– BA ĐẬU THIẾP TỀ PHÁP 巴豆贴脐法
Phép chữa ngoài của bệnh phù thũng. Lấy Ba đậu, bột Thủy ngân, Lưu huỳnh. Cùng tán thành bột, dùng một miếng bông sạch, bọc thuốc để trên rốn, bên ngoài dùng miếng gạc băng lại khoảng 1 giờ, sẽ xổ ra nước, đợi khi xổ được khoảng 3-4 lần thì bỏ thuốc ra. Ăn ít cháo nguội để cầm xổ và bồi bổ. Dùng chữa thấp thịnh, phù thũng nặng từ dưới thắt lưng trở xuống kèm có đau bụng.
– BA ĐẬU TRÚNG ĐỘC 巴豆中毒
Ngộ độc Ba đậu. Có các triệu chứng: miệng cổ họng nóng đau, mặt đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, đau bụng dữ dội, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê, vàng da, nặng thì sẽ chết.
– BÁC ĐÀI 剥苔
Rêu lưỡi bong tróc. Rêu lưỡi thường xuyên bong tróc như hình như bản đồ. Nguyên nhân phần nhiều là do trùng tích. Nếu trong các bệnh nhiệt, có thời gian ngắn toàn bộ rêu lưỡi đều bong tróc, đôi khi thấy chất lưỡi đỏ mà sáng như mặt kiếng. Thường gặp trong các bệnh nặng do Can Thận âm khuy tổn, hoặc do chính khí hư bệnh tà hãm bên trong.
– BẠC 薄
Là mỏng, nhạt.
➊ Giảm bớt; nhạt nhẽo; ăn thanh đạm (thức ăn ít dầu mỡ). ➌ Xâm phạm cái chính mình không thắng được ‘bạc sở bất thắng’ [‘Lục tiết tạng tượng luận’ (Tố vấn)]. ➋ Bức bách bệnh tà phát ra ngoài ‘bạc chi, kiếp chi’ [‘Chí chân yếu đại luận’ (Tố vấn)].
– BẠC BÌ SANG 薄皮疮
Nhọt lở ở ngoài da, sau khi ra hết mủ máu, chỉ còn lại 1 lớp da mỏng, cho nên mới có tên gọi. Nguyên nhân do phong nhiệt ủng trệ ở bì phu mà gây ra.
– BẠC NIÊM 薄贴
Còn gọi là thuốc cao hoặc cao thuốc.
– BẠC QUYẾT 薄決
Do giận dữ quá độ, tinh thần kích thích, dương khí cang thịnh. Huyết theo khí xông bốc lên đầu, xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, choáng ngất (té xỉu) đột ngột.
– BẠC TRƯỜNG TRĨ 泊肠痔
Bệnh trĩ ở vùng giang môn.
– BÁCH BỆNH GIAI SINH VU KHÍ 百病皆生于气
Trăm bệnh đều do khí sinh ra. Như:
Giận thì khí bốc lên,
Mừng thì khí chùn lại,
Buồn thì khí tiêu tán,
Lo thì khí nén lại,
Hàn thì khí thu,
Nhiệt thì khí tiết,
Sợ thì khí loạn,
Nhọc thì khí háo,
Nghĩ ngợi thì khí kết.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh có thể ảnh hưởng tới hoạt động của khí, làm cho cơ năng của tạng phủ không điều hòa mà gây ra bệnh.
– BÁCH HÀI 百骸
Xương trong cơ thể người.
– BÁCH HỢP BỆNH 百合病
Do tình chí uất ức hoặc do sau khi bệnh nặng, làm cho Tâm Phế âm hư mà phát sinh các chứng nội nhiệt. Triệu chứng: thần chí không yên, trầm mặc ít nói, muốn ngủ mà không ngủ được, muốn đi mà không đi được, muốn ăn mà không ăn được, khi nóng khi lạnh lúc có lúc không, miệng đắng, tiểu vàng…
– BÁCH NHẬT KHÁI 百日咳
Bệnh ho gà. Là bệnh truyền nhiễm thường phát vào mùa đông xuân, bệnh hay gặp ở trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Trên lâm sàng thường thấy ho từng cơn, kèm theo có co giật, sau khi ho có dấu hiệu đặc trưng là thường có tiếng rít kéo dài mỗi khi trẻ hít vào.
– BÁCH TIẾT 百节
Các khớp xương trong cơ thể.
– BÁCH TOÁI KHÁI 百啐咳
Còn gọi là Nhũ thấu, Bách toái thấu.
– BÁCH TOÁI THẤU 百啐嗽
Chứng ho ở trẻ em. Trẻ sơ sinh mới sinh trong vòng trăm ngày bị ho, nhiều đờm, khò khè, khó thở khiến trẻ ngủ không yên. Nguyên nhân thường do trẻ bị cảm mạo hoặc bị viêm phổi.
– BÁCH TRÙNG NHẬP NHĨ 百虫入耳
Côn trùng chui vào lỗ tai.
– BÁCH TUẾ SANG 百岁疮
Là loại bệnh ngoài da. Còn gọi là Thiên hoa.
– BẠCH 白
Một trong ngũ sắc. Tức là màu trắng. Theo ngũ hành thì trắng thuộc kim, theo ngũ tạng thì trắng thuộc Phế. Thường có quan hệ mật thiết với hư chứng và hàn chứng.
– BẠCH BÁC PHONG 白驳风
Còn gọi là Bạch điến phong.
– BẠCH BĂNG 白崩
Trong âm đạo phụ nữ đột nhiên tiết ra lượng lớn chất dịch trắng loãng. Nguyên nhân có thể do ưu tư quá độ, làm tổn thương Tâm Tỳ, hoặc do hư lạnh, mệt nhọc quá sức làm tổn thương bào mạch mà gây bệnh.
– BẠCH BỒI 白涪
Nổi mẩn ngứa ngoài da. Thường thấy ở vùng cổ gáy, ngực bụng nổi lên những nốt nhỏ mọng nước màu trắng giống như thủy tinh vì vậy gọi là tinh bồi. Nguyên nhân do bệnh thấp ôn hoặc do thấp nhiệt ứ trở ở phần khí. Còn gọi là Tinh bồi.
– BẠCH CHẨN 白疹
Tức Bạch bồi.
– BẠCH DÂM 白淫
1. Âm đạo phụ nữ bài tiết ra chất dịch dính nhớt, màu trắng. Nguyên nhân do phòng sự quá độ hoặc hạ tiêu có thấp nhiệt.
➋ Hiện tượng tinh dịch tiết ra ở quy đầu do phòng dục quá độ, dục hỏa bốc lên.
➌ Chứng Hoạt tinh ở (nam giới); Bạch đới (ở nữ giới).
– BẠCH ĐÀI 白苔
Rêu lưỡi có màu trắng. Tùy theo sự biến hóa của bệnh mà xuất hiện rêu lưỡi dày hay mỏng. Thường rêu lưỡi có màu trắng mỏng và nhuận ướt là rêu lưỡi bình thường. Nếu rêu lưỡi trắng mỏng mà khô, phần lớn do tân dịch thiếu gây nên.
– BẠCH ĐIẾN PHONG 白癜风
Loại bệnh ngoài da. Do phong tà xâm nhập biểu, khí huyết không điều hòa, huyết không nuôi dưỡng da mà sinh ra bệnh. Triệu chứng: vùng da cục bộ xuất hiện đốm trắng, bệnh có thể phát ra ở bất kỳ bộ vị nào của cơ thể, có những hình dạng màu trắng sữa, to nhỏ không đều, khác hẳn với màu da bình thường, ở giữa những đốm trắng có những nốt nhỏ li ti màu đỏ sẫm, không ngứa, không đau.
– BẠCH ĐỚI 白带
Tình trạng từ trong âm đạo tiết ra chất dịch nhớt dính, màu trắng, dài như sợi dây (cho nên gọi là bạch đới). Trong trạng thái bình thường, ở âm đạo phụ nữ trưởng thành thường bài tiết chút ít chất dịch này, phần nhiều không màu sắc, không tanh hôi. Nếu bạch đới lượng nhiều, màu sắc thay đổi và có mùi tanh hôi là bệnh lý.
– BẠCH HÃM NGƯ LÂN 白陷鱼鳞
Triệu chứng: ở giữa tròng đen có lớp màng trắng như cánh hoa, hoặc như vảy cá, chính giữa hõm, tròng trắng đỏ, ra sáng thì chảy nước mắt. Nguyên nhân phần nhiều do phong nhiệt ở Can Phế bốc lên trên mắt mà gây ra. Còn gọi là Hoa ế bạch hãm.
– BẠCH HẦU 白喉
Bệnh truyền nhiễm cấp thường gặp ở trẻ em. Do cảm nhiễm khí dịch lệ. Biểu hiện là vùng hầu họng đau nhức, hai bên hạch amiđan xuất hiện đốm trắng, sau đó phát triển thành lớp màng giả màu trắng xám, lan nhanh ra chung quanh, rất khó cạo, nếu cố nạo thì sẽ gây chảy máu. Bệnh nếu lan ra tới cổ họng thì làm cho đường hô hấp bế tắc.
– BẠCH HẬU HOẠT ĐÀI 白厚滑苔
Rêu lưỡi trắng dày mà trơn bóng. Thường là các biểu hiện của hàn thấp sau khi xâm nhập vào cơ thể. Nếu là biểu chứng sẽ thấy rêu lưỡi này. Nguyên nhân phần nhiều là do phong hàn kèm có thấp gây ra. Nếu là lý chứng mà thấy rêu này là do Tỳ Vị có hàn thấp.
– BẠCH HỔ LỊCH TIẾT 白虎历节
Tức Lịch tiết phong.
– BẠCH HỔ PHONG 白虎风
Tức Lịch tiết phong.
– BẠCH KHUẨN 白菌
Tức Bạch hầu.
– BẠCH LẠI 白癞
Do ác phong xâm nhập vào giữa bì phu và huyết phận, làm cho màu da cục bộ biến thành màu trắng, kèm thấy tay chân tê dại, mất sức, cơ nhục đau nhức, tiếng nói khản đục, nhìn vật mơ hồ.
– BẠCH LẠT LÊ 白鬎鬁
Tức Bạch thốc sang. (Xem chi tiết ở mục này).
– BẠCH LẬU 白漏
Từ trong âm đạo tiết ra chất dịch màu trắng loãng rỉ rả không dứt. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Phế khí hư.
– BẠCH LỴ 白痢
Chứng kiết lỵ ra màu trắng nhầy hoặc ra như mủ. Nguyên nhân do thấp và nhiệt tà trệ ở phần khí sinh ra.
– BẠCH MẠC XÂM TINH 白膜侵睛
Bệnh lý ở giác mạc, nguyên nhân do Can Phế nhiệt thịnh hoặc do âm hư hỏa vượng gây ra. Biểu hiện là giữa tròng đen và tròng trắng nổi lớp màng màu trắng xám, gây đau, ra ánh sáng thì chảy nước mắt.
