– MA CHẨN 麻疹
Bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, do nhiễm phải độc tà của thời tiết. Chủ yếu khu trú ở vùng Phế Vị. Thoạt tiên thấy chứng trạng phong nhiệt ở Phế Vị với các đặc điểm như phát sốt, ho, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, trên niêm mạc vùng miệng, má nổi các điểm trắng như hạt thóc, sau đó thấy trên da xuất hiện các nốt sởi màu đỏ và thường mọc ở sau tai, chân tóc trước, rồi tiếp đến vùng cổ, dần dần mọc ở vùng mặt và toàn thân. Đặc điểm của nốt sởi là gọn, có ranh giới rõ rệt. Còn gọi là Sa tử.
– MA CHẨN BẾ CHỨNG 麻疹闭证
Sởi mọc nhưng ra không hết, độc tà hãm lại bên trong. Triệu chứng: sởi đang trổ ra nhưng ra không được, các nốt sởi không lộ hẳn, lúc lặn cũng không lặn được hết. Nguyên nhân phần lớn do cảm phong hàn ở bên ngoài, bên trong nhiệt tà hun đốt, ăn uống bị tích trệ, đàm thấp quá thịnh mà gây ra.
– MA CHẨN HẦU THỐNG 麻疹喉痛
Chứng độc sởi công lên trên cổ họng. Nguyên nhân phần lớn do biểu tà bị uất, độc sởi không phát ra ngoài được, hoặc do nhiệt hun đốt ở bên trong, xông bốc lên cổ họng mà phát bệnh. Thường thấy cổ họng sưng đau, nặng thì nuốt nước khó xuống.
–MA CHẨN NGHỊCH CHỨNG 麻疹逆证
Trẻ bị sởi nhưng thể chất suy nhược, độc tà cang thịnh, trên lâm sàng xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như: Trẻ sốt cao, hô hấp khó khăn, miệng môi xanh tím, sởi mọc không thuận lợi, màu tím sậm, mạch hồng, đại, tật, sác. Nặng thì thấy trẻ sốt li bì, phiền táo vật vã, nói sảng, co giật…
– MA CHẨN THẤT ÂM 麻疹失音
Đang bị bệnh sởi lại kèm thấy khan tiếng. Nguyên nhân do nhiệt độc gây bế tắc thanh khiếu.
– MA CHẨN THUẬN CHỨNG 麻疹顺证
Hiện tượng trẻ bị sởi nhưng thể chất còn khỏe, sức đề kháng tốt, độc tà xâm phạm vào ít, không thấy các biểu hiện nghiêm trọng trên lâm sàng. Thường thấy ở trẻ mắc bệnh tinh thần tốt, phát sốt nhưng sốt không cao, ho nhưng không ảnh hưởng đến hô hấp, sởi mọc thuận lợi (mọc nhanh lặn cũng nhanh). Bệnh tình ngắn, hồi phục nhanh.
– MA CHỨNG CÂU HỢP 麻症齁合
Chứng ma chẩn làm cho hô hấp khó khăn, trong họng có tiếng đàm kêu. Nguyên nhân do đàm hỏa thịnh mà gây bệnh.
– MA PHONG 麻风
Tức chứng Lệ phong.
– MA XÚC MẠCH 麻促脉
Một trong mười ‘quái mạch’. Mạch đập gấp xúc và rối loạn.
– MÃ ĐAO HIỆP ANH 马刀侠瘿
Nhọt loa lịch. Mọc ở nách, dạng như mã đao, mọc ở hai bên cạnh cổ như chuỗi hạt gọi là hiệp anh. Hai loại mã đao, hiệp anh cùng có bệnh biến liên quan với nhau vì cùng chung một tuyến lâm ba ở cổ và nách. Còn gọi là Mã đao, Mã đao sang.
– MÃ ĐỒNG TIỂN 马桶癣
Viêm da do tiếp xúc với cây Sơn gây ra dị ứng.
– MÃ NHA 马牙
Chứng sài nanh. Phần nhiều do nhiệt độc từ trong thai gây nên. Trẻ sơ sinh mọc nốt trắng ở nướu răng, làm ảnh hưởng đến việc bú sữa.
