, đoản hơi nên dùng các vị có tác dụng thuận khí như:
Đình lịch tử Hạt cây Đình lịch Semen Lepidi
Qua lâu Vỏ Qua lâu Fructus Trichosanthis
Chỉ xác bitter orange peel Fructus Aurantii
  • YHCT quan niệm rằng đau ngực sườn là do uất ở kinh Can, trường hợp này dùng thêm các vị như:
Uất kim Rễ cây Nghệ Radix Curcumae
Ty qua lạc Quả mướp Retinervus Luffae Fructus
  • Dư nhiệt thường gây ra đờm dính khó khạc, các vị sau có tác dụng thanh nhiệt, giúp khạc đờm dễ dàng:
Hải phù thạch Đá bọt ở biển
Chiết bối mẫu Củ cây Triết bối mẫu Bulbus Fritillariae Thunbergii
Đông qua nhân Hạt bí đao Semen Benincasae
  • Ho dai dẳng lâu ngày kèm miệng họng khô nhiều chứng tỏ Phế bị tổn thương, cần chọn các vị thuốc có tác dụng dưỡng Phế phù hợp
Bắc sa sâm Rễ cây Sa sâm bắc Radix Glehniae
Bách hợp Củ của cây Bách hợp Bulbus Lilii
Mạch đông Rễ củ của cây Mạch môn Radix Ophiopogonis
Thiên hoa phấn Rễ cây Qua lâu Radix Trichosanthis
Kha tử Quả cây Kha tử Fructus Chebulae

Phế âm hư

Triệu chứng: ho khan, ho ra máu. Các triệu chứng khác gồm sốt nóng về chiều, gò má đỏ, lòng bàn tay – bàn chân nóng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, mệt mỏi, cáu gắt. Lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Pháp điều trị: dưỡng Phế, thanh Phế nhiệt, trừ đàm, chỉ khái.

Bài thuốc: Sa sâm Mạch đông thang gia giảm.

Trong phương này, Sa sâm, Ngọc trúc, Mạch đông, Thiên hoa phấn có tác dụng dưỡng Phế, sinh tân. Tang diệp thanh nhiệt trừ đàm ở phần biểu. Cam thảo và Bạch biển đậu kiện Tỳ giúp vận hóa thủy cốc tinh vi từ đó thúc đẩy công năng tạng Phế.

  • Ho dai dẳng lâu ngày là do nhiệt uẩn phế, cần dùng thêm các vị thanh nhiệt. Trong bài trên, bỏ Tang diệp, thêm:
Tang bạch bì Vỏ rễ cây Dâu Cortex Mori Radicis
Địa cốt bì Vỏ rễ cây Khởi tử Lycii Radicis Cortex
  • Ho dữ dội cần thêm các vị có tác dụng hòa hoãn Phế khí
Xuyên bối mẫu unibract fritillary bulb Bulbus Fritillariae Cirrhosae
Khổ hạnh nhân Nhân hạch của quả mơ đắng Semen Armeniacae Amarum
Bách bộ Rễ cây Bách bộ Radix stemonae
  • Ho kèm đoản hơi, dùng các vị sau để cố Phế khí:
Ngũ vị tử Quả của cây Ngũ vị tử Fructus Schisandrae
Kha tử Quả Kha tử Fructus Chebulae
  • Ho có đàm vàng đặc là do Phế âm hư mà sinh nhiệt, cần gia thêm các vị có tác dụng thanh nhiệt trừ đàm:
Hải cáp xác Vỏ sò biển Concha Meretricis Seu Cyclinae
Tri mẫu Thân rễ cây Tri mẫu Rhizoma Anemarrhenae
Qua lâu Vỏ Qua lâu Fructus Trichosanthis
Trúc nhự Lớp vỏ giữa của thân cây Tre Caulis Bambusae in Taeniam
Hoàng cầm Rễ cây Hoàng cầm Radix Scutellariae
  • Ho ra máu là do nhiệt bức huyết, nên dùng các vị thuốc có tính lương như:
Chi tử Quả Dành dành Fructus Gardeniae
Mẫu đơn bì Vỏ rễ của cây Mẫu đơn Crotex Moutan
Bạch mao căn Thân rễ cây cỏ tranh Rhizoma Imperatae
Bạch cập Củ Bạch cập Rhizoma Bletillae
Ngẫu tiết Ngó sen Nodus Nelumbinis Rhizomatis
  • Có thể trị bốc hỏa hoặc sốt nhẹ bằng các vị:
Ngân sài hồ Rễ cây Sài hồ Radix Stellariae
Thanh hao Cành & lá cây Thanh hao Herba artemisiae Annuae
Bạch vi Rễ cây Bạch vi Radix Cynanchi Atrati
  • Ho kèm thở khò khè hoặc khó thở, có thể xuất hiện chứng Thận khí hư, dùng các vị sau để cố Thận khí:
Thục địa Củ Sinh địa đã qua cửu chưng cửu sái Rhizoma Rehmanniae Praeparatae
Sơn thù du Thịt quả của cây Sơn thù Fructus Corni
Ngũ vị tử Quả của cây Ngũ vị tử Fructus Schisandrae
Nhân sâm Rễ cây Nhân sâm Radix Ginseng
Cáp giới Tắc kè Gekko

Trường hợp ho mãn tính có xu hướng bùng phát thành từng đợt, điều trị liên tục ở thời kì ngoài đợt cấp có hiệu quả trong việc làm giảm các cơn ho cũng như làm giảm nhẹ triệu chứng, thầy thuốc YHCT thường chú trọng bổ can thận trọng thời kì này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

798