– BẠCH MAI ĐÀI 白霉苔
Rêu lưỡi trắng mà nổi hột như hạt cơm. Thường gặp trong dạ dày có nhiệt cực, tân dịch hủ hóa gây nên. Nếu cả lưỡi và xoang miệng có lớp rêu như vậy là biểu hiện của bệnh tình nghiêm trọng.
– BẠCH NHÃN 白眼
Tròng trắng mắt, tiếp giáp với củng mạc. Còn gọi là Bạch tinh, Khí luân.
– BẠCH NHẬN ĐINH 白刃疔
Tình trạng trong lỗ mũi mọc mụn nước màu trắng nhỏ, trên đỉnh cứng, dưới chân nổi cao gây nghẹt mũi, khó thở. Nguyên nhân phần nhiều do Phế kinh có hỏa độc ngưng tụ mà gây ra.
– BẠCH NHỤC TẾ 白肉际
Nhục tế: (nơi tiếp giáp lớp thịt màu trắng, màu đỏ ở bên trong, bên ngoài của tứ chi). Mặt trong nơi gấp cổ tay thuộc phần âm, sắc da hơi trắng gọi là bạch nhục tế, nơi duỗi ra ở cổ tay thuộc phần dương, sắc da hơi sẫm gọi là xích nhục tế, mặt ngoài đùi thuộc phần dương gọi là xích nhục tế.
– BẠCH NHƯ KHÔ CỐT 白如枯骨
Sắc chính của tạng Phế, là cách hình dung sắc bệnh có màu trắng như màu xương khô, không tươi nhuận, thường gặp ở người khí huyết đều hư lâu ngày, Vị khí suy bại.
– BẠCH NIÊM NỊ ĐÀI 白粘腻苔
Trên bề mặt của lưỡi đóng 1 lớp rêu trắng đục, dày dính, thường là biểu hiện có đàm thấp trong cơ thể, bệnh phần nhiều thuộc hàn chứng.
– BẠCH NỘI CHƯỚNG 白内障
Tức Viên ế nội chướng.
– BẠCH SANG 白疮
Tức Tùng bì tiển.
– BẠCH SI 白痴
Tên bệnh. Tức là chứng ngũ nhuyễn, thai nhược, thai khiếp. Đặc trưng lâm sàng là đầu mềm, cổ mềm, chân tay mềm, cơ nhục nhão, miệng mềm… có thêm dấu hiệu phát dục chậm chạp, trí lực không đầy đủ. Nguyên nhân thường do bẩm sinh tiên thiên bất túc hoặc do ăn uống thiếu thốn gây nên.
– BẠCH TIẾT PHONG 白屑风
Bệnh ngoài da. Do phong tà xâm nhập vào lỗ chân lông, uất lâu làm cho huyết táo, da dẻ không được nuôi dưỡng gây nên bệnh. Bệnh này phần nhiều gặp ở thanh niên, thường phát trên vùng đầu. Ngứa ngáy muốn gãi, khi gãi thì tróc ra những lớp vảy nhỏ màu trắng, lông tóc dễ rụng. Tương đương với chứng viêm da tiết bã ở YHHĐ.
– BẠCH TINH 白睛
Còn gọi là bạch nhãn. Bao gồm kết mạc mắt và củng mạc, thuộc khí luân, vùng này có liên quan đến tạng Phế.
– BẠCH TINH DẬT HUYẾT 白睛溢血
Tròng trắng mắt chảy máu. Bệnh do Phế kinh có nhiệt tà, bức huyết đi càn. Cũng có thể do uống nhiều rượu quá độ hoặc do ngoại thương gây nên. Chứng trạng chủ yếu là bề mặt tròng trắng mắt xuất hiện xung huyết, màu đỏ tươi, có giới hạn rõ, nặng hơn thì có hiện tượng chảy máu, sau vài ngày tự nhiên bệnh giảm dần, tiên lượng không nguy hại.
– BẠCH THỐC SANG 白秃疮
Bệnh chốc đầu, hoặc vùng da trên đầu bị nấm độc sinh ra. Bệnh do tiếp xúc truyền nhiễm gây ra. Lúc phát bệnh thấy trên đầu có vảy trắng, ngứa gãi, lâu ngày kết thành mảng và làm rụng tóc.
– BẠCH TRỌC 白濁
Bệnh chứng. Là chứng tiểu ra màu trắng đục. Phần nhiều do thấp nhiệt dồn xuống bàng quang mà gây ra.
– BẠCH TRÙNG BỆNH 白虫病
Tức Thốn bạch trùng bệnh.
– BÃI CỰC CHI BẢN 罢极之本
(Bãi: Mệt nhọc). Ý nói tạng Can. Quan niệm của đông y cho rằng ‘Can chủ cân’, Can quản lý các hoạt động về gân, là căn bản của các hoạt động trong cơ thể. Khi cơ thể hoạt động, sự chịu đựng được mỏi mệt có liên quan mật thiết với các chức năng hoạt động của Can.
– BẠI HUYẾT 败血
Tình trạng ứ huyết tràn ra ngoài kinh mạch, tích ở thớ thịt, loại huyết này mất tác dụng sinh lý, ứ đọng lại gây hại cho cơ thể.
– BẠI HUYẾT XUNG PHẾ 白血冲肺
Sau khi sanh, máu hôi ra không hết, có các triệu chứng: vùng ngực phiền táo, mặt đỏ, thở gấp, suyễn nghịch.
– BẠI HUYẾT XUNG TÂM 白血冲心
Sau khi sanh, máu hôi không ra được, xuất hiện các triệu chứng phát sốt, nói càn, nặng thì phát cuồng.
– BẠI HUYẾT XUNG VỊ 白血冲胃
Sau khi sanh, máu hôi không ra được, xuất hiện các triệu chứng cơ năng tiêu hóa bị chướng ngại.
– BAN 班
Trên bề mặt của da nổi lên từng mảng. Nguyên nhân do nhiệt bệnh, hoặc nhiệt tà uất ở kinh Dương minh xâm nhập vào phần vinh và phần huyết. Bên ngoài phát ra cơ biểu mà sinh bệnh, thường kèm có sốt, miệng khát muốn uống, phiền táo không yên, nặng thì xuất hiện các chứng hôn mê, nói sảng, lưỡi đỏ mà khô.
– BAN CHẨN 班疹
Tình trạng trong quá trình mắc các bệnh sốt, ngoài da nổi thành dề hoặc thành mảng, màu đỏ hoặc tía. Nếu sờ vào không cảm thấy vướng tay, gọi là ban. Nốt có hình dạng như hạt gạo, màu đỏ hoặc tía, nổi hẳn lên trên lớp da, sờ vào thấy cộm ở dưới tay gọi là chẩn. Nguyên nhân phần nhiều do nhiệt uất ở kinh Dương minh, hoặc phong nhiệt độc gây bế tắc ở doanh phận, xuyên qua lạc mạch mà xuất hiện ở lớp da.
– BAN NGẬN CỨU 瘢痕灸
Phương pháp dùng mồi ngải cứu đốt trực tiếp lên huyệt vị, khi mồi ngải cháy hết, dán cao lên trên khiến nơi cứu sẽ phồng lên như bị bỏng hóa thành mủ để lại vết sẹo. Nhược điểm của phép cứu này là làm cho bệnh nhân đau đớn, hiện nay ít sử dụng.
– BAN SA 班痧
Bệnh chứng: Toàn thân phát ra những đốm đỏ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng buồn nôn. Nguyên nhân do sa độc xâm nhập vào tấu lý, lưu trệ ở phần huyết, bên trong công vào tạng phủ gây ra bệnh.
– BAN THỐC 班秃
Tóc rụng thành từng mảng trong một thời gian ngắn, da đầu đỏ, láng bóng hoặc kèm có ngứa gãi. Nguyên nhân phần lớn do huyết hư sinh phong, phong thịnh hóa táo, làm cho tóc không được huyết tới nuôi dưỡng mà phát bệnh. Còn gọi là Du phong.
– BÁN BIỂU BÁN LÝ 半表半里
Tình trạng ngoại tà xâm nhập vào khoảng giữa phần biểu và phần lý (bán biểu, bán lý). Có triệu chứng nóng lạnh, (hết nóng rồi tới lạnh hoặc ngược lại), ngực sườn đầy đau, Tâm phiền, buồn nôn, ăn uống không được, miệng đắng, họng khô, hoa mắt, mạch huyền.
– BÁN CHI PHONG 半肢风
Hiện tượng liệt một bên hoặc liệt nửa người bên dưới.
– BÁN SẢN 半产
Tức Tiểu sản (sanh non).
– BÁN THÂN BẤT TOẠI 半身不遂
Chứng trạng. Chỉ một bên cơ thể bị bại liệt. Phần nhiều thường gặp trong di chứng sau khi trúng phong. Hiện nay gọi là di chứng của tai biến mạch máu não.
– BÁN THÂN BẤT TÙY 半身不随
Là tên gọi khác của bán thân bất toại.
– BÁN THÂN HÃN XUẤT 半身汗出
Chứng trạng. Hiện tượng ra mồ hôi ở một bên cơ thể, còn bên kia thì không có. Nguyên nhân phần nhiều do khí huyết thiên hư, hàn đàm vít lấp kinh lạc sinh ra.
– BÁN THÂN MA MỘC 半身麻木
Chứng trạng. Hiện tượng tê nửa người, có thể là tê 1 bên hoặc tê nửa người bên trên, hoặc nửa người bên dưới.
– BÁN THÍCH 半刺
Thủ pháp châm cứu xưa. Một trong năm phép châm thích. Thường châm nông hoặc nếu sâu chỉ khoảng ½ thốn, và rút kim nhanh. Dùng để chữa các bệnh ngoại cảm phát sốt, ho đàm nhiều, suyễn thở.
– BÀN GIANG UNG 盘肛痈
Chung quanh hậu môn nổi nhọt có mủ. Nguyên nhân do ăn quá nhiều các thức ăn béo bổ hoặc do uống quá nhiều rượu, thấp nhiệt uất kết lại dồn xuống hạ tiêu mà gây bệnh.
– BÀN SÁN 盘疝
Tên bệnh. Chứng đau thắt xung quanh rốn. Nguyên nhân do cảm hàn, khí trệ mà sanh ra.
– BÀN TRƯỜNG SẢN 盘肠产
Phụ nữ khi sanh nở ruột ra theo thai nhi, sau khi thai nhi ra rồi mà ruột không thu vào. Tương đương với chứng phụ nữ khi sanh sa trực tràng. Nguyên nhân do phụ nữ vốn có khí hư mà gây ra.
– BÀN TRƯỜNG TRĨ 盘肠痔
Xem chứng Thoát giang, Trĩ.
– BÀN XÀ LỊCH 蟠蛇疬
Chứng tràng nhạc mọc quanh cổ giống như con rắn nằm khoanh.