– MẠCH 脉
➊ Mạch quản. Là con đường vận hành của khí huyết. ➋ Mạch đập, mạch tượng. ➌ Phụ nữ không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không điều hòa mà phát sinh chứng vô sinh nguyên phát.
– MẠCH ÂM DƯƠNG CÂU KHẨN 脉阴阳俱紧
Hai bộ thốn và xích mạch đều thấy khẩn. Thốn mạch thuộc dương, xích mạch thuộc âm, hai bộ mạch đều thấy khẩn tức là loại mạch phù khẩn. Thường gặp ở bệnh ngoại cảm hàn tà, thuộc chứng biểu thực.
– MẠCH ÂM DƯƠNG CÂU PHÙ 脉阴阳俱浮
Hai bộ thốn và xích đều thấy phù. Thốn mạch thuộc dương xích mạch thuộc âm; hai bộ mạch đều thấy phù tức là loại mạch phù hồng. Thường gặp ở ôn bệnh. Nhiệt ở bên ngoài đã thịnh lại lầm dùng thuốc tân ôn để phát hãn, tân dịch bị tổn thương làm cho nhiệt ở trong và ở ngoài xung đột nhau.
– MẠCH BẠO XUẤT 脉暴出
Tình trạng mạch đập vi tế muốn tuyệt, khó tìm, đột ngột chuyển sang mạch đoản, tuyệt, xuất hiện rất rõ nhưng trên lâm sàng các chứng trạng lại không cải thiện. Đó là các biểu hiện thường gặp ở bệnh tình nguy hiểm rất nặng.
– MẠCH CHẨN 脉疹
Phương pháp xem xét mạch tượng. Người khám bệnh dùng ba ngón tay trỏ, giữa và ngón đeo nhẫn, đặt lên bộ vị thốn khẩu ở động mạch cổ tay của người bệnh, qua sự biến hóa của mạch tượng để chẩn đoán bệnh. Còn gọi là Thiết mạch, Án mạch, Trì mạch.
– MẠCH CHỨNG HỢP THAM 脉证合参
Trong quá trình biện chứng, cần phải đối chiếu cả mạch tượng và chứng hậu để phân tích và tổng hợp mà suy đoán bệnh tình, để phòng ngừa chẩn đoán sai, hoặc bỏ sót.
– MẠCH ĐỘ 脉度
Số liệu dài, ngắn của kinh mạch. Chỗ dựa để người xưa đo lường sự dài ngắn của kinh mạch trong cơ thể.
– MẠCH HỘI 脉会
Một trong bát giao hội huyệt. Tức huyệt Thái uyên, là nơi hội tụ của mạch và kinh khí.
– MẠCH HỢP TỨ THỜI 脉合四时
Hiện tượng sinh lý biến hóa của mạch tương ứng với khí hậu bốn mùa. Con người chịu ảnh hưởng biến hóa của khí hậu bốn mùa (xuân ấm, hạ nóng, thu mát, đông lạnh), mạch cũng biến đổi tương ứng như xuân huyền, hạ hồng, thu mao, đông thạch. Đồng thời mạch đập trong cơ thể cũng biến hóa, như: mùa xuân, hè, động mạch cổ con người (nhân nghinh) đập cũng khỏe hơn, mạch thốn khẩu đập nhẹ hơn. Vì vậy, khi chẩn mạch, cần suy nghĩ sự biến hóa trên hai phương diện này kết hợp với khí hậu bốn mùa. Luận điểm này hiện nay ít ứng dụng trong chẩn đoán. Còn gọi là Mạch ứng tứ thời.
– MẠCH HUYỀN TUYỆT 脉悬绝
Loại mạch tượng so với mạch chính thường khác nhau rất xa. Thí dụ so với mạch chính thường nhanh gấp 3,4 lần, hoặc so với mạch chính thường chỉ bằng một nửa hoặc ít hơn… Những hiện tượng mạch như vậy gọi là mạch huyền tuyệt, nói lên bệnh khá nặng.
– MẠCH HỮU VỊ KHÍ 脉有胃气
Nhịp mạch đập đi đến thong dong hòa hoãn, theo đúng quy luật bình thường, loại mạch tượng này thường biểu hiện Vị khí còn tốt, tuy có bệnh nhưng tiên lượng là sẽ có chuyển biến tốt.