Xem chứng loa lịch.
– BẢN 板
Mặt dưới lòng bàn chân, nơi tiếp giáp đốt cuối ngón cái.
– BẢN THẢO 本草
Là những tác phẩm viết về cây cỏ, động vật, khoáng sản dùng để làm thuốc.
– BẢN THẢO BỊ YẾU 本草備要
Viết năm 1694. Tác giả Uông Ngang (Nhận Yên) đời Thanh, Trung quốc. Sách gồm có 4 quyển. Nội dung chọn lọc 460 vị thuốc thường dùng, giới thiệu sơ lược sự phối hợp giữa dược tính và bệnh tật.
– BẢN THẢO CƯƠNG MỤC 本草刚目
Viết năm 1578. Tác giả Lý Thời Trân đời Minh, Trung quốc. Sách gồm có 52 quyển. Sách trình bày 1892 vị thuốc kèm hơn 1000 bản vẽ miêu tả các cây thuốc. Mỗi vị thuốc, cây thuốc đều được giới thiệu tính vị, chủ trị, cách sử dụng, nơi sinh sản, hình thái, cách thu hái, bào chế và phối hợp trong bài thuốc, kèm theo hơn 10.000 phụ trương.
– BẢN THẢO CƯƠNG MỤC THẬP DI
本草刚目拾遗
Viết năm 1765, Triệu Học Mẫn (Thứ Hiên), đời Thanh, Trung quốc. Sách gồm 10 quyển, bổ sung thêm 716 cây thuốc, vị thuốc trong ‘Bản thảo cương mục’ chưa có, trong đó bao gồm một số cây thuốc di thực từ nước ngoài, đồng thời còn hiệu đính một số vị thuốc trong ‘Bản thảo cương mục’ trình bày chưa chính xác.
– BẢN THẢO KINH TẬP CHÚ 本草经集注
Viết năm 536, Đào Hoằng Cảnh (Ẩn Cư), đời Lương, Trung quốc. Sách gồm 7 quyển. Dựa trên cơ sở ‘Thần nông bản thảo kinh’, chú thích, chỉnh lý và bổ sung thêm 365 vị.
– BÀNG 膀
Tức đoạn trên của cánh tay.
– BÀNG QUANG 膀胱
Một trong lục phủ, vị trí ở mặt trước của khoang bụng (thuộc vùng bụng dưới) có nhiệm vụ tàng chứa và bài tiết nước tiểu.
– BÀNG CHÂM THÍCH 傍针刺
Thủ thuật châm cứu dùng để chữa phong thấp mạn tính. Châm thẳng vào nơi đau 1 mũi kim và châm vào bên cạnh nơi đau 1 mũi kim [Thiên ‘Quan châm’ (Linh khu)].
– BÀNG QUANG CHỦ TÀNG TÂN DỊCH 膀胱注藏津液
Bàng quang được coi là ‘Quan châu đô’ (nơi chứa và vận chuyển) là nơi chứa đựng tân dịch đồng thời thông qua việc khí hóa của Thận biến thành nước tiểu bài tiết ra ngoài.
– BÀNG QUANG HƯ HÀN 膀胱虚汗
Một trong những loại biến hóa của bệnh lý. Do Thận dương hư nên công năng khí hóa của Bàng quang không đủ hoặc do hàn tà gây trở ngại mà phát sinh bệnh. Biểu hiện: tiểu són, tiểu lắt nhắt mà trong dài, hoặc tiểu không có sức, mạch tế nhược.
– BÀNG QUANG KHÁI 膀胱咳
Chứng mỗi khi ho thì tiểu tiện tự ra (dân gian thường gọi là ho té đái).
– BÀNG QUANG KHÍ BẾ 膀胱气闭
Hiện tượng bài tiết nước tiểu bị trở ngại, triệu chứng: thấy tiểu khó hoặc bí tiểu, kèm theo bụng dưới trướng đầy.
– BÀNG QUANG THẤP NHIỆT 膀胱湿热
Bệnh lý do thấp nhiệt tà uất tích ở bàng quang. Triệu chứng gồm tiểu lắt nhắt, tiểu ít, tiểu gắt, buốt hoặc tiểu ra máu, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch sác.
– BÀNG QUANG TRƯỚNG 膀胱胀
Chứng vùng bụng dưới trướng đầy, tiểu không lợi, nguyên nhân phần nhiều do bàng quang có hàn mà gây ra.
– BÀNG QUANG TÝ 膀胱痹
Tức chứng Bào tý.
– BAO TIỂN 包煎
Một số dược vật hoặc các cây cỏ có lông, khi làm thuốc thang thì phải dùng vải gói lại rồi mới cho vào sắc chung với các thuốc khác. Nếu làm thuốc tán, thuốc hoàn thì sau khi sao xong, cho vào túi vải dùng cây đập cho rụng lông, rồi mới trộn chung với các thuốc khác.
– BÁO THÍCH 报刺
Thủ thuật châm cứu, dùng để chữa các chứng đau nhức không có vị trí nhất định. Phương pháp châm là khi tìm được điểm đau, châm thẳng vào đó 1 mũi kim, lưu kim để đó, sau đó lần tìm chung quanh, nếu phát hiện chỗ đau tiếp theo thì rút kim đã châm ở điểm đau trước lại châm ngay vào điểm đau thứ hai.
– BÁO VĂN THÍCH 豹文刺
Thủ thuật châm cứu xưa, tìm những điểm ứ huyết, châm rồi nặn cho máu ứ ra. Dùng để chữa các bệnh lý do kinh lạc bị nghẽn tắc.
– BÀO 炮
Phương pháp chế biến thuốc bằng lửa, tức cho thuốc vào trong chảo nóng (giống như sao) đảo cho đến khi lớp lông hoặc gai bên ngoài thuốc ngả sang màu vàng là được, sau đó cho vào bao vải giã cho rụng lông hoặc gai (thường dùng đối với các dược liệu có gai, hoặc có lông như Thương nhĩ tử, Bạch tật lê, Cẩu tích, Cốt toái bổ). Bào có tác dụng làm giảm độc tính của thuốc.
– BÀO 胞
➊ Tử cung. ➋ Tên gọi tắt của nhau thai. ➌ Bàng quang. ➍ Mí mắt.
– BÀO 泡
Là phương pháp chế biến thuốc bằng nước. Tức là cho dược liệu vào ngâm hoặc nhúng trong nước, lấy ra ủ mềm (đối với các dược liệu cứng như Hà thủ ô, Hoài sơn, Thiên niên kiện…), hoặc có khi dùng hơi nước hoặc nước nóng để làm mềm dược liệu (như Bán hạ, Nam tinh, Đào nhân, Hạnh nhân). Tác dụng làm giảm độc tính và làm cho dược liệu mềm để dễ thái, dễ bóc vỏ.
– BÀO CHẾ 炮制
Quá trình gia công chế biến xử lý thuốc. Mục đích làm giảm bớt độc tính và tác dụng phụ của thuốc, đồng thời tăng cường hiệu quả của thuốc, làm thay đổi tính năng để tiện cho việc bảo quản và sử dụng.
– BÀO CHÍCH 炮炙
Giống như bào chế, là quá trình gia công chế biến và xử lý thuốc.
– BÀO CHÍCH ĐẠI PHÁP 炮炙大法
Viết năm 1622, Mục Hy Ung (Trọng Thuần), đời Minh-Trung quốc. Sách có 1 quyển. Trên cơ sở chỉnh lý cuốn ‘Lôi công bào chích luận’ có bổ sung thêm một số kinh nghiệm bào chế thuốc dân gian.
– BÀO CHUYỂN 胞转
Tức chuyển bào. Xem chi tiết ở mục chuyển bào.
– BÀO CUNG 胞宫
Còn gọi là Bào tạng, Nữ tử bào.
– BÀO HÀN BẤT DỰNG 胞寒不孕
Chứng tử cung lạnh, khó thụ thai. Do Thận dương bất túc, hoặc phong hàn xâm nhập vào bào cung, làm cho bào cung bị lạnh, nên khó thụ thai. Triệu chứng gồm vùng bụng dưới lạnh, người mát, tay chân lạnh, kinh đến sau kỳ, khó có thai.
– BÀO HỆ LIỄU LỆ 胞系了戾
Chức năng bài tiết của Bàng quang bị trở ngại. Triệu chứng bụng dưới đau quặn, tiểu tiện không thông. Nguyên nhân do nín đái, hoặc do nhiệt tà bức bào hệ, khiến bào hệ co thắt lại không giãn ra, nước tiểu ở trên Thận vào không được, nước tiểu chứa ở trong đáng tiết ra mà không tiết được cả trong lẫn ngoài đều tắc nghẽn làm cho tiểu tiện không thông.
– BÀO KIỂM 胞睑
Tức là mi mắt. Mi trên gọi là Mục thượng bào, Thượng bào, mi dưới gọi là Mục hạ bào, Hạ bào. Có tác dụng bảo vệ nhãn cầu và ngăn ngừa những tác nhân từ bên ngoài làm tổn thương mắt. Mi mắt có quan hệ mật thiết đến tạng Tỳ. Vì thế, khi thấy các bệnh lý ở mi mắt thì các thầy thuốc thường chữa vào Tỳ Vị. Còn gọi là Mục bào, Nhãn bào, Mục lý, Mục sào, Nhục luân.
– BÀO KIỂM THŨNG HẠCH 胞睑肿核
Tức Nhãn bào đàm hạch.
– BÀO LẠC 胞络
Tức bào mạch.
– BÀO LẬU 胞漏
Bệnh trạng sau khi thụ thai, âm đạo vẫn ra nước giống như máu nhưng không có hiện tượng đau bụng. Nguyên nhân do khí hư, huyết nhiệt, thai nguyên không bền, sinh hoạt vợ chồng lại không giữ gìn mà phát sinh bệnh.
– BÀO MẠCH胞脉
Những lạc mạch phân giải ở tử cung, trong đó bao gồm cả mạch Xung và mạch Nhâm. Tác dụng chủ yếu của bào mạch là chủ về kinh nguyệt và nuôi dưỡng bào thai “Bào mạch thuộc Tâm mà có đường lạc ở bào trung, không thấy hành kinh là do bào mạch bị bế tắc”.
– BÀO MÔN 胞门
Cửa tử cung.
– BÀO PHỤC 泡服
Một số dược liệu không thể nấu hoặc sắc lâu, chỉ nên dùng nước sôi hãm như hãm trà rồi uống. Như Bàng đại hải, Cúc hoa.
– BÀO TẠNG 胞脏
Bào cung, Nữ tử bào, Tử tạng. Từ thông thường để chỉ tử cung, nhưng nói về công năng của Nữ tử bào thì nó bao quát cả hệ thống sinh lý gồm cả tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng.
– BÀO THIỆT 匏舌
Tức chứng Đàm bao. Xem mục ‘Đàm bao’.
– BÀO THŨNG 胞肿
Còn gọi là Nhãn bì thũng. Là mí mắt sưng trướng, ngoại trừ các bệnh về mắt ra, còn lại là do bệnh lý ở toàn thân sinh ra.
– BÀO THŨNG NHƯ ĐÀO 胞肿如桃
Tình trạng mí mắt bị sưng nóng đỏ đau nổi lên như hạt đào, đồng thời thấy tròng trắng mắt đỏ, rát, chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Nguyên nhân do phong nhiệt độc tà công lên mắt, hoặc do Tỳ Vị tích nhiệt xông bốc lên mà sinh ra.
– BÀO TRỞ 胞阻
Triệu chứng đau bụng thường thấy ở phụ nữ mang thai. Trong thời gian mang thai có hiện tượng đau vùng bụng dưới. Nguyên nhân sự vận chuyển khí huyết ở bào mạch không được lưu thông, hoặc do huyết hư không nuôi dưỡng bào mạch gây ra bệnh.
– BÀO TÝ 胞痹
Nguyên nhân do phong hàn thấp tà xâm nhập vào Bàng quang làm cho chức năng khí hóa của Bàng quang bị rối loạn mà phát sinh bệnh. Triệu chứng: vùng bụng dưới trướng đầy, ấn vào đau nhói, tiểu tiện không thông.
– BÀO Y 胞衣
Tức nhau thai nhi.
– BÀO Y BẤT HẠ 胞衣不下
Hiện tượng nhau thai không ra. Thường sau khi sanh khoảng ½ giờ thì nhau thai ra, nếu qua ½ giờ mà nhau thai vẫn không ra là hiện tượng bệnh lý. Nguyên nhân do sau khi sanh khí huyết bị hư tổn quá nhiều, không còn đủ sức để đưa nhau thai ra, hoặc do khi sanh cảm nhiễm ngoại tà, làm cho khí huyết ngưng trệ gây nên.
– BẢO ANH LƯƠNG PHƯƠNG 保英良方
Sách y của Nguyễn Trực (1416-1473). Nội dung viết về cách trị các bệnh của trẻ em bằng thuốc nam, châm cứu, xoa bóp.
– BẢO NHI LAO 保儿劳
Chứng trạng phụ nữ mang thai bị ho kéo dài kèm theo ngũ tâm phiền nhiệt, thai động không yên. Nguyên nhân vốn do âm hư, khi mang thai khí huyết thường tập trung vùng bào cung để nuôi thai, âm dịch không đưa lên khiến Phế âm suy tổn. Nếu để lâu dẫn đến chứng lao ở người đang mang thai (vì vậy có tên là bảo nhi lao).
– BẢO SINH DIÊN THỌ TOẢN YẾU 保生延寿 攒要
Sách y của Đào Công Chính đời Hậu Lê (1623-?). Ông soạn cuốn ‘Bảo sinh diên thọtoản yếu’, trong đó sưu tầm, phân tích, tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học xưa như ‘Tuân sinh’, ‘Đạt sinh’, ‘Bản thảo cương mục’… và kinh nghiệm rèn luyện cơ thể của những người theo đạo Lão như Đào Hoằng Cảnh, Lữ Đồng Tân, Trần Đoàn… Nội dung sách ‘Bảo sinh diên thọ toản yếu’ hướng dẫn giữ gìn sức khỏe để tăng tuổi thọ như: Phương pháp giữ vệ sinh, điều dưỡng, rèn luyện tâm thần, trị bệnh bằng thư giãn, hô hấp, xoa bóp… và cách điều trị một số bệnh như tim, phổi, Thận, dạ dày. Quyển sách này được Định Nam Vương Trịnh Căn cho khắc in vào năm 1676 và phổ biến rộng.
– BÃO LUÂN HỒNG 抱轮红
Tức Xích đới bão luân.
– BÃO TẤT 抱膝
Dụng cụ để cố định xương bánh chè đầu gối trong trường hợp gãy xương hoặc sai khớp. gồm một miếng tre tròn nhẵn giống như mảnh xương bánh chè, bốn xung quanh có dây, cũng có khi lấy mảnh tre này đặt vào chỗ gãy ở đầu gối, lấy dây buộc chằng ra sau nhượng chân để cố định.
– BẠO ÂM 暴瘖
Chứng đột nhiên mất tiếng nói, thường do viêm thanh đới cấp hoặc trong các bệnh thủy thũng
– BẠO BĂNG 暴崩
Phụ nữ do giận dữ làm tổn thương Can, hoặc do bị đánh tức, té ngã, làm 2 mạch Xung, Nhâm bị tổn thương, bức huyết vọng hành, triệu chứng xuất hiện là chưa đến ngày hành kinh mà đột nhiên kinh huyết ra xối xả.
– BẠO BỆNH 暴病
Bệnh phát sinh đột ngột. Nói chung bạo bệnh chỉ trường hợp bệnh cấp tính.
– BẠO BỨC HẠ CHÚ 暴迫下注
Xem chi tiết ở mục Bạo chú.
– BẠO CHÚ 暴注
Chứng tiêu chảy xối xả. Còn gọi là Bạo chú hạ bệnh.
– BẠO LỘ XÍCH NHÃN SINH Ế 暴露赤眼生翳
Hiện tượng đột nhiên tròng đen đau, có màng. Tương đương với chứng viêm giác mạc.
– BẠO LUNG 暴聋
Đột nhiên phát sinh chứng tai ù, tai điếc.
– BẠO MANH 暴盲
Bình thường vốn không có bệnh gì khác. Đột nhiên mắt không nhìn thấy vật. Mắt và đồng tử nhìn từ bên ngoài vẫn bình thường. Nguyên nhân do Can khí thượng nghịch, khí trệ huyết ứ; hoặc do nguyên khí hư mà sinh ra, bệnh hay gặp trong viêm thần kinh mắt cấp, hoặc trong tắc ống động mạch trung tâm võng mạc, xuất huyết võng mạc, hoặc xuất huyết đáy mắt, hay bong võng mạc.
– BẠO NHÀN 暴痫
Đột nhiên phát sinh ra chứng Giản (điên cuồng).
– BẠO NHIỆT 暴热
Chứng sốt cao đột ngột, thuộc về chứng thực nhiệt, thường gặp ở các bệnh truyền nhiễm cấp.
– BẠO PHỐC暴卜
Đột nhiên té ngã hôn mê, bất tỉnh nhân sự.
– BẠO QUYẾT暴蹶
Đột nhiên té ngã, bất tỉnh nhân sự, thuộc Quyết chứng. Xem chi tiết ở Quyết chứng.
– BẠO THOÁT 暴脱
Âm dương khí huyết bị tổn thương cực độ dẫn đến chứng Thoát.
– BÁT CƯƠNG 八刚
Tám cương lĩnh dùng để biện chứng bao gồm: Âm, Dương, Biểu, Lý, Hàn, Nhiệt, Hư, Thực.
– BÁT CƯƠNG BIỆN CHỨNG 八刚辨证
Một trong những phương pháp biện chứng cơ bản, để tiến hành phân tích, quy nạp, vận dụng tám cương lĩnh Âm, Dương, Biểu, Lý, Hàn, Nhiệt, Hư, Thực, để chỉ rõ bộ vị có bệnh, các tình huống, các tính chất thịnh suy của chính tà, từ đó đề ra hướng chẩn đoán và điều trị thích hợp.
– BẠT CHÂM 拔针
Thủ thuật châm thích, sau khi châm xong một tay cố định huyệt vị, tay còn lại cầm kim vê hoặc rút kim từ từ ra khỏi cơ thể.
– BÁT ĐOẠN CẨM 八段锦
➊ Còn được gọi là Bát phiến cẩm. Một trong tên gọi của chỉ văn (vân tay của trẻ em). Tên gọi chung các dạng vân tay và hướng đi lan của nó. ➋ Một trong những phương pháp thể dục để bảo vệ sức khoẻ của người xưa.
– BÁT HỘI HUYỆT 八会穴
Còn gọi là hội huyệt gồm có 8 huyệt như:
Đản trung (Khí hội)
Cách du (Huyết hội)
Đại trữ (Cốt hội)
Dương lăng tuyền (Cân hội)
Tuyệt cốt (Tủy hội)
Thái uyên (Mạch hội)
Chương môn (Tạng hội)
Trung quản (Phủ hội)
– BÁT HỘI 八会
Nơi hội tụ tinh khí của Tạng, Phủ, Cân, Tủy, Huyết, Cốt, Mạch, Khí, có quan hệ mật thiết với các hoạt động sinh lý của cơ thể.
– BÁT KHÊ 八谿
Các khớp chân tay, gồm khớp khuỷu tay, khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp gối hai bên cộng lại là 8 khớp. Vì vậy gọi là bát khê.
– BÁT PHÁP 八法
Tám pháp trị cơ bản được áp dụng để điều trị gồm Hãn, Thổ, Hạ, Hòa, Ôn, Thanh, Tiêu, Bổ.
– BÁT PHIẾN CẨM 八片锦
➊ Tên gọi chung nói về các chỉ văn ở trẻ em. ➋ Tên gọi khác của Bát đoạn cẩm.
– BÁT PHONG 八风
Tám huyệt ở kẽ ngón nơi tiếp giáp xương bàn chân của bốn ngón chân, mỗi bên có 4 huyệt, cộng cả 2 chân là 8 huyệt.
– BÁT QUÁCH 八廓
Học thuyết chia mắt ra làm 8 bộ vị giống như thành quách để hộ vệ cho mắt cho nên mới có tên gọi. (tương ứng với ngũ luân trong nhãn khoa). Gồm có:
Thủy quách tương ứng với Thủy luân (ở giữa đồng tử).
Phong quách tương ứng với Phong luân (ở lòng đen).
Thiên quách tương ứng với khí luân.
Địa quách tương ứng với Nhục luân.
Hỏa quách tương ứng với phía trên con mắt.
Lôi quách tương ứng với phía dưới con mắt.
Sơn quách tương ứng với đầu con mắt.
Trạch quách tương ứng với đuôi con mắt.
– BÁT TÀ 八邪
Tám huyệt ở kẽ ngón nơi tiếp giáp xương bàn tay của bốn ngón tay, mỗi kẽ đều có tên huyệt Đại đô, Thượng đô, Trung đô, Hạ đô. Mỗi bên có 4 huyệt, cộng lại 2 bên là 8 huyệt.
– BẠT HỎA QUÁN 拔火罐
Tức giác hơi. Phương pháp dùng các vật dụng có hình dáng như cái ly, cách chung thường được làm bằng ống tre, thủy tinh. Dùng bông gòn tẩm cồn đốt lửa hơ vào bên trong ống rồi úp xuống cơ nhục hoặc huyệt vị nơi cần chữa bệnh (thường là ở vùng lưng) để giác hơi. Phương pháp này thường được dùng để chữa các chứng đau nhức, cảm cúm mới phát.