– MẠCH KHẨU 脉口
Tức mạch thốn khẩu.
– MẠCH KHÍ 脉气
Tức kinh khí.
– MẠCH NUY 脉痿
Tay chân, khớp xương lỏng nhão, yếu ớt, không cử động được, chi dưới mềm nhũn không đứng được. Do Tâm hỏa thượng viêm, khí huyết theo đó mà nghịch lên trên, ở bên dưới huyết mạch chi dưới rỗng không, hoặc do mất huyết nhiều, kinh mạch rỗng, cơ bắp tê dại mà phát sinh chứng nuy.
– MẠCH NGHỊCH TỨ THỜI 脉逆四时
Bệnh lý. Cơ thể con người không thích ứng với biến hóa của khí hậu bốn mùa cho nên cũng xuất hiện những hiện tượng mạch về bệnh lý không tương ứng với sự biến hóa ấy. Thông thường biểu hiện ở hai mặt:
a/ Mạch tượng bốn mùa thái quá, bất cập hoặc trái ngược. Như mùa xuân, hạ, không thấy phù hồng mà lại thấy trầm sáp. Mạch mùa thu, đông, không thấy trầm thực mà lại thấy phù hồng…
b/ Các bộ mạch của cơ thể biến hóa bất thường. Như: mùa xuân, hạ, mạch nhân nghinh nên đập hữu dư mà lại đập bất túc, mạch thốn khẩu nên bất túc mà lại đập hữu dư, mạch thốn khẩu nên hữu dư mà lại đập bất túc.
Những biến hóa trên, hiện nay ít ứng dụng trong chẩn đoán.
– MẠCH QUẢN 脉管
Là đường đi của khí huyết.
– MẠCH TÁO 脉躁
Hiện tượng mạch nhanh gấp, táo động so với loại mạch vốn có. Biểu thị tà khí chuyển vào trong, bệnh tình có xu thế phát triển xấu hơn.
– MẠCH TĨNH 脉静
Hiện tượng mạch hòa hoãn bình tĩnh (ngược với mạch táo). Biểu thị bệnh tình chuyển biến tốt không đến nỗi ác hóa. Thí dụ: Người bệnh tuy bị Thái dương bệnh, có các triệu chứng phát sốt, sợ lạnh, đau mình mẩy… nhưng mạch đập vẫn hòa hoãn bình thường, không huyền sác, nói lên bệnh tà nhẹ, không phát triển vào sâu.
– MẠCH TƯỢNG 脉象
Hình tượng mạch ứng lên ngón tay. Bao gồm số lần, quy luật, tình huống dồi dào thông sướng, nhịp mạch nhanh mạnh, hoặc chậm rãi… Căn cứ vào những hình tượng ấy có thể chia ra mấy chục loại khác nhau, thông thường vận dụng có 28 loại mạch.
Trên lâm sàng thường xuất hiện hai loại trở lên cùng một lúc, như phù sác, trầm tế mà trì. Mạch tượng tuy là một chỗ dựa trọng yếu biện chứng, nhưng phải kết hợp với các phép khám bệnh mới toàn diện được.
– MẠCH TƯỢNG CHỦ BỆNH 脉象主病
Mỗi loại mạch tượng đều xuất hiện bệnh chứng chủ yếu. Thí dụ: Mạch phù chủ biểu chứng; mạch sác chủ nhiệt bệnh; mạch hoạt chủ đàm ẩm, thực trệ, thực nhiệt hoặc phụ nữ có thai; mạch trầm chủ lý chứng.
– MẠCH TRĨ 脉痔
Tức chứng Giang liệt.
– MẠCH TÝ 脉痹
Da dẻ nóng, hoặc có cảm giác nhan sắc thay đổi khác thường, môi miệng nứt nẻ. Nguyên nhân do tạng phủ di nhiệt vào kinh mạch, bên ngoài lại gặp phải ngoại tà xâm nhập vào kinh lạc mà gây ra chứng tý.
– MẠCH ỨNG TỨ THỜI 脉应四时
Tức Mạch hợp bốn mùa.