– BẠT QUÁN LIỆU PHÁP 拔罐疗法
Xem Bạt hỏa quán.
– BĂNG HÀ CHƯỚNG 崩瑕障
Chứng viêm giác mạc gây mủ trong nhãn khoa. Loại này nếu được chữa trị kịp thời thì hy vọng không ảnh hưởng thị lực hoặc chỉ trở ngại chút ít.
– BĂNG HÀ Ế 冰瑕翳
Mắt có mây màng mọc thành đốm hoặc thành mảng ở vùng phong luân (con ngươi), sắc trắng mỏng giống như băng trôi trên biển.
– BĂNG LẬU 崩漏
Từ gọi chung chỉ hiện tượng chưa đúng ngày hành kinh mà kinh từ âm đạo tiết ra. Nếu kinh ra rỉ rả kéo dài không dứt, lượng kinh ra không nhiều thì gọi là lậu. Nếu kinh ra xối xả lượng kinh nhiều gọi là băng.
– BĂNG TRUNG LẬU HẠ 崩中漏下
Tức băng lậu.
– BĂNG TRUNG 崩中
Hiện tượng chưa tới kỳ kinh mà kinh ra xối xả thì gọi là băng trung hay băng huyết.
– BẤT CANH Y 不更衣
Tức chứng bí đại tiện.
– BẤT DỤC 不育
Tình trạng yếu sinh lý ở nam giới. Nguyên nhân do bộ sinh dục phát triển không hoàn toàn, do bẩm sinh tiên thiên bất túc, do bệnh lý làm ảnh hưởng đến Thận khí, do tinh khí hư lạnh gây nên chứng bất dục.
– BẤT DỰNG 不孕
Chứng không thai nghén. Tương đương với vô sinh hiện nay.
– BẤT ĐẮC MIÊN 不得眠
Chứng mất ngủ, hoặc ngủ không sâu. Nguyên nhân do mệt mỏi, do âm hư nội nhiệt, do huyết hư không nuôi dưỡng Tâm, do lo nghĩ quá độ… gây ra.
– BẤT ĐẮC TIỀN HẬU 不得前后
Chứng đại tiện, tiểu tiện không thông.
– BẤT ĐẮC YỂN NGỌA 不得偃卧
Chứng không thể nằm ngửa.
– BẤT ĐỊNH HUYỆT 不定穴
Tên gọi khác của A thị huyệt.
– BẤT MỊ 不寐
Xem Bất đắc miên.
– BẤT NĂNG TUẪN 不能盹
Tròng mắt không chuyển động.
– BẤT NỘI NGOẠI NHÂN 不内外因
Một trong 3 nguyên nhân gây bệnh. Ngoại nhân, Nội nhân và Bất nội ngoại nhân. Bất nội ngoại nhân chủ yếu là do ăn uống, do lao quyện (làm việc nhọc mệt), do bị đánh tức, té, do trùng thú cắn…
– BẤT NGUYỆT 不月
Còn gọi là bế kinh. Con gái 14 tuổi thì bắt đầu có kinh nguyệt, nếu quá 18 tuổi mà không có kinh, hoặc đến kỳ mà không thấy có, cũng không phải do thụ thai hoặc cho con bú mà mất kinh từ 3 tháng trở lên thì gọi là bất nguyệt hay bế kinh.
– BẤT NHŨ 不乳
Hiện tượng trẻ sơ sinh sau khi sinh ra không bú. Thường sau khi sinh khoảng 12 giờ thì trẻ bắt đầu bú. Nếu quá 12 giờ mà không bú thì gọi là bất nhũ. Có 3 nguyên nhân dẫn đến bất nhũ. Thực chứng, hàn chứng, hư chứng. Hoặc do thai phẩn không ra, hoặc nhiệt tà uất kết ở Trường Vị hoặc nguyên khí suy nhược gây ra.
– BẤT PHỤC THỦY THỔ 不服水土
Tức Thủy thổ bất phục.
– BẤT PHỤC THỦY THỔ THŨNG 不伏水土肿
Chứng thủy thũng do thủy thổ bất phục. Các triệu chứng ngoại trừ phù thũng còn thấy hạ lợi, không thiết ăn uống, lồng ngực đầy tức, thở gấp, khó thở.
– BẤT THỰC 不食
Bệnh chứng do Tỳ Vị hư nhược, khí trệ hoặc đàm thấp nội trở dẫn đến chứng không muốn ăn uống.
– BẤT TRUYỀN 不传
Chỉ bệnh ngoại cảm không kể là bệnh dài hay ngắn nhưng chủ chứng và chủ mạch vẫn không thay đổi, bệnh tà không có chiều hướng lan truyền qua kinh khác.
– BẾ 闭
➊ Chứng bế. ➋ Chỉ đại tiểu tiện không thông.
– BẾ CHỨNG 闭证
Do tà khí hãm vào bên trong, gây ứ trở ở Tâm thần mà phát sinh bệnh. Có triệu chứng chủ yếu như tinh thần hôn mê, kèm thấy răng cắn chặt, hai tay nắm chặt, đàm dãi vít lấp, mạch huyền hoạt hoặc hồng sác.
– BẾ KINH 闭经
Còn gọi là Kinh bế, Bất nguyệt. Chỉ con gái đã hơn 18 tuổi mà chưa thấy kinh, hoặc đến kỳ mà không hành kinh. Nếu không phải do thụ thai hoặc cho con bú mà mất kinh từ ba tháng trở lên thì gọi là bế kinh. Nguyên nhân do Can Thận khuy tổn, tinh huyết bất túc, khí huyết hư nhược, làm cho hai mạch Xung, Nhâm không được nuôi dưỡng; hoặc khí trệ huyết ứ, đàm thấp nội trở, gây bế tắc kinh lạc, bào mạch không thông.
– BỄ 髀
➊ Bắp đùi. ➋ Bộ phận trên của bắp đùi (vùng gần hông).
– BỄ CỐT 髀骨
Tức xương đùi.
– BỄ KHU 髀區
➊ Khớp xương nơi xoay chuyển của xương hông, vị trí cao nhất ở phía ngoài bắp vế, nơi nổi lên cao nhất ở xương hông. ➋ Điểm giữa phía ngoài xương hố chậu.
– BỄ QUAN 髀关
➊ Mặt trước vùng phía trên đùi. ➋ Tên gọi của huyệt 31 kinh Vị.
– BỆNH CƠ 病机
Những lý lẽ trọng yếu về nguyên nhân gây bệnh, vị trí mắc bệnh và cơ chế biến hóa của tạng phủ, khí huyết, hư thực.
– BỆNH HẬU 病后
Tên gọi chung cho những chứng hậu biểu hiện ra bên ngoài, tức là hiện tượng tật bệnh phản ánh ra bên ngoài cơ thể bao gồm cả chứng trạng và thể chứng.
– BỆNH HỐI 病痟
Hai bên dịch hoàn sưng to, phần nhiều do đàm khí uất kết ở kinh Can mà sinh ra.
– BỆNH KHẮC SẮC 病克色
Bệnh chứng và sắc tương khắc với nhau.
– BỆNH KHÍ TIÊU BẢN 病气标本
Mối quan hệ của cơ thể cho đến nguyên nhân gây nên bệnh. Chính khí của cơ thể là bản, tà khí của bệnh là tiêu.
– BỆNH MẠCH 病脉
Phản ánh của bệnh tật thông qua sự biến hóa của mạch. Nói chung trong phạm vị biến hóa sinh lý bình thường hoặc sinh lý đặc thù cá biệt, còn thì đều là bệnh mạch.
– BỆNH NĂNG 病能
Từ chung để chỉ cơ chế phát bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh và những biểu hiện của tật bệnh trên lâm sàng.
– BỆNH NHÂN BIỆN CHỨNG 病因辨证
Phương pháp căn cứ vào những biểu hiện khác nhau của tật bệnh để tìm tòi nguyên nhân gây bệnh, làm cơ sở cho việc chẩn đoán và dùng thuốc.
– BỆNH NHẬP CAO HOANG 病入膏肓
Bệnh từ nhẹ chuyển sang nặng, phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng, lúc này người bệnh thấy cơ thể gầy ốm dần, thần sắc suy bại.
– BỆNH NHI 病儿
➊ Tên gọi khác của chứng Ố trở hoặc Nhâm thần (có thai) ố trở. ➋ Từ chung để chỉ trẻ con bị mắc bệnh.
– BỆNH ÔN 病温
Người mắc chứng lỵ thuộc bệnh ôn tà.
– BỆNH PHÁT VU ÂM 病发于阴
➊ Các chứng bệnh phát sinh ở nội tạng hoặc âm kinh. ➋ Xuất xứ: ‘Biện thái dương bệnh mạch chứng tịnh trị (Thương hàn luận). Khi thấy bệnh nhân không phát sốt mà có sợ lạnh là bệnh phát ở kinh âm.
– BỆNH PHÁT VU DƯƠNG 病发于阳
➊ Các chứng bệnh phát sinh ở cơ biểu hay các kinh dương. ➋ Khi thấy bệnh nhân phát sốt mà có sợ lạnh là bệnh phát ở kinh dương.
– BỆNH SẮC 病色
Sự biến hóa của bệnh tật được phản ảnh thông qua màu sắc ở bên ngoài cơ thể. Thường người ta lấy màu sắc ở mặt làm chủ.
– BỆNH SẮC TƯƠNG KHẮC 病色相克
Chứng bệnh với màu sắc vùng mặt tương đối khác nhau. Căn cứ vào lý luận ngũ hành sinh khắc, các thầy thuốc phân tích sự thay đổi sắc mặt để phán đoán bệnh tình. Nếu màu sắc khác nhau, nói chung thuộc nghịch chứng. Ví dụ: Ma chẩn một loại bệnh nhiệt tích (bệnh chứng thuộc hỏa) mà thấy sắc mặt màu trắng (màu trắng thuộc kim). Căn cứ theo quan hệ hỏa khắc kim, gọi là “bệnh khắc sắc”, nói rõ bệnh tình có thể thêm nặng. Hoặc như bệnh nhân bị bệnh Phế kết hạch (lao phổi), (Phế thuộc kim) mà thấy hai gò má ửng đỏ (thuộc hỏa) thì cũng gọi là ‘sắc bệnh khắc’. Những dấu hiệu này là những biểu hiện trên lâm sàng chỉ dùng để tham khảo cho việc biện chứng trên lâm sàng, không nên xem là điều tất nhiên.
– BỆNH TẠI TRUNG BÀNG THỦ CHI 病在中旁取之
Phương pháp dùng để điều trị các biến hóa bệnh tật của tạng phủ trong cơ thể thường được phân bố ở các huyệt vị thuộc các đường kinh ở tay chân. Hay nói cách khác đây là một trong các phương pháp chọn huyệt từ xa. Thí dụ: Như đau lưng thì châm huyệt Ủy trung hoặc huyệt Nhân trung.
– BỆNH THỬ 病署
Nguyên nhân do thử nhiệt phát thành bệnh. [Thiên ‘Nhiệt luận’ (Tố vấn)]. Hễ bệnh thương hàn mà thành ôn, trước ngày hạ chí thành ôn bệnh, sau ngày hạ chí thành thử bệnh.
– BỆNH TRUYỀN 病传
Sự truyền biến của bệnh tật.
– BI TẮC KHÍ TIÊU 悲则气消
Bệnh lý chỉ do bi thương quá độ, làm ảnh hưởng đến sự vận hành của Phế khí, khí uất lâu ngày hóa nhiệt, nhiệt làm tiêu hao Phế khí.
– BÍ BIỆT THANH TRỌC 泌别清浊
Một trong các công năng của Tiểu trường. Các vật chất dinh dưỡng sau khi được tiêu hóa đưa xuống Tiểu trường. Tại đây việc phân biệt thanh trọc được thực hiện. Chất tinh vi được Tiểu trường tái hấp thu đưa đến các bộ phận trong cơ thể; Phần cặn bã rót về Đại trường, phần thủy dịch tiết vào Bàng quang, trở thành đại, tiểu tiện để đẩy ra ngoài cơ thể.
– BÍ ĐỒN 贲豚
Tức Bôn đồn.
– BÍ MÔN 贲门
Miệng trên của bao tử, một trong thất xung môn, nơi tiếp nối giữa Vị và thực quản.
– BÍ PHƯƠNG 秘方
Tức chứng Cấm phương.
– BÌ MAO 皮毛
Lớp lông ngắn mọc trên da. Đông y cho rằng bì mao và tạng Phế có quan hệ mật thiết với nhau vì “Phế chủ bì mao”.
– BÌ MAO NUY 皮毛痿
Một trong những chứng nuy. Còn gọi là Bì nuy, Phế nuy. Do Phế nhiệt nên lá phổi bị đốt cháy “Phế nhiệt diệp tiêu”. Các triệu chứng xuất hiện da khô khan, mất đi sự tươi nhuận hoặc kèm theo ho, khó thở.
– BÌ NỘI CHÂM 皮内针
Thủ thuật châm thích, tức là dùng kim dài khoảng từ 1-2 phân, luồn vào dưới da để chừa chuôi ra ngoài theo hướng châm nằm, lấy băng dán cố định. Vùng gài kim không đau, không trở ngại cho vận động của người bệnh, để lưu kim như vậy thời gian lâu từ 1-7 ngày. Thủ thuật này dùng chữa các bệnh đau nhức và bệnh mạn tính.
– BÌ PHIÊN CHỨNG 皮翻证
Chứng máy mắt. Nguyên nhân do Vị kinh tích nhiệt, bên trong có Cang phong thịnh, làm cho phong, đàm, thấp nhiệt bốc lên, khí trệ, huyết ứ gây ra. Thường gặp bệnh này ở trẻ con.
– BÌ PHU CHÂM 皮夫针
Tên của dụng cụ châm. Một loại châm cụ chuyên dùng gồm nhiều kim ngắn, có thân dài như chiếc đũa. Khi châm người ta cầm thân kim gõ nhẹ lên vùng da có bệnh. Tên gọi khác của Mai hoa châm, Thất tinh châm.
– BÌ TẤU 皮腠
Còn gọi là Tấu lý. ➊ Các nếp nhăn tạo thành ở lớp bì phu, thớ thịt và tạng phủ. ➋ Khu vực tiếp giáp giữa bì phu và cơ nhục.
– BÌ THỦY 皮水
Thuộc loại bệnh phù thũng. Triệu chứng chủ yếu là phát bệnh từ từ, phù toàn thân, chân tay đau nhức nặng nề, không mồ hôi, ngoài da lạnh, ấn lõm ở chân tay nặng hơn, mạch phù. Nguyên nhân do Thận hư thì thủy đi càn, tràn ra chảy đến bì phu, cho nên làm cho thân thể đầu mặt đều phù.
– BÌ TÝ 皮痹
Tên bệnh. Xuất xứ: Thiên ‘Tý chứng’ (Tố vấn). Chứng tý do phong, hàn, thấp tà ở ngoài xâm tập vào bì mao gây ra. Còn gọi là Hàn tý.
– BĨ 痞
➊ Bệnh tật ở vùng ngực bụng đầy tức, đè không đau. ➋ Vùng khí cơ ở ngực bụng bị nghẽn tắc không thông phát sinh ra hòn khối.
– BĨ KHÍ 痞气
➊ Một trong năm loại bệnh tích thuộc chứng Tỳ tích. Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ khí hư uất, tích khí lưu trệ kết lại mà thành. Triệu chứng xuất hiện vùng bên phải của Vị quản nổi lên khối to như cái chén úp, bệnh kéo dài không khỏi sẽ phát sinh ra hoàng đản, do không hấp thu được chất dinh dưỡng nên người gầy còm, da thịt teo róc, chân tay yếu sức… ➋ Chỉ hiện tượng trước ngực đầy trướng không khoan khoái. Phần nhiều do bệnh thương hàn mà sai lầm dùng phép hạ, dẫn đến tà không giải mà sinh ra.
– BĨ KHOÁI 痞块
Khối tích trong xoang bụng.
– BĨ MÃN 痞满
Ngực bụng có cảm giác kết khối, đầy tức không đau.
– BIẾM THẠCH 砭石
Dụng cụ châm cứu phát minh từ thời kỳ đồ đá. Dùng để chữa các chứng đau nhức, dùng để xuất huyết hoặc rạch vỡ nhọt mủ…
– BIẾN CHƯNG 变蒸
Chỉ trẻ em trong quá trình sinh trưởng, mà có các chứng như: Phát sốt, mạch loạn, ra mồ hôi mà cơ thể không có bệnh gì khác. Phát xuất từ đời Tây Tần,Tùy, Đường. Đây là luận thuyết của Vương Thúc Hòa “Tiểu nhi biến chưng”. Có nghĩa là trẻ em sau khi sinh 32 ngày gọi là 1 biến. 64 ngày gọi là 1 chưng. Qua 3 đại chưng, cộng lại là 576 ngày kết thúc biến chưng. Sách ‘Cổ kim y thống’ giải thích rằng Biến là tình hình biến đổi, Chưng là thân thể bốc nóng. Biểu hiện của biến chưng trên lâm sàng là hơi sốt, tai và mông lạnh, ngoài ra không có chứng trạng nào khác. Nhiều thầy thuốc cho rằng loại chứng hậu phát sốt này là hiện tượng bình thường trong quá trình phát dục của trẻ em, chứ không phải bệnh lý. Còn gọi là Tiểu nhi biến chưng.
– BIẾN CHỨNG 变证
Tật bệnh chuyển từ trạng thái thực sang hư, từ đơn giản biến thành phức tạp, từ nhẹ sang nặng.
– BIỀN CHI 胼胝
Nguyên nhân do bị đè nén trong thời gian dài, hoặc bị cọ sát, nên khí huyết vùng cục bộ bị bế tắc, vùng da không được nuôi dưỡng mà gây nên bệnh. Phần nhiều hay gặp ở vùng da mu bàn tay đột nhiên nổi dày lên, có màu trắng vàng hay vàng nhạt. Sờ vào thấy cứng hoặc gây đau nhức, mép không rõ.
– BIỆN BAN CHẨN 辨班疹
Một trong những phương pháp thông qua quan sát bộ vị xuất hiện ban chẩn, mật độ phân bố, màu sắc và những triệu chứng đi kèm để phán đoán bệnh tình của bệnh.
– BIỆN CHỨNG 辨证
Phương pháp dựa trên cơ sở lý luận thông qua tứ chẩn và những triệu chứng trên lâm sàng mà có được, từ đó phân tích quy nạp rồi đưa ra phép trị.
– BIỆN CHỨNG CẦU NHÂN 辨证求因
Phương pháp thông qua việc phân tích các triệu chứng xuất hiện trên cơ thể từ đó tìm ra được nguyên nhân và cơ chế phát sinh bệnh.
– BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ 辨证论治
Phương pháp vận dụng các cơ sở lý luận của đông y như tạng phủ, kinh lạc, các tác nhân gây bệnh để phân tích và hệ thống những triệu chứng phức tạp ở người bệnh từ đó đề ra phép chẩn đoán và điều trị.
– BIỆN CHỨNG THI TRỊ 辨证施治
Tức là biện chứng luận trị.
– BIỆN LẠC MẠCH 辨络脉
Một nội dung của phương pháp vọng chẩn, thông qua việc xem xét màu sắc và độ sung dưỡng của các mạch máu nhỏ ở ngoài bì phu, kết hợp với các cảm giác nóng lạnh của bì phu, để hỗ trợ cho việc tìm hiểu sự biến đổi của khí huyết trong tạng phủ.
– BIỆN SANG DƯƠNG 辨疮疡
Thông qua quan sát tình trạng sưng đỏ của ghẻ lở, màu sắc của da, độ sưng cứng của ghẻ, mức độ đau nhức và cảm giác, nếu có mủ thì xem mủ đặc hay lỏng, phát bệnh cấp hay hoãn, bệnh tình dài hay ngắn để từ đó phân biệt tính chất của ghẻ.
– BIỆT LẠC 别络
Huyệt liên lạc giữa lạc mạch với kinh mạch. Ở 15 lạc mạch, mỗi lạc mạch đều có một huyệt liên lạc với kinh mạch. Tổng số có 15 biệt(lạc huyệt) gồm 14 biệt của 14 đường lạc mạch xuất phát từ 14 kinh mạch và 1 biệt thuộc lạc mạch của Tỳ.
Biệt Thủ thái âm (lạc Thủ thái âm) là huyệt Liệt khuyết.
Biệt Thủ thiếu âm (lạc Thủ thiếu âm) là huyệt Thông lý.
Biệt Thủ quyết âm (lạc Thủ quyết âm) là huyệt Nội quan.
Biệt Thủ thái dương (lạc Thủ thái dương) là huyệt Chi chính.
Biệt Thủ dương minh (lạc Thủ dương minh) là huyệt Thiên lịch.
Biệt Thủ thiếu dương (lạc Thủ thiếu dương) là huyệt Ngoại quan.
Biệt Túc thái âm (lạc Túc thái âm) là huyệt Công tôn.
Biệt Túc thiếu âm (lạc Túc thiếu âm) là huyệt Đại chung.
Biệt Túc quyết âm (lạc Túc quyết âm) là huyệt Lãi câu.
Biệt Túc thái dương (lạc Túc thái dương) là huyệt Phi dương.
Biệt Túc dương minh (lạc Túc dương minh) là huyệt Phong long.
Biệt Túc thiếu dương (lạc Túc thiếu dương) là huyệt Quang minh.