– MẠCH VI CHI LÃNH 脉微肢冷
Mạch tượng trầm vi, tay chân quyết lãnh, là biểu hiện của chứng dương khí suy yếu.
– MẠCH VÔ VỊ KHÍ 脉无胃气
Mạch đập không hòa hoãn như bình thường mà thường đập nhanh, mạnh, chắc cứng hoặc phù mà vô căn, cũng có khi hỗn loạn không đều. Loại mạch này thường cho thấy Vị khí đã tuyệt, sinh mệnh nguy hiểm.
– MAI ĐỘC 梅毒
Bệnh truyền nhiễm xuất phát từ bệnh giang mai, có hình như hình xoắn ốc. Bệnh lây lan qua đường tình dục, hoặc do tiếp xúc trực tiếp. Lúc mới phát thấy có các bệnh hoa liễu, lâu dần phát triển tới thân thể và các tổ chức trong cơ thể.
– MAI HẠCH KHÍ 梅核气
Yết hầu không đỏ không sưng nhưng trong họng cảm thấy khi nuốt vào có vướng mắc như nuốt hạt mơ, khạc không ra, nuốt chẳng vào. do Can uất khí trệ, Can khí hiệp đàm kết ở hầu họng gây nên.
– MAI HOA CHÂM 梅花针
Tức Bì phu châm.
– MAI SANG 霉疮
Tức chứng Dương mai sang.
– MẠN CAM 慢疳
Tức chứng Cam cam 甘疳.
– MẠN CAN KINH PHONG 慢肝惊风
Chứng co giật của trẻ em, đồng thời có mắt vàng như quả quýt, mắt nhìn lên, không bú sữa, khí hư muốn thoát. Nguyên nhân do tiêu chảy lâu ngày, làm tổn thương Tỳ Vị, Can không được nuôi dưỡng, hư dương bốc lên trên mà gây ra.
– MẠN CAN PHONG 慢肝风
Trẻ em trong vòng 1 tháng mắt nhắm không mở, hoặc sưng trướng, sợ ánh sáng hoặc xuất huyết. Nguyên nhân phần nhiều do Tâm Tỳ có uất nhiệt, lại nhiễm phải phong tà gây ra.
– MẠN HỎA 慢火
Tức chứng Văn hỏa.
– MẠN KINH PHONG 曼惊风
Chứng co giật, biểu hiện chậm rãi, yếu sức, lúc phát lúc ngưng. Thân nhiệt không cao, sắc mặt trắng nhợt hoặc tái xanh, tinh thần mệt mỏi, lười nói, đại tiện phân xanh hoặc kiết lỵ ra nước trong, mạch trầm hoãn hoặc trầm trì vô lực. Nguyên nhân do khí huyết bất túc, Can thịnh Tỳ hư gây ra.
– MẠN TỲ PHONG 慢脾风
Trẻ em thổ tả quá độ, chính khí suy yếu, xuất hiện chứng mắt nhắm, đầu lắc, mặt môi tím tái, hay ngủ li bì. Tay chân quyết lãnh, co giật, không có sức. Nguyên nhân do Tỳ âm hư tổn, Tỳ dương suy kiệt gây ra.
– MÃNH THƯ 猛疽
Chứng ung nhọt phát ở cổ họng gây sưng đau làm ảnh hưởng đến việc nuốt thức ăn và nước uống, hô hấp, nóng lạnh. Nguyên nhân do Phế Can có nhiệt uất, tà độc kết hợp với đàm hỏa xông bốc lên hầu họng mà phát bệnh.
– MAO TẾ 毛际
Nhóm lông mọc ở phía trên bộ phận sinh dục (nam, nữ). Còn gọi là âm mao.
– MAO THÍCH 毛剌
Một trong chín phép châm thích. Dùng loại kim ngắn châm rất nông trên bì phu.
– MAO TRIẾT 毛折
Lông tóc khô ráo, chải dễ gãy, dễ rụng. Nguyên nhân phần nhiều do tinh khí sắp kiệt, mất khả năng làm mềm da lông.
– MẠO GIA 冒家
Người bệnh có chứng hay váng đầu, hoa mắt.
– MẠO HUYỄN 冒眩
Tức chứng Huyễn vựng.