Biệt Nhâm mạch (lạc Nhâm mạch) là huyệt Vĩ ế (Cưu vĩ).
Biệt Đốc mạch (lạc Đốc mạch) là huyệt Trường cường.
Đại lạc Tỳ là huyệt Đại bao.
– BIỆT 别
Tức là Biệt lạc. Xem Biệt lạc.
– BIỂU CHỨNG 表证
Chỉ bệnh ở bộ phận nông (phần biểu). Tà khí lục dâm xâm phạm bì phu, kinh lạc hoặc từ miệng mũi xâm phạm Phế vệ, xuất hiện các chứng trạng cảm mạo giai đoạn đầu như sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, nghẹt mũi, ho, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù…
– BIỂU CHỨNG NHẬP LÝ 表证入里
Tức biểu chứng hóa nhiệt, thế bệnh có chiều hướng đi vào bên trong (nhập lý) Các triệu chứng biểu hiện là không sợ lạnh mà lại sợ nóng, Tâm phiền miệng khát, nước tiểu vàng đỏ, rêu lưỡi vàng khô.
– BIỂU GIẢI LÝ VỊ HÒA 表解里未和
Chỉ các triệu chứng ở phần biểu đã tiêu tan mà ở phần lý thì các triệu chứng vẫn còn. Nguyên nhân phần nhiều do lý có chứng thủy ẩm, đờm dãi, thực trệ, ứ huyết chưa được tiêu trừ. Hoặc do âm dịch bị hao tổn chưa kịp phục hồi.
– BIỂU HÀN 表寒
Các chứng hậu do cảm phong hàn sinh bệnh. Triệu chứng: phát sốt, sợ lạnh, không mồ hôi, thân thể đau nhức, rêu lưỡi trắng mỏng mà nhuận, mạch phù khẩn.
– BIỂU HÀN LÝ NHIỆT 表寒里热
Hiện tượng các triệu chứng của lý hàn và các triệu chứng của lý nhiệt cùng xuất hiện một lúc. Nguyên nhân phần nhiều do người bệnh vốn có lý nhiệt, lại cảm nhiễm phong hàn, hoặc phong hàn ở tại biểu chưa giải, nhập lý hóa nhiệt gây ra bệnh. Trên lâm sàng vừa thấy các chứng lý hàn lại vừa thấy các chứng lý nhiệt.
– BIỂU HƯ 表虚
Hiện tượng ra mồ hôi do vệ khí suy kém hoặc do dương khí suy làm cho da dẻ không kín, xuất hiện các triệu chứng gần giống như biểu chứng nhưng đặc điểm của biểu hư là tự ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi mà sợ gió, mạch phù hoãn, vô lực.
– BIỂU HƯ LÝ THỰC 表虚里实
Hiện tượng biểu lý hư thực lẫn lộn; bệnh nhân vốn vệ khí thiếu kém, sau khi cảm nhiễm bệnh tà, nhiệt tà hãm vào trong gây bệnh hoặc do điều trị biểu chứng không khỏi, gây nên biến chứng, xuất hiện các chứng trạng của biểu hư như sợ gió, ra mồ hôi, phát sốt, đồng thời lại có cả các chứng lý thực như đau bụng, táo bón…
– BIỂU KHÍ BẤT CỐ 表气不固
Tức Vệ khí bất cố.
– BIỂU LÝ 表里
2 cương lĩnh trong bát cương, dùng để phân tích và biện luận bộ vị và thế bệnh ở mức độ sâu (lý) hay cạn (biểu). Thường bệnh ở bì mao, kinh lạc, bệnh thế còn nhẹ, còn nông, xếp thuộc biểu. Bệnh ở tạng phủ, bệnh tình đã nặng, đã vào sâu, xếp thuộc lý.
– BIỂU LÝ BẤT CỐ 表里不固
Tức Vệ khí bất cố. Xem chi tiết ở mục này.
– BIỂU LÝ CÂU HÀN 表里俱寒
Chứng biểu hàn và chứng lý hàn cùng xuất hiện. Nguyên nhân bên ngoài cảm phong hàn, bên trong do ăn uống đồ sống lạnh làm ảnh hưởng; hoặc bình thường người vốn có Tỳ Thận dương hư lại cảm phải hàn tà sinh ra bệnh. Các triệu chứng xuất hiện như sợ lạnh không mồ hôi, đầu, thân mình đau nhức, đau bụng, tiêu chảy, tay chân lạnh quíu…
– BIỂU LÝ CÂU HƯ 表里俱虚
Đã có các hiện tượng dương khí bên ngoài không đủ, lại có các triệu chứng khí huyết hư suy của tạng phủ.
– BIỂU LÝ CÂU NHIỆT 表里俱热
Tức là vừa biểu lẫn lý đều xuất hiện các nhiệt chứng. Nguyên nhân phần nhiều do ngoại tà hóa nhiệt, xâm phạm vào phần biểu và phần lý. Hoặc bên trong vốn có tích nhiệt lại cảm ôn tà mà phát bệnh. Triệu chứng: đau đầu, mặt đỏ, có lúc có sợ gió, miệng khát, rêu vàng khô, nặng thì Tâm phiền, nói sảng.
– BIỂU LÝ CÂU THỰC 表里俱实
Các biểu hiện bệnh chứng từ cơ biểu cho đến tạng phủ đều cho thấy tà khí thịnh. Trên lâm sàng vừa thấy các chứng biểu thực vừa thấy các chứng lý thực.
– BIỂU LÝ ĐỒNG BỆNH 表里同病
➊ Vừa có các triệu chứng ở biểu như sợ lạnh, phát sốt, đau đầu. Lại có các triệu chứng ở lý như đầy ngực, đau bụng, tiêu chảy. ➋ Biểu lý xuất hiện cùng một loại tính chất.
– BIỂU LÝ SONG GIẢI 表里双解
Biểu và lý mắc bệnh cùng lúc. Phương pháp vừa trị biểu chứng, vừa chữa lý chứng. Trên lâm sàng có phân ra: ➊ Bên ngoài có biểu tà, bên trong có thực tà tích trệ. Điều trị: vừa giải biểu tà, vừa tả lý thực; ➋ Lý nhiệt cang thịnh kèm có biểu tà. Điều trị: thanh lý nhiệt làm chủ, kiêm giải biểu tà.
– BIỂU LÝ TRUYỀN 表里传
Sự truyền biến giữa 2 kinh biểu và lý như kinh Thái dương truyền vào kinh Thiếu âm; Kinh Dương minh truyền vào kinh Thái âm, kinh Thiếu dương truyền vào kinh Quyết âm. Mỗi cặp này đều có một kinh thuộc biểu, một kinh thuộc lý, cho nên Thái dương truyền vào Thiếu âm cũng tức là nói biểu lý.
– BIỂU NHIỆT 表热
Là chứng hậu do cảm phong nhiệt, xuất hiện các triệu chứng như phát sốt, hơi sợ gió lạnh, đau đầu miệng khát, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng mà khô, mạch phù sác.
– BIỂU NHIỆT LÝ HÀN 表热里寒
Chứng biểu nhiệt và chứng lý hàn cùng xuất hiện một lúc. Nguyên nhân phần nhiều vốn có hư hàn, lại kèm có cảm phong nhiệt; Hoặc ngoại tà chưa giải mà ăn uống quá nhiều đồ mát lạnh, làm cho Tỳ Vị dương khí bất túc mà phát sinh bệnh.
– BIỂU TÀ 表邪
Tà ở tại phần biểu, phần nhiều là tà khí của lục dâm. Thường thấy phát sốt, sợ gió, sợ lạnh, hoặc nghẹt mũi ho.
– BIỂU TÀ NỘI HÃM 表邪内陷
Do chính khí không đủ, tà khí cang thịnh dẫn đến các chứng bệnh tà đang ở biểu hãm vào trong lý. Triệu chứng: không sợ lạnh, sốt cao, hôn mê, nói sảng… Phần nhiều là một trong những loại bệnh ác hóa.
– BIỂU THỰC 表实
Một loại biểu chứng. Sau khi ngoại tà xâm phạm, dương khí tụ tập ở cơ biểu, tà khí và chính khí tranh giành, tấu lý đóng kín, có các triệu chứng tương tự biểu chứng. Nhưng có đặc điểm là không ra mồ hôi, đau đầu, đau mình, mạch phù, hữu lực.
– BIỂU THỰC LÝ HƯ 表实里虚
Tà khí thực chính khí hư. Bệnh nhân vốn có trung khí bất túc, sau khi cảm nhiễm hàn tà, có triệu chứng biểu thực như sợ lạnh, phát sốt, không mồ hôi, lại có cả triệu chứng của lý hư như tinh thần ủy mị, kém ăn, mạch trầm.
– BÌNH 平
➊ Chữ bình trong Đông y chỉ người không mắc bệnh. Thí dụ: Bình mạch. ➋ Buổi sáng, sáng tinh mơ (bình minh). ➌ Lập lại trạng thái cân bằng. Thí dụ: “Kinh giả bình chi” người bệnh do kinh sợ mà phát sinh bệnh, dùng biện pháp trấn tỉnh để ổn định sự kinh sợ ấy. ➍ Bàn bạc phân tích. Thí dụ: “Bình mạch” (phương pháp phân tích về mạch); “Bình hư thực” (phân tích về hư thực).
– BÌNH CAN TỨC PHONG 平肝熄风
Phép trị dùng chữa chứng do Can Thận âm hư; Can dương thượng kháng làm cho Can phong nội động. Các triệu chứng biểu hiện là đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mắt mờ, miệng mắt méo lệch, tay chân tê dại hay co giật, lưỡi cứng hoặc lệch sang một bên, nói khó, nặng thì hôn mê ngã lăn ra, chân tay co giật, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng, mạch huyền… Còn gọi là Trấn Can tức phong.
– BÌNH ĐÁN 平旦
Quãng thời gian từ 1-3 giờ (giờ Sửu). Còn gọi là Kê minh.
– BÌNH ĐÁN PHỤC 平旦服
Chỉ định của thầy thuốc đối với bệnh nhân, uống thuốc vào lúc sáng sớm khi bụng còn đói. Đối với các bệnh giun sán hoặc các bệnh về huyết mạch thường phải áp dụng phương pháp này. Còn gọi là Không phúc phục.
– BÌNH Ế 平翳
➊ Vùng hội âm, điểm tiếp giáp giữa hậu môn và phía sau bộ phận sinh dục. ➋ Tân huyệt thuộc Nhâm mạch, vị trị ở vùng hội âm.
– BÌNH MẠCH 平脉
Mạch ở người bình thường, khỏe mạnh.
– BÌNH NHÂN 平人
Người mạnh khỏe khí huyết điều hòa.
– BÌNH TỨC 平息
Hơi thở bình tĩnh êm dịu, trong phép khám bệnh, đây là yêu cầu hơi thở đều đặn của người thầy thuốc, để giúp cho việc xem mạch mới được chính xác.