– MẠO THỬ HUYỄN VỰNG 冒暑眩晕
Tức chứng Trúng thử huyễn vựng.
– MẠO THỬ 冒暑
➊ Chứng thương thử. ➋ Bệnh danh. Sau khi cảm nhiễm thử tà, xuất hiện các triệu chứng sợ lạnh phát sốt, tâm phiền, khát nước, đau bụng, tiêu chảy, tiểu tiện sẻn đỏ, lợm giọng nôn mửa, đầu nặng, choáng váng.
– MẬT TIỄN ĐẠO PHÁP 密煎导法
Một trong những đạo pháp, dùng mật ong vừa đủ, cho vào nồi cô đặc, nhân lúc còn nóng, làm thành như cái nút, nhét vào trong hậu môn. Thích hợp chữa chứng đại tiện táo bón do tân dịch khuy hao.
– MẪU BỆNH CẬP TỬ 母病及子
Mối quan hệ mẫu tử của năm tạng (theo học thuyết ngũ hành), do bệnh của tạng mẹ mà liên lụy đến tạng con. Như Tỳ tạng hư nhược có thể làm ảnh hưởng Phế khí bất túc.
– MẪU KHÍ 母气
Hành sinh ra ta (trong quan hệ ngũ hành tương sinh). Thí dụ: mộc sinh hỏa, mộc là mẫu khí của hỏa.
– MẪU NGƯỢC 牡疟
Chứng sốt rét. Người vốn có dương hư, ngược tà phục ở kinh Thiếu âm mà gây ra. Chứng thấy lạnh run, không sốt hoặc sốt nhẹ, lên cơn không phân cử, sắc mặt trắng nhợt, mạch trầm mà trì…
– MẪU TẠNG 牡脏
Mẫu: giống cái = âm. Tạng âm. Phế, Tỳ, Thận là tạng âm.
– MẪU TRĨ 牡痔
Chứng trĩ hỗn hợp (bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại).
– MẬU XẾ 瞀瘛
Mắt mờ tối, hoa mắt và gân mạch co rút. Nguyên nhân phần nhiều do hỏa nhiệt nhiễu lên trên tâm thần, làm cho Can phong nội động gây ra.
– MỄ CAM THỦY 米泔水
Nước vo gạo. Dùng để ngâm chế thuốc. Thí dụ: Bạch truật tẩm nước gạo, thái mỏng, khi dùng sao vàng hoặc dùng sống. Mục đích khi ngâm nước vo gạo là để loại bỏ bớt tính hăng ráo của thuốc.
– MỄ THƯ 米疽
Tức Dịch ung.
– MỆNH MÔN 命门
Ý chỉ nguồn gốc của sự sống. Biểu hiện công năng của Thận dương, bao gồm vỏ tuyến thượng thận.
– MỆNH MÔN CHI HỎA 命门之火
Tức Thận dương. Còn gọi là hỏa của tiên thiên.
– MỆNH MÔN HỎA SUY 命门火衰
Tức chứng Thận dương suy.
– MỆNH MÔN HỎA VƯỢNG 命门火旺
Hiện tượng bệnh lý. Thận tạng bao gồm Thận âm và Thận dương. Thận âm tức Thận tinh, Thận dương tức Mệnh môn hỏa. Nếu Thận âm khuy tổn dẫn đến Mệnh môn hỏa vượng (thiên vượng).
– MỆNH QUAN 命关
Phương pháp coi vân tay của trẻ em. Mé ngoài lóng thứ 3 của ngón tay trỏ (tức đầu ngón tay), nơi có tĩnh mạch lộ rõ. Chỉ văn lan tỏa tới mệnh quan, bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu như chỉ văn thấu suốt cả phong, khí, mệnh tam quan thẳng tới ven ngón tay (gọi là Thấu quan xạ giáp), đa số là dấu hiệu nguy hiểm. Tuy vậy, cũng chưa hẳn là tuyệt đối đúng, mà cần phải kết hợp toàn diện, phân tích diễn biến cả tứ chẩn nữa.
Nhìn những biến hóa tĩnh mạch ở nơi này phản ảnh bệnh tình nghiêm trọng.