– BỐ CHỈ 布指
Phương pháp để tay xem mạch. Thường xem động mạch cổ tay. Ngón tay giữa để ở bộ quan làm chuẩn, ngón trỏ để ở bộ thốn và ngón áp út đặt vào bộ xích.
– BỒ ĐÀO DỊCH 葡萄疫
Nguyên nhân phần nhiều do Tỳ Vị tích nhiệt, nhiệt làm tổn thương huyết lạc, huyết theo nhiệt vọng hành mà gây ra. Chứng thấy trên cơ thể nổi những đốm màu xanh tím, giống như màu nho, ấn vào thì không tan ra, nặng thì chảy máu chân răng.
– BỒ ĐÀO TRĨ 葡萄痔
Tức chứng Huyết thuyên trĩ.
– BỔ ÂM 补阴
Phương pháp dùng các vị thuốc có vị ngọt, tính hàn để chữa chứng âm hư. Âm hư gồm có Tâm âm hư, Can âm hư, Phế âm hư, Thận âm hư, Vị âm hư. Còn gọi là Ích âm, Dưỡng âm, Dục âm, Tư âm.
– BỔ DƯƠNG 补阳
Dùng chữa chứng Thận dương hư. Có các chứng lưng gối đau mỏi, yếu sức, dương nuy, hoạt tinh, tiểu lắt nhắt, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch trầm tế. Còn gọi là Trợ dương.
– BỔ DƯỠNG 补养
Còn gọi là bổ ích, đồng nghĩa với bổ pháp.
– BỔ HỎA SINH THỔ 补火生土
Còn gọi là ôn bổ Mệnh môn hay bổ Mệnh môn hỏa. Phương pháp giúp khôi phục chức năng của Tỳ Vị, dùng chữa các chứng đau bụng, đi tiêu lỏng lúc sáng sớm, trước đó có đau và sôi bụng, bài tiết ra phân sống (thức ăn không tiêu); sau khi ỉa lỏng xong, bụng cảm thấy dễ chịu, vùng bụng có cảm giác lạnh, chân tay mát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế. Bệnh này còn được gọi với tên là Ngũ canh tả, Kê minh tiết tả.
– BỔ HUYẾT 补血
Dưỡng huyết. Phương pháp dùng để chữa chứng huyết hư (thiếu máu). Thích hợp chữa các chứng thiếu máu, sắc mặt trắng xanh hoặc vàng úa, chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh hồi hộp, hơi thở ngắn, môi lưỡi nhợt nhạt, mạch tế.
– BỔ ÍCH 补益
Còn gọi là Bổ dưỡng.
– BỔ KHẢ KHỨ NHƯỢC 补可去弱
Dùng thuốc bổ để chữa các chứng suy nhược cơ thể.
– BỔ KHÍ 补气
Còn gọi là Ích khí. Một trong những pháp bổ chữa chứng khí hư. Cũng dùng để chữa huyết hư, vì khí vượng thì sanh được huyết. Chứng thấy người mệt mỏi yếu sức, tinh thần không phấn chấn, hơi thở ngắn, sắc mặt trắng xanh, tự ra mồ hôi, sợ gió, đại tiện lỏng loãng hoặc tiêu chảy, mạch nhược hoặc hư, đại, vô lực…
– BỔ KHÍ CỐ BIỂU 补气固表
Phương pháp chữa khí hư dẫn đến biểu vệ bất cố. Thường dùng chữa các chứng dễ ra mồ hôi do khí hư.
– BỔ KHÍ CHỈ HUYẾT 补气止血
Còn gọi là Bổ khí nhiếp huyết. Phương pháp chữa các chứng xuất huyết lâu ngày không cầm được do khí hư. Trên lâm sàng thấy xuất hiện các chứng xuất huyết lâu ngày, lại kèm có các chứng khí hư.
– BỔ KHÍ GIẢI BIỂU 补气解表
Phép chữa chứng khí hư cảm mạo. Tức là dùng thuốc bổ khí chung với thuốc giải biểu, nhằm chữa cảm mạo do khí hư, có triệu chứng đau đầu, phát sốt, sợ lạnh, ho, khạc ra đờm, chảy nước mũi dính đặc, vùng ngực nghẽn đầy, mạch nhược, không ra mồ hôi.
– BỔ KHÍ NHIẾP HUYẾT 补气攝血
Tức là Bổ khí chỉ huyết.
– BỔ PHÁP 补法
Còn gọi là Bổ ích hay Bổ dưỡng. Một trong những phép chữa của bát pháp. Là phương pháp bổ sung sự hao tổn của âm dương, khí huyết trong cơ thể. Hư chứng bao gồm Khí hư, Huyết hư, Âm hư, Dương hư. Bổ pháp cũng chia ra Bổ khí, Bổ huyết, Bổ âm, Bổ dương.
– BỔ TẢ 补写
Nguyên tắc cơ bản trong điều trị. Bổ dùng để chữa các chứng hư; Tả dùng để chữa các chứng thực.
– BỔ TỄ 补剂
Dùng các dược vật có công dụng bổ ích. Để chữa các bệnh suy yếu.
– BỔ THÁC 补托
Phương pháp vận dụng các loại thuốc bổ ích và tiêu tán để hỗ trợ chính khí, thúc đẩy độc tố ra ngoài cơ thể. Triệu chứng: nhọt nổi đỉnh hơi lõm, khó gom mủ hoặc đã gom mủ rồi mà thấy mủ không nhiều, loãng, sưng cứng khó tiêu. Người phát sốt, tinh thần không phấn chấn, sắc mặt vàng úa, mạch sác vô lực.
– BỔ THẬN 补肾
Phương pháp bồi bổ cho Thận. Bao gồm Bổ Thận âm và Thận dương.
– BỔ THẬN NẠP KHÍ 补肾纳气
Phương pháp chữa Thận hư. Thích hợp chữa các chứng Thận không nạp khí. Triệu chứng: hơi thở ngắn, khó thở, nhất là ở thì hít vào, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch tế vô lực.
– BỔ TỲ 补脾
Còn gọi là Ích Tỳ hay Kiện Tỳ.
– BỔ TỲ ÍCH PHẾ 补脾益肺
Phương pháp bổ Tỳ, làm cho chức năng của Tỳ được mạnh lên, để chữa các bệnh lý ở Phế tạng. Đây là sự vận dụng linh hoạt của học thuyết ngũ hành tương sinh. Còn gọi là Bổ thổ sinh kim.
– BỘ LỘ CAM 哺露疳
Bệnh lý trẻ em do sữa tích lại thành chứng cam. Triệu chứng: sắc mặt vàng úa, gầy ốm, gân xương nổi rõ, không muốn ăn, nôn ói, có khi có sốt nhẹ. Nguyên nhân do Tỳ Vị hư nhược, khí huyết khuy tổn, sữa không tiêu hóa được mà sinh bệnh.
– BỐI 背
Từ chung để chỉ vùng lưng, thắt lưng và vùng xương cùng.
– BỐI DU HUYỆT 背腧穴
Chỉ một số huyệt nằm ở vùng lưng. Gồm có 12 huyệt: Phế du, Quyết âm du, Tâm du, Can du, Đởm du, Tỳ du, Vị du, Tam Tiêu du, Thận du, Đại trường du, Tiểu trường du, Bàng quang du.
– BỐI LŨ 背偻
Còn gọi là Đà bối. Tình trạng lưng gù như cái bướu của Lạc đà, vì thế gọi là Đà bối.
– BỐI Ố HÀN 背恶寒
Hiện tượng vùng lưng có cảm giác lạnh. Thường gặp trong các bệnh ngoại cảm mới phát, bệnh còn ở biểu. Triệu chứng: phát sốt, đau đầu, mạch phù; cũng gặp ở chứng dương khí bất túc, bên trong có âm hàn thịnh. Triệu chứng: tay lạnh, mạch trầm tế…
– BỐI THỐNG 背痛
Đau lưng. Triệu chứng: đau vùng lưng, đau lan ra vai gáy, kèm có các chứng sợ lạnh. Nguyên nhân do phong hàn xâm nhập kinh túc Thái dương, làm cho kinh mạch bị sáp trệ.
– BỐI TÍCH CỐT CHIẾT 背脊骨折
Chỉ hiện tượng gãy xương ngực, xương sống lưng, Nguyên nhân do bị đánh, té ngã, bị tổn thương do va đập. Triệu chứng thấy vùng cục bộ đau nhức, sưng trướng, hoạt động bị hạn chế, nặng thì không thể xoay chuyển, chỗ gãy ấn vào thấy đau rõ rệt, về sau có thể thấy dị dạng, nặng thì bại liệt.
– BỐI UNG 背痈
Chỉ mụn nhọt mọc ở sau lưng.
– BỒI 焙
Đặt dược liệu lên trên miếng ngói sạch bên dưới đốt lửa sao cho dược liệu khô nhưng không bị cháy khét.
– BỒI THỔ 培土
Tức là Bồi bổ Tỳ thổ. Phương pháp dùng thuốc bổ ích Tỳ khí, để tăng cường hoặc khôi phục công năng vận hóa của Tỳ. Thích hợp chữa các chứng có nguyên nhân do Tỳ hư, chức năng vận hóa kém. Triệu chứng: ăn uống kém, tiêu lỏng.
– BỒI THỔ SINH KIM 培土生金
Tỳ thuộc thổ, Phế thuộc kim. Các thầy thuốc vận dụng học thuyết ngũ hành tương sinh để đưa vào điều trị. Là dùng các thuốc bổ Tỳ ích khí để làm cho Tỳ khí mạnh lên. Theo lý luận của học thuyết ngũ hành tương sinh ‘Thổ sinh kim’ vì thế làm cho Tỳ mạnh, thì Phế cũng được mạnh theo. Cũng còn gọi là Bổ Tỳ ích Phế.
– BỒI THỔ ỨC MỘC 培土抑木
Phép trị. Tức dùng phép kiện Tỳ sơ Can để điều trị chứng Can khí hoành nghịch khắc Tỳ.
– BÔN ĐỒN 奔豚
Triệu chứng: thấy có luồng hơi từ bụng dưới bốc lên trên lồng ngực, yết hầu, kèm có đau bụng hoặc nóng lạnh. Nguyên nhân do Thận khí hoặc Can khí bốc lên gây ra.
– BÔN ĐỒN KHÍ 奔豚气
➊ Tên gọi khác của sán khí. Xuất xứ: Kỳ hiệu lương phương ➋ Tức là chứng bôn đồn, do khí xông lên mà phát bệnh, vì vậy được gọi là Bôn đồn khí.
– BÚT QUẢN TIỂN 筆管癣
Tên gọi khác của lác đồng tiền.
– BỨC HUYẾT VỌNG HÀNH 逼血妄行
Chỉ hiện tượng huyết chạy bậy ra khỏi thành mạch. Nguyên nhân thường do sốt cao gây ra.