– MI LĂNG CỐT 眉棱骨
Bờ xương ở bờ trên quầng mắt, một bộ phận tạo thành xương trán.
– MIÊN HOA SANG 棉花疮
Tức chứng Dương mai sang.
– MIÊU KHIẾU 苗窍
Khiếu của năm tạng. Mũi là khiếu của Phế, mắt là khiếu của Can, miệng là khiếu của Tỳ, lưỡi là khiếu của Tâm, tai là khiếu của Thận.
– MIÊU NHÃN SANG 猫眼疮
Tức chứng hồng ban. Phần lớn phát ở đầu mặt và tay chân. Khi mới phát nổi ban đỏ thành dề, hoặc có mụn nước, có hình như mắt mèo. Nguyên nhân do huyết nhiệt ủng kết bên trong, bên ngoài do phong nhiệt hoặc phong hàn nhiễm vào.
– MINH ĐƯỜNG 明堂
➊ Mũi (biệt danh). ➋ Bản vẽ khổng huyệt nằm trên kinh mạch (người xưa gọi là minh đường đồ hoặc minh đường khổng huyệt đồ).
– MINH HUYỄN 明眩
Triệu chứng đầu choáng, mắt hoa. Giống như say nóng, say sóng, sau khi uống thuốc vào, xuất hiện phản ứng lợm giọng, choáng váng, tức ngực…
– MÔ 膜
Lớp màng mỏng trong cơ thể. Như là màng nhĩ, màng gân.
– MÔ NGUYÊN 膜源
Bộ vị giữa hung mạc với cơ ở ngực (mạc: màng ở khoảng cách; nguyên nguồn của cách hoang). Sách ‘ Ôn dịch luận’ ghi: “Tà khí từ miệng mũi xâm nhập, có chỗ ẩn náu bên trong không ở tạng phủ, bên ngoài không ở kinh lạc, ẩn náu ở trong phục lữ, không xa phần biểu, gần với Vị, đó là giáp ranh của biểu lý, là bán biểu lý… Tà khí ở kinh là biểu, tà khí ở Vị là lý, tà ở mạc nguyên, chính là nơi giáp ranh của kinh và Vị, cho nên là bán biểu bán lý”.
– MÔ NHẬP THỦY LUÂN 膜入水轮
Tức lớp màng che phủ ở tròng đen. Nguyên nhân phần lớn do tròng đen sinh mụn nhọt, sẹo xâm nhập vào đồng tử mà gây ra.
– MỘ HUYỆT 慕穴
Còn gọi là Mạc huyệt. Điểm phản ứng (huyệt vị) liên quan đến sinh lý, bệnh lý, nằm ở thể biểu vùng ngực và bụng, nơi tụ tập kinh khí của tạng phủ. Cụ thể là:
Mộ của Phế: huyệt Trung phủ
Mộ của Tâm: huyệt Cự khuyết
Mộ của Tỳ: huyệt Chương môn
Mộ của Thận: huyệt Kinh môn
Mộ của Can: huyệt Kỳ môn
Mộ của Tâm bào: Huyệt Đản trung (Thiên trì)
Mộ của Đởm: huyệt Nhật nguyệt, Trấp cân.
Mộ của Tiểu trường: huyệt Quan nguyên
Mộ của Tam tiêu: huyệt Thạch môn
Mộ của Đại trường: huyệt Thiên khu
Mộ của Bàng quang: huyệt Trung cực.
Còn gọi là huyệt chẩn đoán, dùng để kiểm tra khi đường kinh tương ứng có bệnh. Thí dụ: Ấn đau huyệt Trung phủ biết là Phế kinh bị bệnh.
– MỘ NGUYÊN 募原
➊ Trong cơ thể, vị trí nằm giữa cơ hoành và màng ngực. ➋ Ở bán biểu bán lý.
– MỘ THỰC TRIÊU THOÅ 暮食朝吐
Tối ăn sáng nôn ra. Xem thêm Triêu thực mộ thổ.
– MỘC HỈ ĐIỀU ĐẠT 木喜条达
Đặc điểm sinh lý của Can. Lấy sự sinh phát của loài thảo mộc để tỷ dụ cho đặc điểm sinh lý của Can. Can chủ về sơ tiết, một mặt sơ tiết Đởm trấp để hỗ trợ sự tiêu hóa của Tỳ Vị. Mặt khác Can và Đởm còn có tác dụng thăng phát, thấu tiết, làm cho khí cơ toàn thân thư sướng. Do đó đặc điểm của Can khí là thích điều đạt thư sướng mà không chịu sự đè nén uất ức, nhưng cũng không nên để quá căng thẳng.
– MỘC HỎA HÌNH KIM 木火刑金
Hiện tượng bệnh lý (mộc hỏa: Can hỏa; kim: Phế kim). Thường thấy ho khan, đau nhói vùng ngực sườn, tâm phiền, miệng đắng, khạc ra máu. Do Can hỏa vượng quá có thể tổn thương Phế âm.
– MỘC KHẮC THOÅ 木克土
Mối quan hệ tương khắc giữa Can và Tỳ. Có tác dụng khắc chế trong phạm vi bình thường. Do trong mối quan hệ phối hợp giữa ngũ tạng nếu quy nạp theo ngũ hành thì Can thuộc mộc, Tỳ (vị) thuộc thổ.
– MỘC THẬN 木肾
Chứng trạng hòn dái sưng trướng mà không gây đau nhức.
– MỘC THIỆT 木舌
Chứng lưỡi sưng cứng không đưa đẩy được. Nguyên nhân do Tâm Tỳ tích nhiệt, hỏa nhiệt bốc lên thành bệnh. Trẻ em thường hay mắc phải.
– MỘC UẤT ĐẠT CHI 木郁达之
Mộc uất: Can khí uất; Đạt: Làm cho điều đạt thư sướng. Khi Can khí uất kết, phải điều trị bằng phép sơ Can, lý khí, giải uất, để làm cho Can khí thông sướng và điều đạt.
– MỘC UẤT HÓA HỎA 木郁化火
Hiện tượng bệnh lý. Can thuộc mộc, mộc uất tức là Can uất. Do Can uất dẫn đến Can âm suy tổn hoặc vốn có nội nhiệt lại xuất hiện chứng trạng Can hỏa vì thế gọi là mộc uất hóa hỏa. Biểu hiện lâm sàng là các chứng đau đầu, đau mắt, chóng mặt, mặt đỏ, nôn ra máu, lưỡi đỏ, mạch huyền… Nặng thì phát cuồng.
– MỘC UẤT HÓA PHONG 木郁化风
Hiện tượng bệnh lý. Mộc uất tức Can uất. Vì Can khí uất kết dẫn đến Can phong nội động cho nên gọi là mộc uất hóa phong. Xuất hiện các chứng trạng như: Chóng mặt, run rẩy hoặc co giật…
– MỘNG DI 梦遗
Chứng xuất tinh do nằm mộng thấy giao cấu với phụ nữ. Nguyên nhân do bị kích thích, tướng hỏa vọng động, hoặc Tâm hỏa cang thịnh mà gây ra.
– MỘNG DI TINH 梦移精
Tức chứng Mộng di.
– MỤC BÀO 目胞
Tức Bào kiểm (mi mắt).
– MỤC BẤT MINH 目不瞑
Chứng mắt không nhắm được, bao gồm chứng mất ngủ.
– MỤC CAN SÁP 目干涩
Chứng kết mạc mắt khô không trơn. Nguyên nhân do Phế âm bất túc hoặc Can Thận âm hư gây ra.
– MỤC CƯƠNG 目纲
Rìa mi mắt, có quan hệ với chức năng của Tỳ Vị.
– MỤC DƯƠNG 目疡
Do hỏa độc uất kết hóa nhiệt xông lên trên mi mắt mà phát sinh chứng bệnh viêm mi mắt. Lúc mới phát mi mắt sưng đỏ nổi nhọt, sau vài ngày thì nung thành mủ, lở loét, đồng thời kèm có sợ lạnh phát sốt.
– MỤC DẠNG 目痒
Chỉ chứng kết mạc mắt có cảm giác ngứa ngáy. Nguyên nhân do phong hỏa hoặc thấp nhiệt hoặc huyết hư gây ra.
– MỤC HẠ BÀO 目下胞
Tức mi mắt dưới.
– MỤC HẠ CƯƠNG 目下纲
Rìa mi mắt dưới.
– MỤC HẠ HUYỀN 目下弦
Tức Mục hạ cương.
– MỤC HẠ HỮU NGỌA TÀM 目下有卧蚕
Chứng sưng mi mắt. Mi mắt dưới mòng mọng, giống như con tằm nằm ngang. Thường gặp ở bệnh nhân viêm thận.
– MỤC HỆ 目系
Mạch lạc nối liền nhãn cầu với não. Thủ thiếu âm Tâm kinh có mối liên hệ với mạch lạc này.
– MỤC HOÀNH THỐN 目横寸
Tức đồng thân thốn. Phương pháp xác định đơn vị đo trong phép châm cứu. Lấy khoảng cách từ khóe mắt trong (đầu mắt) đến khóe mắt ngoài (đuôi mắt) là một thốn.
– MỤC HÔN 目昏
Chứng nhìn vật lờ mờ không rõ ràng. Nguyên nhân do tinh khí của tạng phủ bị hư tổn, không thể đưa lên trên để nuôi dưỡng cho mắt mà gây bệnh.
– MỤC HUYỀN 目弦
Vùng ven mi mắt, nơi hay mọc lông quặm. Còn gọi là Nhãn huyền, Mục cương, Mục thượng cương, Mục hạ cương, Mục thượng huyền, Mục hạ huyền.
– MỤC KHỎA 目窠
Tức ổ mắt. Chỗ lõm nơi có chứa nhãn cầu.
– MỤC KHỎA THƯỢNG VI THŨNG 目窠上微肿
Chứng hai bên mí dưới mắt hơi sưng. Nguyên nhân do Tỳ không khắc chế thủy, Thận không hóa khí, hoặc do cảm phong tà ở bên ngoài. Phong tà và thủy khí kích bác lẫn nhau gây ra bệnh.
– MỤC MINH 目明
Chứng nhắm mắt không buồn mở (mính: nhắm mắt). Thường gặp ở trường hợp phát nhiệt, tâm phiền, chóng mặt, người bệnh nhắm mắt để mong được sự yên tĩnh nghỉ ngơi.
– MỤC PHI HUYẾT 目飞血
Chứng trên tròng trắng mắt có những mạch máu tụ lại thành mảng.
– MỤC PHONG TẮC 目风塞
Chứng mắt không mở được do mí mắt sưng phù.
– MỤC SA SÁP 目沙涩
Chứng kết mạc mắt khô đau, có cảm giác như có dị vật. kèm theo sợ ánh sáng, chảy nước mắt, mắt đỏ ngứa… Nguyên nhân do phong nhiệt hoặc âm hư hỏa vượng gây nên. Thường gặp ở các bệnh lý mắt có ngoại chướng.
– MỤC SÁP 目涩
Chứng mắt có cảm giác khô rát gây đau. Nguyên nhân do âm dịch khuy tổn hoặc tạng phủ có hư nhiệt gây đau.
– MỤC THƯỢNG BÀO 目上胞
Tức mi mắt trên.
– MỤC THƯỢNG CƯƠNG 目上纲
Mép của mi mắt trên.
– MỤC THƯỢNG HUYỀN 目上弦
Tức Mục thượng cương.
– MỤC TRUNG BẤT LIỄU LIỄU 目中不了了
Chứng mắt nhìn thấy lờ mờ. Đây là chứng trạng của Dương minh phủ nhiệt quá thịnh, tân dịch tổn thương, tà nhiệt nung nấu gây nên.
– MỤC TRỰC 目直
Hai mắt trực thị không chuyển động, thường gặp trong các chứng Can phong động, như cấp mạn kinh phong, điên cuồng mạn tính.
– MỤC VỰNG 目晕
➊ Chỗ tiếp nối giữa tròng trắng và tròng đen xuất hiện vòng tròn đục. ➋ Chứng trạng. Lúc soi đáy mắt thấy có vòng tròn có màu sắc.
– MỤC VƯU 目疣
Tức chứng Mục bào đàm hạch.
– MỤC XẾ 目眦
Tức khóe mắt, là nơi giao nối của mi trên và mi dưới.